Chuyện ông Troussier năm 2000 và hy vọng cho bóng đá Việt Nam

Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 09:05, 02/02/2023

Tháng 9.2000, tờ The New York Times có bài viết về công việc của huấn luyện viên Philippe Troussier tại Nhật Bản mà đến thời điểm này, bóng đá Việt Nam có thể trông chờ điều tương tự. Lao Động giới thiệu đến độc giả bài viết đó.
Chuyện ông Troussier năm 2000 và hy vọng cho bóng đá Việt Nam
Philippe Troussier đến Nhật Bản từ năm 1998. Ảnh: JFA

Với những người nước ngoài đến làm việc tại Nhật Bản, lời khuyên thường bao gồm: Giải quyết mọi vấn đề một cách lặng lẽ và riêng tư. Đừng làm đồng nghiệp mất mặt trước mặt người khác. Đừng bao giờ mất bình tĩnh.

Nói cách khác, hãy duy trì yếu tố “wa” – sự hòa hợp, đức tính quốc gia của Nhật Bản.

Nhưng kể từ khi trở thành huấn luyện viên của đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật Bản vào năm 1998, Philippe Troussier, một người Pháp, đã phá vỡ quy tắc.

Ông công khai chỉ trích Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) – những người thuê mình - điều hành như "những kẻ nghiệp dư". Ông thường xuyên mắng mỏ cầu thủ trước mặt cả đội (một người đã rơi nước mắt trên truyền hình trực tiếp vào năm ngoái, sau một loạt bất đồng với Troussier).

Về phần mình, báo chí đã đặt biệt danh cho ông là "Quỷ đỏ" vì những cơn thịnh nộ khiến đôi má hồng rực lên. Vào tháng 4, các tờ báo Nhật Bản đưa tin rằng, JFA đã quyết định sa thải ông.

Nhưng tuần trước, Troussier đã đồng ý với một hợp đồng mới có thời hạn 2 năm, với mức tăng lương 25%, lên 100 triệu yên (935.000 USD) mỗi năm, sau đó đến Australia cùng đội Olympic để tranh chấp huy chương.

Lý do ư? Phong cách dám đương đầu của ông dường như đang hiệu quả. Ông đã khơi dậy tinh thần thi đấu giúp đội Olympic Nhật Bản giành chiến thắng trong 17 trận đấu gần đây nhất (hầu hết là ở vòng loại), hiệu suất ghi bàn là 84-5 và người hâm mộ thường hô vang "Troussier Nippon!".

Troussier đến Nhật Bản và sẵn sàng “đương đầu“. Ảnh: JFA
Troussier đến Nhật Bản và sẵn sàng “đương đầu". Ảnh: JFA

“Một huấn luyện viên Nhật Bản sẽ không thể hành động như tôi”, Troussier nói, "Người Nhật phải tôn trọng các quy ước xã hội. Nhưng tôi không bị ảnh hưởng bởi những thứ ở Nhật Bản. Đó là một lợi thế lớn".

Troussier đến Nhật Bản sau một loạt công việc ở Châu Phi và ngay lập tức bị ấn tượng bởi kỹ thuật của các cầu thủ Nhật Bản. Nhưng họ thiếu sự quyết liệt cần thiết để thành công trên bình diện quốc tế. Trận đấu điển hình của J. League chứng kiến những kỹ năng tốt và chiến thuật tinh vi - nhưng được thực hiện một cách tinh tế, ít sự mạnh bạo.

“Các cầu thủ trẻ của Nhật Bản có thể giỏi hơn các cầu thủ Châu Âu về mặt kỹ thuật. Thách thức của tôi là chuẩn bị cho họ bước ra sân chơi thế giới - thi đấu với các đội bóng nước ngoài mạnh mẽ.

Với phong cách không thể bắt chước, ông bắt đầu đưa họ đến với các chuẩn mực quốc tế. Một số buổi tập trông giống như bóng bầu dục, khi ông đẩy và xô các cầu thủ trẻ của mình quanh sân – giống như các cầu thủ nước ngoài sẽ làm.

Rời xa sân bóng, ông là một người đàn ông ấm áp, thân thiện. Nhưng những lời chỉ trích trong phòng thay đồ dường như để nghiền nát các cầu thủ một cách sai lầm, khiến một cầu thủ tuyên bố thẳng vào mặt ông rằng ‘Tôi không thích ông’".

Troussier sử dụng thông dịch viên tiếng Nhật để nói chuyện với JFA và báo chí trong nước, nhưng nói chuyện với các cầu thủ thông qua một nhà ngôn ngữ học trẻ người Pháp, người nói - hoặc hét - cùng giọng điệu với Troussier để đảm bảo thông điệp không bị mất chất.

"Tôi cần văn hóa của mình", ông giải thích, "Điều rất quan trọng đối với tôi là có một thông dịch viên tiếng Pháp".

Yếu tố giáo dục còn ở ngoài sân bóng. Trong các chuyến đi, Troussier làm những việc như bỏ rơi các cầu thủ (hầu hết họ nói được ít tiếng Anh) ở các thành phố nước ngoài để tự tìm đường về khách sạn.

Huấn luyện viên người Pháp đã thành công với bóng đá Nhật Bản. Ảnh: AFC
Huấn luyện viên người Pháp đã thành công với bóng đá Nhật Bản. Ảnh: AFC

Ông hy vọng, quá trình chuẩn bị cho World Cup 2002 tại Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ bao gồm các chuyến đi thi đấu với các câu lạc bộ Châu Âu trong thời gian giải vô địch quốc gia nghỉ nhường chỗ cho lịch quốc tế.

“Các cầu thủ Nhật Bản không biết đủ về thế giới, vì vậy điều quan trọng là họ phải có kinh nghiệm sống”, ông nói, "Họ cần đi dạo quanh London hoặc ăn pizza ở Ý. Điều này sẽ phá vỡ ranh giới xã hội và cho họ những cách mới để thể hiện bản thân. Bạn cần phẩm chất con người trên sân bóng - để giao tiếp và đưa ra quyết định dưới áp lực".

Phương pháp của ông đã bắt đầu tạo ra kết quả. Mặc dù đội tuyển quốc gia thi đấu không tốt trong năm đầu tiên Troussier nắm quyền, thua nhiều hơn thắng và hiếm khi ghi bàn.

Họ đã hòa 2-2 vào tháng 5 với nhà vô địch thế giới Pháp, sau đó đánh bại Jamaica 4-0 - kết quả đã giúp đảm bảo hợp đồng mới của Troussier. Đội U20 đã về nhì tại Giải vô địch trẻ thế giới năm ngoái, và các cầu thủ - người mà ông gọi là "những đứa con của tôi" - được ông hôn lên má.

Tại Thế vận hội, Troussier nghĩ Nhật Bản là ứng viên tranh huy chương. Chơi với một đội hình tấn công, đội bóng có những tài năng ở hàng tiền vệ, với Hidetoshi Nakata của AS Roma, Shunsuke Nakamura của Yokohama F Marinos đã nổi lên trong năm qua với tư cách là một cầu thủ kiến tạo và kỹ thuật đá phạt có tiềm năng đẳng cấp thế giới.

Và nếu họ thất bại? "Đó sẽ là kinh nghiệm cho World Cup", ông nói, "Chúng tôi có 3 trận đấu chính thức với các đội đến từ Châu Phi, Châu Âu và Nam Mỹ. Tôi muốn sử dụng những trận đấu này để họ trải nghiệm. Đó là một phần nhiệm vụ của tôi".

TAM NGUYÊN