Kỷ niệm với tình khúc Koibito-yo

Dòng chảy - Ngày đăng : 18:18, 27/01/2023

Cái duyên của tôi với tình khúc Koibito-yo được một ký giả Nhật Bản giới thiệu trên nhật báo Nihon Keizai Shinbun (Nikkei) gần 30 năm trước. Hồi đó tôi không thể tưởng tượng được là sau đó ít lâu tình khúc này được chuyển sang lời Việt với tựa đề Người yêu dấu ơi và được đón nhận nồng nhiệt tại Việt Nam qua giọng hát Ngọc Tân, Mỹ Tâm…

Ở hải ngoại, bài này với lời Việt của Phạm Duy cũng được ưa thích qua tiếng hát Ngọc Lan và nhiều ca sĩ khác. Hiện nay tại Việt Nam nhạc phẩm này có lẽ được đàn hát nhiều hơn cả ở Nhật Bản. Nhạc phẩm Koibito-yo do Itsuwa Mayumi sáng tác và cho ra đời ngày 21.5.1980, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Theo xếp hạng hàng tuần của Đài truyền hình TBS, từ đầu tháng 11.1980 đến đầu tháng 2.1981, Koibito-yo liên tiếp 13 tuần lọt vào top ten các nhạc phẩm có đĩa nhạc bán nhiều nhất. Đặc biệt giữa thời gian đó là 3 tuần liên tiếp nhạc phẩm này chiếm số một trong top ten. Trong những tuần cuối năm 1980 và đầu năm 1981, số đĩa bán ra tổng cộng lên tới hơn một triệu.

Ngay từ khi nghe lần đầu, tôi cũng thích nhạc điệu khi sôi nổi khi trầm lắng, da diết của tác phẩm này. Tài năng của tác giả cũng để lại ấn tượng sâu đậm. Phần lớn các nhạc phẩm ở Nhật người soạn nhạc và người soạn lời là hai người khác nhau. Nhưng Itsuwa Mayumi chẳng những vừa soạn nhạc, vừa viết lời mà còn tự mình hát và đàn piano khi trình diễn.

Cuối thập niên 1980 tôi bắt đầu học piano, chủ yếu là tự học. Hồi trung học tôi có chơi guitar nên biết một số cấu trúc cơ bản về nhạc lý. Tôi chọn những nhạc phẩm trữ tình, ca từ sang trọng nhưng nhạc không phức tạp để tập, chẳng hạn Diễm xưa, Hạ trắng, Hoài cảm… và vài nhạc phẩm tương tự của Nhật. Khi nghe Koibito-yo tôi cũng rất muốn tập nhưng thấy có vẻ khó nên lưỡng lự.

84843d2c-b528-47e0-9f64-9ee7455c7589.jpg
GS. Trần Văn Thọ với tình khúc Koibito-yo trong ngày đoàn tụ của học trò cũ (Tokyo 2018). Ảnh: TLTG

Rất may là cuối thập niên 1980, trên Đài truyền hình Giáo dục của NHK bắt đầu có chương trình dạy piano cho người lớn tuổi do giáo sư âm nhạc nổi tiếng Hattori Katsuhiko phụ trách. Trong những nhạc phẩm ông chọn để soạn hòa âm và dạy, có hai nhạc phẩm tôi thích là Koibito-yoSubaru. Cũng rất may là nội dung của chương trình dạy piano này được in ra và bán ở các tiệm sách. Tôi vừa học hàm thụ trên tivi và mua sách về tập thêm. Đúng là may mắn và có nhiều trùng hợp hy hữu vì chương trình dạy piano trên tivi cho đến nay hình như chỉ có một lần vào thời điểm đó và lại dùng đúng những nhạc phẩm mình yêu thích.

Giữa năm 1994, một ký giả của báo Nihon Keizai Shinbun đến thăm tôi ở phòng nghiên cứu Đại học Oberlin (Tokyo) là nơi tôi đang giảng dạy. Trước khi đi Hà Nội làm phóng viên thường trú, anh muốn gặp tôi để hỏi chuyện về kinh tế Việt Nam. Cuối buổi trò chuyện, ký giả hỏi tôi có thú vui giải trí gì không, tôi thành thật kể chuyện piano như nói ở trên. Không ngờ vài ngày sau thấy trên báo có bài “Nhà âm nhạc” kêu gọi đầu tư ở Việt Nam (mấy chữ “nhà âm nhạc” viết trong ngoặc kép), bắt đầu bằng câu “Các nhạc phẩm đắc ý là Koibito-yo, Subaru…”.

695bbd2e-d16f-4590-964a-8e3b58defe4b.jpg
Số báo ra chiều 28.9.1994 của tờ Nihon Keizai Shinbun (Nikkei) viết về hoạt động và sở thích của GS. Trần Văn Thọ. Bài báo có tiêu đề “Nhà âm nhạc” kêu gọi đầu tư vào Việt Nam, bắt đầu bằng câu “Các nhạc phẩm đắc ý là Koibito-yo, Subaru…”. Ảnh: TLTG

Từ năm 1993 Việt Nam lập lại quan hệ bình thường với các cơ quan quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á. Nhật Bản cũng bắt đầu viện trợ trở lại cho Việt Nam. Do đó viễn ảnh để Việt Nam có vốn đầu tư hạ tầng trở nên sáng sủa. Nhiều cải cách thể chế cũng được tiến hành. Đặc biệt doanh nghiệp Nhật quan tâm đến việc đầu tư ở nước ta và tôi thường xuyên được mời thuyết trình về kinh tế Việt Nam.

Bài báo kể sơ lược tình hình đó và nói vui là vì bận thuyết trình nên tôi đang phiền là không có nhiều thì giờ cho piano. Câu kết của bài báo cũng nhắc đến chuyện piano và nhạc phẩm Koibito-yo: “Thì giờ gõ bàn phím giảm nhưng với tấm lòng mong ước đất nước mình phát triển, ở các buổi diễn thuyết ông tích cực gửi thông điệp đến những “người yêu dấu” Nhật Bản”.

Đầu năm 2000 tôi có một tháng về dạy học ở Hà Nội. Tôi chọn ở một khách sạn có piano và không cấm khách sử dụng. Ngoài buổi chiều tối có pianist đến đàn, những giờ khác khách có thể dùng. Nhưng là người chơi đàn nghiệp dư, lại không đàn giỏi, tôi chọn giờ vắng khách mới chơi. Thời gian lý tưởng là khoảng 9 giờ sáng, lúc đó hầu như chỉ có nhân viên khách sạn nghe được tiếng đàn. Một buổi sáng nọ, tôi đàn mấy nhạc phẩm như Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Diễm xưa, Hạ trắng… và Koibito-yo. Những bản nhạc Việt Nam ngắn nên tôi thường đàn hai lần. Bản Koibito-yo cũng không dài nhưng nghĩ là ở Việt Nam không ai biết nên tôi chỉ đàn một lần rồi chuyển qua nhạc phẩm khác. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi một nhân viên đến nói với tôi: “Bản nhạc Người yêu dấu ơi tụi em rất thích nghe, sao anh chỉ đàn một lần? Anh đàn lại cho nghe nhé”. Đó là lần đầu tôi biết Koibito-yo đã khá phổ biến tại Việt Nam.

Ở Nhật, hầu hết sinh viên của tôi cũng thích nhạc phẩm này. Trước khi có đại dịch, hằng năm sinh viên tổ chức ngày đoàn tụ với những người đã tốt nghiệp và từng học với tôi trong lớp chuyên biệt. Từ khi biết tôi thích tình khúc Koibito-yo, ban tổ chức ngày đoàn tụ lúc nào cũng tìm chọn hội trường có piano để nghe một người nghiệp dư trình bày nhạc phẩm này.

Ca từ của Koibito-yo hay, trang trọng, sâu lắng, diễn tả chân thật tình cảm luyến tiếc một mối tình đã đi qua. Tiêu đề Koibito-yo (Hỡi người yêu dấu) và do một nữ nhạc sĩ sáng tác cũng làm ta liên tưởng đây là lời một người con gái vừa chia tay với người yêu. Ca từ của nhạc phẩm được Quỳnh Chi phỏng dịch thành một bài thơ lục bát rất hay. Tuy tác giả gọi là phỏng dịch nhưng tôi thấy nội dung rất sát với bản gốc tiếng Nhật. Được tác giả đồng ý, tôi chép lại ở đây:

Gửi người yêu dấu
(Quỳnh Chi
phỏng dịch, 9.2004)

Chiều nay lá úa rụng đầy
Như điềm báo sẽ lạnh nhiều ngày mai
Công viên ghế đổ mưa rơi
Còn đâu êm ái những bài tình ca

Người ơi hãy đến bên ta
Sưởi giùm buốt giá lòng ta hỡi người
Hãy cười nói “Chuyện chia tay
là đùa thôi, sẽ suốt đời bên nhau”

Người qua những bước chân mau
Con đường sỏi đá xạc xào dưới chân
Mình ta thờ thẫn bâng khuâng
Như trong đồng thiếp hồn còn ngẩn ngơ

Người ơi thôi nhé giã từ
Bao mùa lá đổ mấy mùa trăng soi
Người đi như ánh sao rơi
Sao khuya chợt tắt bỏ trời lẻ loi

Ngày nao cùng ngắm sao rơi
Chỉ còn là giấc mộng trôi vô thường

Tuy nhạc phẩm diễn tả cuộc chia tay của một cuộc tình nhưng thật ra câu chuyện bắt nguồn từ cảm xúc của nhạc sĩ Itsuwa Mayumi trước cái chết đột ngột của một người bạn thân mà cô xem như người anh. Người này mất trong một tai nạn giao thông vào tháng 5.1980, ba tháng trước khi nhạc phẩm ra đời. Itsuwa Mayumi kể lại là khi đến nhà tang lễ, thấy người quá cố nằm trong linh cữu phủ đầy hoa cô quá xúc động, thẫn thờ và trong tiềm thức như muốn nghe mọi người chung quanh nói “cái chết này chỉ là đùa thôi”. Tâm trạng này sau đó đã được thể hiện trong câu “em muốn anh cười lên và nói câu chuyện chia tay này chỉ là đùa thôi”, phần nổi bật nhất trong ca từ của Koibito-yo.

adf86580-ad7f-40c1-b2d4-e5db37b8ba78.jpg
Album Koibito-yo phát hành 1980 của Itsuwa Mayumi và lời Nhật bài hát Koibito-yo 

Trong thơ ca hay âm nhạc, một sự kiện có thể trở thành cảm hứng để người nghệ sĩ thăng hoa thành một tác phẩm mà ý nghĩa nhiều khi đi rất xa, có thể ra ngoài những gì liên quan đến sự kiện đó. Koibito-yo là một kiệt tác tiêu biểu của hiện tượng đó.

Vào tháng 10.2016, báo Asahi ở Nhật thực hiện cuộc điều tra ý kiến độc giả về những nhạc phẩm ra đời tháng 12.1980. Đã hơn 35 năm nhưng tình khúc Koibito-yo vẫn được đánh giá rất cao, xếp thứ nhất và vượt xa nhạc phẩm xếp thứ hai. Trong các ý kiến viết thêm khi bình chọn Koibito-yo, có tâm sự rất đáng chú ý của một độc giả nữ: “Khi yêu mà nghe nhạc phẩm này thì sẽ hết lòng với người yêu để sau khỏi phải hối hận; khi phải thất tình thì nhạc phẩm này là nguồn an ủi. Riêng tôi nay đã lớn tuổi, những cuộc tình không vui trong quá khứ cũng trở thành tài sản giữ chặt trong tim” (theo Asahi, 5.11.2016).

Tôi nghĩ tình khúc Koibito-yo (Người yêu dấu ơi) sẽ là một trong những tượng đài tình yêu vượt thời gian.

Trần Văn Thọ

Trần Văn Thọ