Cuối năm đi tìm bia cổ

Nhịp sống - Ngày đăng : 07:30, 19/01/2015

Chiều cuối năm. Ngôi chùa nằm ven con rạch vắng lặng. Dường như không có khách thập phương, những người đến chùa đơn sơ giản dị. Họ khấn vái dưới chân tượng Quan âm ngoài trời với sự thành kính trang nghiêm. . .

Đường vào chùa, bên cạnh cầu Phú An ngang qua rạch Văn Thánh

Đau lòng bia cổ

Chùa có tên chùa Văn Thánh nằm sâu trong quần thể dân cư trên đường Ngô Tất Tố (P.22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM). Trước chùa là con rạch cũng mang tên rạch Văn Thánh với dòng nước đen ngòm và mùi hôi tanh bốc lên.

Chùa không nguy nga đồ sộ. Cả khuôn viên rộng chừng 1.000m2. Mặc dù được sở Văn hóa - Thông tin - du lịch TP.HCM công nhận là di tích nhưng những hạng mục xây dựng đều còn rất mới. Chánh điện trước đây được nhiều người kể lại là một ngôi nhà gỗ 3 gian 2 chái. Trải qua bao hưng phế, ngôi nhà này đã hư hỏng khá nhiều và được thay thế bằng ngôi nhà gạch. Phía trước sân, tượng Phật bà Quan âm ngự trên tòa sen cao vút. Pho tượng Di Lặc với nụ cười hiền hậu ở phía sau, thấp hơn.

Chúng tôi đến viếng chùa vào buổi chiều cuối tuần. Chùa vắng. Người bán hàng còn đông hơn người vãn cảnh. Một phụ nữ với bó nhang nghi ngút khói đứng vái rất lâu dưới chân pho tượng. Cắm nhang vào lư, bà quì lạy với sự tôn kính và tin tưởng. Cúng xong bà lẻn ra phia sau đưa tay quẹt vào tượng Di Lặc rồi thoa lên trán bà. . .

Vắng như chùa . . . bà Đanh

Là người Sài Gòn, từ lâu tôi vẫn thắc mắc tại sao có tên Văn Thánh. Không chỉ chùa Văn Thánh mà còn có rạch Văn Thánh, chợ Văn Thánh. Một lần tình cờ được biết trong ngôi chùa này còn có một tấm bia cổ ghi lại lai lịch hình thành ngôi chùa nên tôi cất công tìm đến.

Rạch Văn Thánh

Đảo qua một vòng. Dưới gốc 2 cây cổ thụ có 2 tấm bia. Những vệt nhang cháy để lại nhiều vết hoen ố trên bia. Đến gần. Bia có vài dòng chữ Hán. Mặc dù không hiểu được những dòng chữ này nhưng tôi có thể suy đoán lai lịch của một ngôi chùa mà chỉ có mấy chữ như thế này sao ? Tiếp tục tìm. Vẫn không thấy. Hỏi một chị mặc áo nâu sồng nhưng chưa xuống tóc. Lắc đầu : ''em không biết''. Hỏi những người buôn bán quanh đó, chẳng ai hay.

Ngồi lên chiếc ghế đá, trong suy nghĩ của tôi chẳng lẽ bia cổ này bị đập bỏ rồi sao ? Không thể được nhưng tại sao chẳng ai biết ? Đưa mắt lãng đãng chợt nhìn vào những chậu kiểng kê sát vách ngôi điện, tôi phát hiện phía sau ẩn hiện những dòng chữ. Tôi xê dịch chậu kiểng ra, một tấm bia cổ hiện nguyên hình. Dấu vết của thời gian và sự thờ ơ của hậu thế hiện rõ trên bia. Một vết nứt ở phía trên, những vệt bẩn lem luốt làm nhạt nhòa tấm bia.

Chắc chắn là bia này. Tôi lấy máy ghi hình lại để tìm người đọc được nội dung. Trên đường về, lòng tôi vui lên rộn rã. Lại thêm một khám phá về Sài Gòn, vùng đất đã ôm trọn cuộc đời mình.

Sài Gòn - Gia Định vùng đất học

Không khó khăn lắm trong số các tài liệu lưu trữ có cả hình ảnh tấm bia và nội dung lược dịch :

Bia cổ nấp sau chậu kiểng

“Bây giờ là chùa Văn thánh, nguyên trước kia là Văn thánh miếu của tỉnh Gia Định, do chiến tranh mà bị hủy hoại. Sau đó hương chức bổn thôn lập nên ngôi chùa bằng ngói có 3 gian để thờ Tam bảo, đồng thời có bài vị thờ Đức Khổng Tử. Qua nhiều năm, người chủ chùa qua đời vào năm Kỷ Dậu (1909).

Nhưng trời còn chiều lòng người, nên bà nhạc mẫu của ông chủ chùa là Huỳnh Thị Ly và con gái là Nguyễn Thị Ó tiếp tục thờ cúng liên tục, khói hương không dứt. Sau đó có một hòa thượng ở Quảng Nam cùng một đệ tử vào Nam ở lại chùa để phụng sự. Qua một thời gian có các hương chức Đặng Văn Phu, Phan Văn Phòng, Huỳnh Văn Hiền cùng phát nguyện sửa chữa chùa khang trang như ngày nay.Tháng Trọng hạ, năm Giáp Dần thời Duy Tân”. (Võ Văn Sổ chuyên viên Hán - Nôm Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia Phả - Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM)

Như thế này thì . . .''làm sao em biết bia đá không đau ?''

Thì ra, tên Văn Thánh có nguồn gốc từ văn thánh miếu Gia Định - nơi thờ tự và tôn vinh những người cả đời hiến thân cho sự nghiệp giáo dục. Sau khi văn thánh miếu Gia Định bị tàn phá, ngôi chùa được lập nên.

Văn thánh miếu Gia Định được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825). Lúc bấy giờ, triều đình nhà Nguyễn luôn khuyến khích việc học đã cho xây dựng tại mỗi tỉnh một văn thánh miếu. 3 văn thánh miếu tiêu biểu nhất ở miền Nam là văn thánh miếu Trấn Biên (Biên Hòa), Gia Định và Vĩnh Long. Hiện chỉ có văn thánh miếu Gia Định bị tàn phá. Dấu tích duy nhất là tấm bia này trong khi 2 nơi khác được trùng tu gìn giữ đến nay.

Ở 2 văn thánh miếu Trấn Biên và Vĩnh Long hiện còn bài vị của nhà mô phạm lừng danh của đất Gia Định : cụ Võ Trường Toản. Cụ là thầy dạy học của Gia Định tam gia Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh và Trịnh Hoài Đức với các công trình nghiên cứu như Nhất thống địa dư chí, Gia định thành thông chí.

Sài Gòn - Gia Định là vùng đất học đã sản sinh ra rất nhiều trí thức khoa bảng đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Phục hồi văn thánh miếu Gia Định trên đất Sài Gòn thiết tưởng là một việc làm cần thiết để hậu thế nhìn vào lấy đó làm tấm gương soi chung để vươn tới tương lai sáng lạn.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 18/01/2015
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/cuoi-nam-di-tim-bia-co-216650.htm

Trần Chánh Nghĩa