Tết và nỗi ám ảnh 'tay hòm chìa khóa' của các bà vợ

Gia đình - Ngày đăng : 11:48, 10/01/2023

Cuối năm, trong không khí nhộn nhịp mua sắm chuẩn bị cho ngày Tết, không ít bà vợ thở ngắn than dài vì trăm thứ phải chi. Tết sếp, tết nội, tết ngoại,.. muôn nổi khổ không tên mà chỉ chị em tay hòm chìa khóa mới thấu.

Nỗi sợ mang tên “Tết”

Năm hết Tết đến, trong khi trẻ con hào hứng bởi được xúng xính quần áo mới, được nghỉ học, được đi chơi thì các bậc phụ huynh, nhất là những bà vợ lại thở ngắn than dài. Việc lo chuẩn bị Tết như một gánh nặng với cánh chị em, trong khi điều đó lại đơn giản hơn với các ông chồng.

Giữa bộn bề bao nhiêu là việc, chị em lại đối diện với hàng loạt nhiệm vụ: sơn lại  căn nhà, mua thêm mấy bức tranh trang trí, sắm thêm mấy chậu hoa, hay chuẩn bị những món quà biếu sếp, biếu thầy cô giáo của con, rồi biếu cha mẹ ông bà hai bên… Mới nghĩ đến thôi đã chóng cả mặt. Trong khi tiền thưởng chỉ được có vài đồng, đại đa số người đi làm công ăn lương chỉ có thêm “tháng lương thứ 13”.

personalshopping.jpg
Muôn vàn thứ phải sắm sửa chuẩn bị cho Tết khiến các chị em ám ảnh.

Chị Hoàng My, giáo viên trường mầm non tại TP. HCM than thở: “Trong khi ông chồng mình liên hoan tiệc tùng cuối năm hết đám này đám nọ thì mình mệt bở với hội xuân cho các bé, trang trí trường lớp, tổng kết báo cáo cuối năm. Đã vậy lại còn một loạt việc không tên: dọn dẹp nhà cửa, mua sắm quà Tết về quê, bận bịu đến mức còn chưa mua được cho con vài cái áo mùa đông trong khi dăm bữa nữa về quê lạnh con chưa có áo mặc”.

Năm nào chồng chị cũng chỉ thị cả nhà về quê ăn Tết cùng ông bà nội. Quê nội tận ngoài Bắc, vốn quen với khí hậu trong Nam nắng ấm nên mỗi lần về quê chị như chịu cực hình.

“Tiền vé máy bay đi lại khứ hồi cả nhà 4 người hết hơn 20 triệu, tiền biếu ông bà, tiền mừng tuổi trẻ con họ hàng, quà cáp các nhà…Không chỉ tốn tiền bạc, về lạnh nên con ho, mẹ ốm. Năm nào cũng mệt đuối! Cứ nghe đến Tết là lại rùng hết cả mình!”, chị thở dài. Cũng theo chị, mỗi khi “bão” Tết càn qua, cả nhà chị đi đứt mất số tiền dành dụm nửa năm.

6421ae57d5.jpg
Có không ít gia đình chi đến nửa năm dành dụm chỉ cho dăm ba ngày Tết.

Cũng như chị My, chị Hồng Nga – nhân viên công ty vận chuyển dù không tốn kém về quê đi lại nhưng cũng ái ngại khi phải dốc hầu bao chi không ít cho Tết.

“Năm nào cũng phải lo quà cho chồng biếu sếp rồi quà cho 2 bên nội, ngoại. Con cháu trong nhà đông nên tiền lì xì tốn không ít. Đã thế, tiền thưởng không bao nhiêu mà các đám cưới xin, thôi nôi, tân gia cứ cuối năm là họ thi nhau mời. Chỉ thấy tiền thi nhau ra mà xót hết cả ruột!”.

Tiêu tiền vừa sức

Những cái thở dài của chị em phụ nữ được buông ra đầy lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Bao việc cần chi, chỉ người phụ nữ nắm giữ hòm chìa khóa chi tiêu trong nhà biết nỗi khổ “trăm dâu đổ đầu tằm”.

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, từ lâu nam giới đã xem việc vén khéo chi tiêu là của chị em phụ nữ nên hầu như các anh không mấy quan tâm đến chi tiết việc mua sắm trang trải của vợ. Những bà vợ nhiều năm kinh nghiệm kiểm soát chi tiêu thường đưa ra lời khuyên cho cánh chị em rằng mặc dù bận rộn và có quá nhiều khoản phải chi tiêu, nhưng hãy luôn là người tiêu dùng thông thái, chi tiêu hợp lý để đừng bị rơi vào hoàn cảnh nhẵn túi mỗi dịp cuối năm này.

h1-16436903452322011492572-1643792004.jpg
Hãy chuẩn bị một cái Tết vừa sức và đơn giản thay vì cầu kỳ, chu toàn mọi thứ.

Chị Lam Anh, một bà nội trợ nhiều năm kinh nghiệm ứng phó với Tết chia sẻ: “Giai đoạn mới làm dâu lo Tết mình cũng áp lực lắm. Có khi còn dốc cả tiền tiết kiệm ra lo Tết cho chu toàn để đẹp mặt với nhà chồng. Nhưng rồi sau này nhận ra là cố quá chỉ khiến mình khổ nên mình tiết chế lại. Có bao nhiêu thì lo trong khả năng bấy nhiêu, Tết nhất không cần quá chu toàn. Tết là dịp nghỉ ngơi chứ không phải hành xác”.

Đồng ý kiến với chị Lam Anh, chị Thu Hà – kinh doanh tự do cho biết: “Mình toàn lên danh sách những thứ cần mua và chuẩn bị sớm, dự kiến chi tiêu cho phù hợp. Ví như biếu hai bên nội ngoại thì có nhiều biếu nhiều, ít lo ít. Mua sắm nhà cửa thì vừa phải chậu quất hay cây mai, cành đào nhỏ là được. Quà cáp các nơi cũng giản lược, nơi nào cắt được thì cắt”.

depositphotos_67315603-stock-photo-woman-giving-her-granddaughter-a.jpg
Hãy để ngày Tết trở nên vui vẻ thay vì là gánh nặng khiến cả nhà sợ hãi.

Chị Hà cùng nhiều bà nội trợ tay hòm chìa khóa thông thái khác còn chia sẻ cách để giảm bớt áp lực cho chị em bằng việc nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng trước đó thay vì dồn đến cuối năm mới lo dọn nhà đón Tết. Những món ăn cũng không cần cầu kỳ vì Tết là dịp để sum họp gia đình, nghỉ ngơi chứ không phải để chi tiền và hành xác. Hãy để ngày Tết trở nên vui vẻ, là điều đáng trông đợi thay vì nỗi ám ảnh, chị em nhé!

Lam Chi