Người hùng của cuộc cách mạng sách bìa mềm

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 01:00, 05/01/2023

Jason Epstein được miêu tả là người kết hợp sự uyên bác của một học giả văn học với tinh thần kinh doanh của một người bán sách rong.
nguoi hung xuat ban anh 1
Jason Epstein. Ảnh: NPR.

Jason Epstein được miêu tả là người kết hợp sự uyên bác của một học giả văn học với tinh thần kinh doanh của một người bán sách rong. Ở tuổi 23, anh có một ý tưởng sẽ cách mạng hóa cách phát hành sách.

Cuộc cách mạng bìa mềm

Jason Epstein sinh ra ở Massachusetts, nước Mỹ, vào năm 1928, trong một gia đình Do Thái. Ông học thạc sĩ chuyên ngành văn học Anh tại Đại học Columbia, sau khi tốt nghiệp, Epstein gia nhập công ty xuất bản Doubleday and Company với tư cách là thực tập sinh biên tập, với mức lương là 45 USD một tuần.

Thời điểm đó, sách bìa mềm thường là những loại tiểu thuyết tình cảm tầm thường, hoặc sách có nội dung tầm thường, Epstein đã đề nghị Doubleday xuất bản các ấn bản bìa mềm văn chương kinh điển và sách phê bình văn học chất lượng. Với sự hỗ trợ của Ken McCormick, tổng biên tập của Doubleday, ông đã cho ra mắt Anchor Books vào năm 1953.

Những tác phẩm đầu tiên bao gồm tác giả người Anh D.H. Lawrence, nhà phê bình Lionel Trilling và Edmund Wilson (Edmund Wilson) và các tác phẩm của tiểu thuyết gia người Pháp thế kỷ 19 Stendhal. Với giá từ 65 xu đến 1,25 đôla, sách đã bán hết 10.000 bản chỉ trong vòng 4 tuần.

Các sinh viên đặc biệt quan tâm đến cái gọi là "cuộc cách mạng bìa mềm" và các nhà xuất bản khác đã theo bước chân của Epstein bằng cách xuất bản các tác phẩm văn học tiêu biểu để đón đầu cơn lũ sách bìa mềm mới. Và từ đó, bìa mềm chất lượng cao, hay còn gọi là bìa mềm "thương mại", trở thành phân khúc sinh lợi nhất của ngành xuất bản.

Epstein đưa tiểu thuyết gia nổi tiếng Vladimir Nabokov đến với nhà Doubleday, nhưng công ty đã từ chối xuất bản cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi Lolita. Thất vọng, Epstein rời Doubleday, sang nhà xuất bản Alfred A. Knopf điều hành một thời gian ngắn nhãn bìa mềm Vintage, đến năm 1958, ông gia nhập Random House.

Nhà xuất bản Random House thời điểm đó vẫn được điều hành bởi những người sáng lập, Bennett Cerf và Donald Klopfer. Epstein ở lại Random House, và cuối cùng trở thành tổng biên tập vào năm 1976, ông giữ chức vụ đó cho đến năm 1995.

Không có sách chúng ta sẽ không biết mình là ai

Tại Random House, Epstein biên tập tiểu thuyết của các tiểu thuyết gia Philip Roth, Gore Vidal, Norman Mailer và E.L. Doctorow, W.H. Auden... Ông nổi tiếng là hay chế giễu đề xuất của các biên tập viên khác và thô lỗ với cấp dưới. Còn với cấp trên thì Bennett Cerf, người đồng sáng lập Random House, còn gọi Epstein là "con gấu mà tôi phải chịu đựng". “Tôi chắc chắn là một sự hiện diện rất khó chịu”, ông thừa nhận. Ông từng nói: “Tôi không có kiên nhẫn với người khác”.

Dù không kiên nhẫn với con người, ông lại kiên nhẫn với bản thảo, kết quả là ông vẫn tiếp tục biên tập các tác giả có giá trị nhất của nhà xuất bản.

Một số người coi Epstein chuyên mặc vest, hút xì gà, ra vào nhà hàng, câu lạc bộ hạng sang là một kẻ hợm hĩnh. Một người quen kể lại rằng Epstein đi chơi với một nhóm người “tạo ấn tượng rằng nếu bạn chưa đọc Proust bằng tiếng Pháp, bạn có thể về nhà”. Khi được hỏi có phải ông chỉ thích những người quan trọng không, Epstein trả lời: “Không. Chỉ là tôi không thích người lạ thôi”.

nguoi hung xuat ban anh 2
Epstein và Gore Vidal, 1974. Ảnh: airmail.

Trên thực tế, ông là người dễ mến và là một người sành ăn nổi tiếng, Epstein kết bạn với nhiều nhà văn. Epstein tận hưởng những thứ tốt đẹp trong cuộc sống, bao gồm xì gà đắt tiền và giày thủ công. Căn hộ của ông ấy ở New York được trang bị xa hoa, một con vẹt đuôi dài màu đen tên là Hamlet chạy xung quanh.

Ngôi nhà thế kỷ 18 của ông ở Long Island, chứa đầy những tấm thảm cổ. Trong các bữa tiệc tối, ông tự mình nấu bếp, giải thích rằng “nấu ăn và biên tập cũng giống nhau; cả hai đều là một cách tổ chức trải nghiệm”.

Epstein chưa bao giờ bỏ lỡ một cuốn sách bán chạy nào, mặc dù ông đã từ chối cuốn tự truyện bán chạy Out on a Limb nổi tiếng của diễn viên ngôi sao Shirley MacLaine. Ông tự hào kể lại: “Chúng tôi là bạn và cô ấy đã viết hầu hết cuốn sách tại nhà tôi. Nhưng cô ấy chưa bao giờ nói cho tôi biết nội dung của cuốn sách. Tôi đọc cuốn sách và nói 'Thôi nào, Shirley, cô điên rồi…”.

Trong một lần phát biểu trên truyền hình, Epstein giải thích rằng ông coi việc xuất bản là một nghề thủ công hơn là một công việc. “Đó là một ơn gọi. Bạn cảm thấy mình đang làm một việc cực kỳ quan trọng và đáng để hy sinh vì không có sách chúng ta sẽ không biết mình là ai”.

Doanh nhân trí thức hàng đầu trong lĩnh vực xuất bản của thời đại

Epstein là người có nhiều ý tưởng xuất bản, nhiều ý tưởng trong số đó được ông nhắc lại trong cuốn sách Kinh doanh sách: Xuất bản Quá khứ, Hiện tại và Tương lai (2001).

Là một người làm xuất bản, Epstein nhận thức sâu sắc về giá trị của các bài phê bình sách trên báo. Cuối năm 1962, một cuộc đình công của công đoàn ở New York đã khiến bảy tờ báo trong thành phố phải đóng cửa. Trong trường hợp không có các bài phê bình sách đã xuất bản, ông đã làm sống lại một ý tưởng đã ấp ủ từ lâu cho The New York Review of Books (NYRB).

Năm mươi năm sau, ông mô tả cuộc đình công của tờ báo đã mang đến cơ hội, “thực sự là nghĩa vụ”, để tạo ra một tạp chí dành riêng cho việc phê bình đánh giá sách một cách nghiêm túc. “Chúng tôi muốn có một bài phê bình sách xứng đáng với chủ đề của nó, trong đó có những nhà văn mà chúng tôi ngưỡng mộ - và những người đồng ý với chúng tôi rằng sách là hoạt động phê bình liên tục, điều kiện thiết yếu của nền văn minh - sẽ có chỗ để viết với độ dài phù hợp”.

Số đầu tiên của NYRB xuất hiện vào ngày 1 tháng 2 năm 1963. Báo vừa ra đã bán hết sạch, và "2.000 lá thư được gửi đến, thúc giục chúng tôi tiếp tục". Những tên tuổi viết bình luận, đánh giá sách được xếp hàng dài: bao gồm cả W.H. Auden, Isaiah Berlin, Norman Mailer, Susan Sontag và Gore Vidal... “45 người đồng ý nhận bình luận mà không nhận tiền”, Epstein kể lại.

Vào năm 1982, ông đã nghĩ ra Library of America, một bộ sưu tập các tác phẩm văn học lớn của Mỹ được đóng bìa một cách trang nhã, đẹp đẽ. Năm 1989, Epstein chủ trì việc xuất bản The Reader's Catalog (Danh mục người đọc), một bộ sưu tập gồm 40.000 đầu sách hoàn chỉnh với các mô tả, hình minh họa và bài tiểu luận. Cung cấp hàng nghìn đầu sách thông qua một số điện thoại miễn phí duy nhất, ông xem đó là một cách để giảm bớt sự độc quyền của các chuỗi cửa hàng sách và các nhà xuất bản, tạo sự tiện lợi cho người đọc.

The Reader's Directory chưa bao giờ được chú ý, nhưng nó được coi là tiền thân của Amazon. Lúc đầu, Epstein không nghĩ rằng Amazon, do Jeff Bezos thành lập, sẽ thành công, nhưng ông hoan nghênh mọi cách để sách đến tay độc giả. Ông ấy là một trong số ít những người kỳ cựu trong thế giới xuất bản đã thể hiện sự nhiệt tình sớm và ngẫu nhiên đối với công nghệ.

Mặc dù Epstein sau này là người ủng hộ sách điện tử, ông vẫn dành sự ưu ái cho sách giấy. Ông từng viết: “Các phòng của tôi chất đầy sách từ sàn đến trần đến nỗi tôi phải suy nghĩ kỹ xem nên đặt cuốn nào khác ở đâu... vì sách là cuộc sống của tôi".

Epstein từng nói: "Nếu chúng ta không có sách, mọi người sẽ không nghĩ gì cả. Tôi nghĩ chúng ta sẽ lạc lối nếu không có sách... sách là nền tảng của nền dân chủ của chúng ta. Đó là lý do tại sao các nhà độc tài thích ném sách đi, cho sách vào lửa. Nếu không có sách, chúng ta sẽ không có nền dân chủ".

Robert Gottlieb, một tên tuổi lớn trong làng xuất bản, từng giữ chức tổng biên tập của hai nhà xuất bản hàng đầu là Simon & Schuster, Alfred A. Knopf, nói với tờ The Boston Globe: "Không có gì phải nghi ngờ, Epstein là doanh nhân trí thức hàng đầu trong lĩnh vực xuất bản của thời đại chúng ta".