Ký ức mất 7 người thân trong đêm Mỹ rải thảm bom B-52 ở Hải Phòng

Dòng chảy - Ngày đăng : 19:00, 27/12/2022

Ngày 16/4/1972, B-52 của Mỹ rải thảm bom xuống Hải Phòng khiến cả thành phố rung chuyển, các khu dân cư bị san phẳng, nhiều đứa trẻ mất cả gia đình sau một đêm.

Hải Phòng hôm nay có những công trình giao thông hiện đại, nhà cao tầng mọc san sát, các khu công nghiệp quy mô lớn... Nhưng trên mảnh đất ấy 50 năm trước là những mất mát, đau thương, những giọt nước mắt chảy dài bên thi thể người thân. Nhiều ngôi nhà bị san phẳng, các hố bom sâu, những cuộc sơ tán trong đêm... khi Mỹ huy động máy bay chiến lược B-52 và nhiều loại máy bay hiện đại khác rải hàng trăm tấn bom, bắn đại bác, tên lửa tàn phá nội thành và một số xã ven biển trong ngày 16/4/1972.

Ký ức mất 7 người thân trong đêm Mỹ rải thảm bom B-52 ở Hải Phòng - 1

Một khu dân cư tại Thượng Lý (Hải Phòng) bị máy bay B-52 của Mỹ ném bom huỷ diệt ngày 16/4/1972. (Ảnh tư liệu).

Ký ức mất 7 người thân trong đêm Mỹ rải thảm bom B-52 ở Hải Phòng - 2

“Các bạn chỉ vừa gọi điện hẹn gặp thôi là tôi đã thấy nghẹn ở cổ”, vừa dứt câu nói với PV, bà Bùi Thị Mai (SN 1957, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) bỗng im lặng, mím chặt môi để ngăn những giọt nước mắt chực trào khi nhớ về ngày cả thành phố rực lửa đạn bom.

Người phụ nữ 65 tuổi không bao giờ quên khoảnh khắc đôi chân loạng choạng bước đi trong đống đổ nát để tìm kiếm thi thể 7 người thân bị bom đánh trúng khi xuống hầm trú ẩn.

Ngày ấy, gia đình bà Mai có 11 người sinh sống ở khu Sở Dầu, bố bà làm tại Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Nhà đông người nên ông đào sẵn 2 hầm trú ẩn.

Ngày 15/4/1972, cuộc sống của người dân tại Hải Phòng diễn ra bình thường. Tối đó, gia đình bà nhận được thông báo từ khu dân cư về việc máy bay Mỹ có thể đánh phá Hải Phòng và đề nghị mọi người sơ tán. Gia đình bà Mai dự định hôm sau đi sơ tán sớm nhưng không ngờ ngay rạng sáng 16/4, máy bay Mỹ đã rải bom, đánh phá ác liệt nội thành Hải Phòng.

“Cả nhà tôi đang ngủ thì nghe tiếng còi vang khắp thành phố báo động máy bay Mỹ tập kích. 7 người trong gia đình tôi gồm ông nội, chú ruột, mẹ, chị gái và 3 em trai cùng 2 người hàng xóm xuống một hầm trú ẩn. Tôi cùng bà nội, người em và một số hàng xóm khác sang hầm bên cạnh. Tôi vừa xuống hầm thì nghe tiếng uỳnh, hầm của mình bỗng dưng bị ép chặt. Tôi còn bảo với mọi người 'sao tự nhiên chật thế này'.

Khi chúng tôi bước lên thì không thấy hầm bên kia đâu, chỉ có hố bom rất to, ngôi nhà cấp 4 bên cạnh sập toàn bộ, trơ nền nhà. Lúc ấy khoảng 2h ngày 16/4/1972, trời tối om”, bà Mai nhớ lại thời khắc cô gái 15 tuổi phải đối diện nỗi mất mát quá lớn trong cuộc đời.

Bố của bà Mai đi làm từ Nhà máy Xi măng trở về, nghi sập hầm, ông lấy cuốc đào xới từng lớp đất rắn. “Con ơi, mất hết rồi” là câu ông nói với con gái khi nhìn thảm cảnh trước mắt.

Ký ức mất 7 người thân trong đêm Mỹ rải thảm bom B-52 ở Hải Phòng - 3

Trời sáng dần, hai bố con bà Mai mò mẫm trong đống đổ nát, lần tìm từng người bị hất xa chừng 10 m.

“Lúc ấy sợ lắm, cả khu chết rất nhiều, người nào còn sống cũng khẩn trương đi sơ tán. Tôi và bố ở lại để tìm thi thể người thân, dùng mảnh cửa bị bom đạn bắn tung, đặt từng người lên đó rồi khiêng vào một chỗ. Chạm vào thi thể từng người thân, thương lắm nhưng tôi không thể khóc lên thành tiếng được, nước mắt cứ thế chảy xuống thôi. Đứa em út của tôi mới 4 tuổi, hàng ngày tôi bế ẵm, trông nom. Em còn quá bé, có làm gì nên tội đâu.

Sau đó, đội khắc phục hậu quả tới. Đáng lẽ gia đình tôi cũng nhận được quan tài mai táng người thân nhưng vì quá nhiều người chết, tôi và bố chỉ nhận những mảnh áo mưa dài chừng 2 sải tay để khâm liệm cho ông, chú, mẹ, chị gái và 3 em trai. Sợ bọc áo mưa dễ bị lẫn nên tôi cầm giấy bút ghi tên từng người. Viết tới đâu nước mắt nhòe ra ướt tới đó. Tôi nhớ họ lắm!”.

Ký ức đau thương 50 năm trước cứ thế ùa về như giằng xé trái tim bà Mai. Lần này, người phụ nữ ấy cũng không khóc thành tiếng nhưng giọt nước mắt vẫn lặng lẽ rơi trên gương mặt đã in dấu thời gian.

Theo chia sẻ của bà Mai, thời điểm ấy, nếu không sợ chú mắng vì ra muộn, không vì hầm chật, bà cũng xuống hầm trú ẩn nơi xảy ra thảm kịch. May mắn thoát chết nhưng 50 năm qua, bà chưa thể quên hình ảnh hoang tàn và dáng vẻ của từng người thân lại trở về.

Ký ức mất 7 người thân trong đêm Mỹ rải thảm bom B-52 ở Hải Phòng - 4

Hình ảnh bà Cảnh năm 1973 khi đang giải quyết giấy tờ cho người dân sơ tán trở về. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Ký ức mất 7 người thân trong đêm Mỹ rải thảm bom B-52 ở Hải Phòng - 5

50 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh về trận đánh ngày 16/4/1972 của quân, dân Hải Phòng đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 và nhiều loại máy bay khác vẫn vẹn nguyên trong ký ức Thượng tá Nguyễn Xuân Quang (SN 1949), nguyên Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không - Không quân).

Hôm đó, Mỹ lần đầu mở cuộc tập kích máy bay B-52 vào Hải Phòng, ông Quang đang giữ vai trò trắc thủ góc tà thuộc Tiểu đoàn 73 (Trung đoàn tên lửa 285), trận địa đóng tại xã Cao Nhân (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng).

Ngày 8-10/4/1972, không khí tại Tiểu đoàn sôi động khác hẳn ngày thường. Ngày 16/4, Trung đoàn 238 và Trung đoàn 285 cùng các đơn vị toàn Sư đoàn vào làm nhiệm vụ diễn tập. Vũ khí, khí tài và con người vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.

Trước đó, ngày 12-15/4/1972, lệnh sơ tán được phát trên loa đài khắp thành phố, các cán bộ tới tận nhà dân tuyên truyền, vận động người dân sơ tán trước khi xảy ra cuộc chiến tranh khốc liệt vào Hải Phòng, quy mô và tổn thất có thể nhiều hơn những trận đánh trước.

Tất cả phương tiện giao thông được huy động. Phà Bính chạy suốt ngày đêm, tăng cường thêm hàng chục chuyến để chở người dân từ nội thành Hải Phòng sang huyện Thuỷ Nguyên. Từ đầu phà, những chiếc xe tải chờ sẵn, chở người và cơ sở vật chất thiết yếu về các vùng núi cao của huyện này.

Bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất nhỏ sơ tán sang vùng nông thôn, dựng lều lán đề tiếp tục sản xuất, học tập. Các kho hàng tại cảng, tec xăng dầu ở Sở Dầu được di chuyển đi nơi khác hoặc nguỵ trang.

Nơi nào có cầu thì người dân đi cầu sang huyện Kiến Thuỵ (Hải Phòng), hoặc tỉnh Thái Bình, tỉnh Hải Dương, người gánh, người gồng... Lúc ấy, công tác tuyên truyền của ta làm rất tốt. Các lực lượng, phương tiện giao thông vận tải được huy động tối đa. Không khí sơ tán sôi động khắp thành phố.

Tại các địa phương ngoại thành Hải Phòng, với tinh thần lá lành đùm lá rách, nhiều gia đình nhường nhà cho dân sơ tán ở. Trừ những cơ quan Nhà nước và các nhà máy quy mô lớn bắt buộc cán bộ, công nhân phải ở lại, giảm cường độ sản xuất, vừa làm việc vừa sẵn sàng chiến đấu”, Thượng tá Nguyễn Xuân Quang kể.

Từ nông thôn tới thành thị Hải Phòng lúc này dày đặc hầm tăng xê (hầm cá nhân các gia đình tự đào). Nhà máy, xí nghiệp nào cũng có hầm để công nhân sơ tán.

Đến tối 15/4, khói lửa chiến tranh đã bao trùm khắp các khu phố Hải Phòng. Từ 2h đến khoảng 16h ngày 16/4, Mỹ huy động 9 máy bay B-52 với 64 lần, chia làm 3 đợt đánh, rải thảm bom xuống các khu vực Thượng Lý, Sở Dầu, Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Khu công nghiệp An Dương.

Hàng trăm tấn bom trút xuống Hải Phòng, thành phố rung chuyển. Những nơi B-52 rải thảm bom, ước chừng 2 m lại một quả bom rơi xuống. Khu vực sông Lấp, khu Nhà máy Xi Măng... tan hoang.

Để gây khó khăn cho hệ thống radar và đài điều khiển tên lửa của quân ta, Mỹ dùng máy bay đóng giả B-52, dùng các loại nhiễu dày đặc khiến quân ta thời điểm đó khó nhận diện được đâu là máy bay B-52, đâu là máy bay chiến đấu khác.

Trận đánh ngày 16/4 kết thúc, hai Trung đoàn bắn rơi được 7 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 1 chiếc B-52.

Ký ức mất 7 người thân trong đêm Mỹ rải thảm bom B-52 ở Hải Phòng - 6

Thượng tá Nguyễn Xuân Quang vẫn nhớ như in trận tập kích bằng B-52 của Mỹ ngày 16/4/1972 vào Hải Phòng.

Ký ức mất 7 người thân trong đêm Mỹ rải thảm bom B-52 ở Hải Phòng - 7

Trận tập kích bằng B-52, máy bay cường kích chiến thuật của Mỹ trên bầu trời Hải Phòng ngày ấy còn để lại trên cơ thể bà Phạm Thị Cảnh (SN 1949, phường Thượng Lý) những vết thương mà mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức.

Năm 1972, bà Cảnh là cảnh sát khu vực. Dự báo Mỹ sẽ đánh bom vào nội thành, người dân được vận động sơ tán nhưng chưa triệt để. 22h ngày 15/4, người dân mới triệt để sơ tán. Cảnh sát khu vực xuống tận khu dân cư để vận động. Nhưng hôm đó là thứ Bảy, khu vực Hồng Bàng mưa lạnh, có người đi, có người ở lại đến sáng hôm sau sơ tán sang ngoại thành.

Theo lời kể của bà Cảnh, nhận định ban đầu, máy bay B-52 của Mỹ sẽ thả bom xuống khu vực cầu xi măng, Sở Dầu. Người dân ở cầu xi măng sơ tán ra bờ đầm (khu vực trụ sở UBND phường Thượng Lý ngày nay), nơi đó đó có giao thông hào. Thế nhưng, trận địa bom khoảng 1h30 ngày 16/4 của máy bay Mỹ lại trút xuống đúng nơi người dân sơ tán đến nên thương vong rất nhiều.

“Cùng với Thượng Lý, Đền Hạ, Vạn Kiếp, Nhà máy Xi măng Hải Phòng... máy bay Mỹ đánh bom ở khu vực người dân đi bộ, đi xe đạp sơ tán theo đường đê Quai Chảo. Lối ra cống Ma chỉ có 2 dãy nhà mà chết đến 11 người, có khu vực 26 người dân thì chết cả 26 người. Ngày 16/4, ước tính 200 người dân ở Thượng Lý thiệt mạng, chưa kể số người bị thương”, bà Cảnh nhớ lại.

Bom đạn trút xuống kèm những tiếng nổ rung trời và những cột khói đỏ rực bốc lên giữa màn đêm. Bà Cảnh được lệnh ở lại cơ quan. Ông Nguyễn Hồng Quân - Phó Khu Công an Hồng Bàng cùng ông Trần Đăng Vệ chạy ra cứu dân đưa xuống hầm thì bị trúng bom và hy sinh.

Tại cơ quan bà Cảnh, bom đạn trút xuống, bàn ghế đều mất hết chân. Bà Cảnh nhường hầm cho một chị cấp dưỡng, bản thân chưa kịp xuống hầm thì bị mảnh bom găm trúng, bị thương ở chân và vùng cằm, máu chảy khắp cơ thể.

Hơn 1 tiếng sau mới có người tới mở hầm, đưa chị cấp dưỡng ra ngoài. Được mọi người hất lớp cây cối phủ đầy ra khỏi cơ thể, bà Cảnh dần tỉnh dậy và được một người cõng lên đưa sang nhà ông Khả. Sau đó, đồng đội ấy trở lại những nơi đổ nát để tìm người. Nằm trên giường, bên ngoài bầu trời vẫn sáng rực, bà Cảnh cố lê cơ thể xuống nằm dưới gầm giường để tránh bom đạn. Khoảng 4h, khi tiếng súng, bom đạn đã yên, bà Cảnh được đưa đi cấp cứu.

“Đơn vị tôi công tác đã nhận được tin tôi mất. Mọi người chuẩn bị sẵn quan tài, điếu văn nhưng khi tới bệnh viện nhận xác thì không tìm thấy tôi đâu. Rất may mắn khi trên đường đưa xuống nhà xác, tôi tỉnh lại và được các y, bác sỹ chuyển sang khoa khác điều trị.

Những ám ảnh ngày ấy không ai có thể quên được khi chứng kiến những người thân quen của mình lần lượt mất trong khói lửa chiến tranh. Ngay chỗ tôi bị thương, vợ chồng anh Sơn cùng 2 đứa con đều mất, chỉ có con trai lớn theo cô giáo chui vào cống Ma nên sống sót. Ông ngoại cháu cũng mất, 3 ngày sau mới tìm thấy thi thể ở khu vực Sở Dầu. 3 năm sau, khi chúng tôi gặp lại cháu, cháu bảo nỗi đau ấy khiến cháu không thể bước nổi chân về đất Thượng Lý được nữa.

Khu vực ngã 3 Thượng Lý cũng nhiều người chết. Có gia đình chết cả nhà, người mẹ ôm con 3 tháng tuổi chui dưới gầm giường và chỉ riêng mình cháu còn sống sót”, bà Cảnh nghẹn giọng khi nhớ lại những mất mát mà trận chiến ngày 16/4/1972 để lại.

Ký ức mất 7 người thân trong đêm Mỹ rải thảm bom B-52 ở Hải Phòng - 8

Khoảng 9h30, Mỹ oanh tạc khu vực Cầu Tre, Minh Khai. Thương vong cũng rất nhiều.

Ngày 2/9, sau thời gian dài trị thương, bà Cảnh trở lại Thượng Lý công tác. Ngày trở về, người phụ nữ ấy đã đứng rất lâu trước những dãy nhà bị bom Mỹ san phẳng.

“Khi ấy chẳng còn ngôi nhà nào, nhà 2 tầng cũng bị sập. Ngày 27/1/1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ ngừng bắn phá miền Bắc, chúng tôi nhận được nhiệm vụ về Thượng Lý bám dân. Lúc này, tôi và 6 anh em cảnh sát khu vực khác mới biết mình còn sống”, bà Cảnh chia sẻ.

Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, nơi sản xuất, cung cấp thiết bị cho chiến trường miền Nam cũng là một trong những điểm chịu tổn thất nặng nề sau lần Mỹ rải bom.

Trước khi trận chiến nổ ra, một số máy móc, thiết bị được sơ tán về huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), Uông Bí (Quảng Ninh). Cán bộ, công nhân cũng sơ tán cùng để đảm bảo sản xuất tại chỗ. Ông Mai Văn Tú (SN 1935), nguyên Tham mưu trưởng, Trung đoàn tự vệ Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng (phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) và vợ làm cùng nhà máy. Lúc đó, vợ ông sơ tán cùng máy móc về Uông Bí. Ông Tú cùng những cán bộ, công nhân tinh nhuệ và đội ngũ dân quân tự vệ ở lại nhà máy, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu.

Rạng sáng 16/4/1972, đế quốc Mỹ đánh phá Hải Phòng và điên cuồng ném bom Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng.

Khi đang ở hầm chỉ huy, nhận được lệnh chỉ đạo từ thành phố, cung cấp các phần tử máy bay, tôi trực tiếp ra trận địa Cầu tàu, cùng Đại đội trưởng chỉ huy chiến đấu”, ông Tú chỉ tay vào khẩu pháo 37 ly được trưng bày tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, chia sẻ.

Tại trận địa, trong mưa bom bão đạn, nữ chiến sỹ Phùng Thị Phiên nhiều lần bị sức ép của bom hất khỏi mâm pháo vẫn vùng trở dậy, cùng đồng đội đánh trả máy bay địch. Ông Đỗ Quốc Thạch, người khẩu đội trưởng gan dạ, mặc cho mảnh bom xối quanh mình vẫn cầm cờ chỉ huy khẩu đội chiến đấu đến lúc hy sinh.

Những tấm gương đó đã cổ vũ mạnh mẽ tất cả cán bộ, chiến sỹ tự vệ ở các trận địa pháo vững mạnh ngẩng cao đầu, nhìn thẳng quân thù mà bắn.

Sau đó, ông Tú trực tiếp chỉ huy anh em củng cố lực lượng, chuyển những người bị thương ra ngoài và bố trí lực lượng bổ sung để chiến đấu bảo vệ nhà máy, bảo vệ thành phố.

Ký ức mất 7 người thân trong đêm Mỹ rải thảm bom B-52 ở Hải Phòng - 9

Ông Mai Văn Tú bên khẩu pháo 37 ly được trưng bày tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng.

Thời điểm đó, máy bay Mỹ rải bom suốt ngày đêm, trút xuống nhà máy và các trận địa pháo hơn 50 quả bom cỡ lớn, có 9 quả rơi trúng trận địa pháo 37 ly ở Cầu tàu.

Trận chiến ngày 16/4/1972, hơn 200 cán bộ, công nhân viên, tự vệ của nhà máy thương vong. Nhiều nhà xưởng bị trúng bom trở nên hoang tàn.

“B-52 rải thảm bom xuống nội thành Hải Phòng, nhìn đồng bào chết và bị thương, lúc đó tôi rất đau xót. Từ một thành phố học tập, sản xuất, sinh hoạt sôi nổi, giờ đây cây cối, nhà cửa đổ nát, tất cả đều hỗn loạn. Gạt mọi nỗi đau không thể nói thành lời, tôi chỉ biết động viên cán bộ, công nhân viên, các bộ chiến sỹ củng cố tư tưởng, tập trung nghe mệnh lệnh để quay pháo theo tầm, theo hướng mà bắn”, ông Tú hồi tưởng.

Sau trận chiến đó, cán bộ, công nhân viên Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng khẩn trương bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả, tiếp tục sản xuất để đảm bảo cung cấp thiết bị cho chiến trường.

Tháng 8/1972, Bộ Tư lệnh 350 quyết định thành lập 2 trung đoàn là tự vệ Cảng và tự vệ Đóng tàu Bạch Đằng. Trung đoàn tự vệ Đóng tàu Bạch Đằng được trang bị thêm 4 khẩu pháo 100 ly mang phiên hiệu C70, F363. Các pháo thủ 100 ly đã thay nhau trực suốt ngày đêm, bảo vệ nhà máy và thành phố.

Trong đó, đêm 18, 19, 22/12/1972, các pháo thủ bắn 233 quả đạn. Chỉ riêng đêm 22/12, 172 quả đạn được bắn. Khi máy bay B-52 vào, lực lượng các trận địa tầm thấp được lệnh vào hầm ẩn nấp, trận địa tầm cao pháo 100 ly bắn máy bay B-52 theo lệnh chỉ huy của Trung đoàn Thành Tô 240. Trung đoàn tự vệ được công nhận bắn rơi 7 máy bay Mỹ, phối hợp lực lượng phòng không thành phố bắn rơi 2 máy bay B-52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 làm nên chiến thắng lừng lẫy "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".