Mua bán trái phép tài khoản ngân hàng: Rủi ro đằng sau những nguồn lợi

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 01:00, 08/12/2022

Hoạt động mua bán, thuê mướn tài khoản ngân hàng đều nhằm mục đích chung là trục lợi, che giấu dòng tiền, trốn tránh sự truy vết. Các cơ quan chức năng khẳng định những rủi ro lớn sẽ xảy ra nếu tham gia vào hoạt động này.

Muôn nẻo dòng tiền 

Liên tục trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán tài khoản ngân hàng.

Cụ thể, trong tháng 11, Công an huyện Đông Hưng (Thái Bình) đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 9 đối tượng về các tội “Đánh bạc”; “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”; “Sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Loạt tang vật trong vụ triệt phá đường dây mua bán tài khoản ngân hàng. Ảnh: Công an Thái Bình.
Loạt tang vật trong vụ triệt phá đường dây mua bán tài khoản ngân hàng. Ảnh: Công an Thái Bình.

Các đối tượng khai nhận đã thông qua các trang mạng xã hội thu thập thông tin của người khác để đăng ký tài khoản ngân hàng dưới dạng tài khoản online. Sau khi đăng ký xong, những người đã bán tài khoản ngân hàng cho người khác để kiếm tiền chênh lệch.

Trước đó, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị liên quan đã triệt phá một đường dây liên tỉnh ghi lô đề thông qua kết quả xổ số. Trong đó, Nguyễn Thùy Linh (38 tuổi) cùng 10 người khác được xác định đã tổ chức đường dây này, lượng giao dịch hơn 2.000 tỉ đồng trong 4 tháng. Đáng chú ý, tiền thanh toán chuyển qua nhiều tài khoản ngân hàng không mang tên chính chủ.

Hay điển hình như vụ việc Công an quận Cầu giấy, TP Hà Nội triệt phá một ổ nhóm mua bán tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản. Cơ quan CSĐT - Công an quận Cầu Giấy đã bắt giữ đối tượng Vũ Đức Anh (SN 2000; quận Đống Đa, Hà Nội) có hành vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác.

Theo điều tra ban đầu, Vũ Đức Anh đã sử dụng mạng xã hội Telegram, Zalo, Facebook đăng thông tin thu mua tài khoản ngân hàng của học sinh, sinh viên với giá 400.000 đồng/tài khoản. Sau khi mua, Đức Anh tiếp tục rao bán lại những thông tin tài khoản ngân hàng này cho các đối tượng khác với giá 1 triệu đồng/tài khoản, để hưởng tiền chênh lệch.

Đến thời điểm bị cơ quan Công an phát hiện bắt giữ, Đức Anh khai nhận đã hưởng lợi số tiền khoảng 1 tỉ đồng từ hành vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác.

Theo cơ quan công an, những người mua lại tài khoản ngân hàng của nhóm đối tượng này đều có mục đích gian dối, phần lớn là những tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đơn cử như lập nhiều Facebook và kênh Youtube có nội dung bán chim cảnh với giá dao động từ 800.000 đồng đến hàng chục triệu đồng. Khi người mua chuyển tiền vào số tài khoản không chính chủ được mua trước đó, đối tượng chặn số điện thoại và cắt đứt mọi liên lạc.

Kiểm soát giao dịch đáng ngờ

Theo tìm hiểu của PV, hiện trên các mạng xã hội có hàng loạt hội nhóm thường đăng các nội dung tìm người mở tài khoản ngân hàng.

Phía sau những nội dung kêu gọi mở thẻ có một bộ phận lớn đứng ra chuyên thu gom và làm giả các thẻ ngân hàng. Để tạo niềm tin cho người mở tài khoản, những đối tượng này thường giả danh là cán bộ ngân hàng đang chạy chỉ tiêu mở thẻ.

Thậm chí, theo ghi nhận phổ biến hiện nay đang nổi lên các dịch vụ như bán tài khoản Internet Banking, thuê tài khoản theo tên, làm Internet Banking không chính chủ chỉ cần số điện thoại và email,...

Nhiều người rao tin bán tài khoản ngân hàng trên các nhóm kín. Ảnh: Nhóm PV.
Nhiều người rao tin bán tài khoản ngân hàng trên các nhóm kín. Ảnh: Nhóm PV.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết theo quy định hiện hành, mức phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu các hành vi có dấu hiệu cấu thành tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng theo quy định tại Bộ luật hình sự thì bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an trong trao đổi, cung cấp thông tin về hoạt động tội phạm liên quan đến lĩnh vực thanh toán, thông tin báo cáo giao dịch đáng ngờ để cơ quan công an xử lý nhiều vụ việc gian lận, phạm tội liên quan mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

Trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền đang được lấy ý kiến, NHNN yêu cầu các tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong một số trường hợp như thực hiện giao dịch không thường xuyên có tổng giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày.

Phía NHNN trước đó cũng từng có văn bản yêu cầu cân nhắc xem xét giới hạn số lượng tài khoản thanh toán và thẻ mở cho một khách hàng, đồng thời kiểm tra, rà soát giao dịch thanh toán của các đơn vị chấp nhận thẻ để phát hiện các giao dịch đáng ngờ. NHNN khuyến cáo người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ tài khoản thanh toán, thẻ cho người khác.