Những kỹ năng cần trang bị cho con ngoài trường học

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 19:22, 09/11/2022

Trẻ đến trường học để tiếp thu kiến thức, tuy nhiên không phải mọi kỹ năng đều có thể tìm thấy ở nơi này. Rất nhiều kỹ năng sống cha mẹ cần trang bị cho con nằm ngoài trường học và không ai khác, chính cha mẹ là người thầy dẫn dắt trẻ.

Các bậc cha mẹ hẳn đều rút kinh nghiệm từ bản thân mình ra rằng: khi rời khỏi ghế nhà trường, có vô vàn kiến thức quý giá chúng ta cần trang bị cho cuộc sống mà nhà trường không hề dạy. Nếu bạn mạnh mẽ, bạn sẽ biết cách tự mình va chạm và học hỏi để trưởng thành. Nếu bạn yếu kỹ năng, cuộc đời sẽ dạy bạn sau rất nhiều bôn ba vấp ngã. Nhiều cha mẹ thấm thía và đúc rút rằng nếu những kỹ năng này được trang bị sớm hơn, họ đã không phải gánh chịu hậu quả - thậm chí đôi khi trả cái giá quá đắt. Con bạn cũng vậy. Khi bạn trang bị cho con những hành trang cẩn thận, đó sẽ là những nền tảng tốt cho trẻ bước vào đời sau này. Dưới đây là những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống mà một đứa trẻ nên biết trước khi bước vào giai đoạn trưởng thành.

nursery-rhymes-6.jpg
Rất nhiều kỹ năng không có ở trường học, cha mẹ cần trang bị cho trẻ khi bước vào độ tuổi trưởng thành.

Dạy con về tài chính: tiết kiệm, đầu tư và chia sẻ

Không thể phủ nhận những bài học về tiền bạc vô cùng cần thiết trong cuộc sống nhưng con trẻ sẽ không được học trong nhà trường. Người dạy con không ai khác, chính là cha mẹ. Hãy dạy trẻ làm quen với những khái niệm từ đơn giản đến phức tạp với tiết kiệm, ngân sách, đầu tư…

- Ngân sách: Nhiều người lớn chúng ta đôi khi cũng sợ nhiệm vụ tự lên ngân sách cho chính mình bởi thiếu sự hiểu biết và kỹ năng cần thiết để làm cho ngân sách thêm dễ dàng. Dạy trẻ kỹ năng quản lý ngân sách đơn giản ban đầu và những gì liên quan. Trẻ sẽ không gặp rắc rối sau này khi trưởng thành.

- Tiết kiệm: Hãy dạy trẻ luôn tiêu dùng ít hơn số tiền mình kiếm được. Rất ít người trẻ hiểu được điều này và làm theo nó. Ngay khi trẻ còn nhỏ hãy dạy trẻ cách đặt ra những mục tiêu và tiết kiệm cho những mục tiêu ấy.

- Đầu tư: Bạn có thừa nhận những người đầu tư luôn làm chủ tình hình tài chính cá nhân rất tốt? Đừng nghĩ rằng trẻ còn nhỏ thì dạy gì về việc đầu tư. Rất nhiều người, khi trưởng thành vẫn chưa biết cách đầu tư và đành chấp nhận sống cuộc đời lầm lũi an toàn. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, hãy dạy trẻ làm quen cùng những khái niệm đầu tư cơ bản. Đầu tư là gì và tại sao lại cần đầu tư? Bạn nghiên cứu đầu tư từ đâu? Khả năng kiểm soát tình hình? Một đứa trẻ nắm tình hình tài chính kinh tế tốt ngay từ sớm tương lai sẽ là đứa trẻ thành công sau này.

- Chia sẻ: Đây không chỉ là vấn đề tài chính mà nó còn là vấn đề xã hội. Hãy cho con bạn học bài học chia sẻ, biết cách tận dụng thời gian và nỗ lực của trẻ để làm những việc thiện có ích cho xã hội. Hãy để trẻ hiểu rằng người thành công ngoài việc có nền tài chính ổn định còn cần phải biết chia sẻ cùng cộng đồng.

money-1.jpg
Những kỹ năng về tiền bạc trẻ chỉ có thể học từ chính cha mẹ và cuộc sống.

Dạy con kỹ năng tư duy

- Xác định mục tiêu: Bạn sẽ rất khó thành công nếu không có mục tiêu cụ thể. Cha mẹ nên dạy trẻ nghĩ đến thành quả đạt được, vạch những mục tiêu và tìm cách thực hiện. Bắt đầu từ những cái nhỏ, những mục tiêu đơn giản và dần dần phát triển khả năng này của trẻ sẽ giúp con kiên định sau này trong quá trình thực hiện những điều trẻ muốn.

- Tư duy phê bình: Đây là một trong những kỹ năng quan trọng không được dạy ở trường. Trên lớp, nhiều khi trẻ được học và lập trình như robot, chỉ biết lắng nghe, ghi chép và không biết đặt ra câu hỏi. Trẻ chỉ biết hài lòng với những gì được dạy và không suy nghĩ. Có vẻ như trẻ được đào tạo ra sau này để trở thành những nhân viên biết nghe lời và chỉ im lặng. Bạn có muốn con mình như vậy? Nếu bạn không muốn trẻ sau này chỉ biết vâng lời và chấp nhận, hãy dạy trẻ biết cách nghi ngờ, biết cách phê bình, đặt câu hỏi và tìm ra câu trả lời. Đối thoại sẽ là cách tốt nhất để bạn hướng dẫn con bạn kỹ năng này.

cat-cora-35.jpg
Hãy dạy trẻ tư duy phản biện, đặt câu hỏi thay vì luôn bằng lòng với mọi đáp án.

- Đọc: Chúng ta vẫn được học cách đọc tại trường nhưng nhiều người cho biết họ khá nhàm chán. Chỉ ra cho trẻ của bạn thế giới tưởng tượng tuyệt vời mà những cuốn sách đem lại và hãy dạy trẻ cách tìm hiểu thế giới qua internet. Hãy dạy trẻ đọc, tìm hiểu vấn đề một cách logic, khoa học.

- Tư duy tích cực: Nếu tư duy phê bình là một kỹ năng quan trọng thì việc có cái nhìn tích cực về cuộc sống cũng là một yếu tố tiên quyết của thành công. Dù mọi thứ đôi khi vẫn có sự tồi tệ nhưng hãy tin chắc rằng bạn có thể thay đổi tốt hơn. Hãy tìm giải pháp thay vì phàn nàn và hãy dạy con bạn luôn tin vào bản thân mình, suy nghĩ lạc quan. Những đứa trẻ lạc quan, tích cực sẽ luôn hạnh phúc hơn những đứa trẻ nhìn mọi thứ với điều tiêu cực.

Lam Chi