Cuốn cuốn, chấm chấm bánh tráng rau muống

Ẩm thực - Ngày đăng : 08:41, 06/11/2022

Má tôi là một người Quảng Ngãi mê rau muống. Má trồng rau muống hột quanh năm. Người ta thường luộc, xào nấu canh, nhúng lẩu rau muống, còn má tôi đem cuốn bánh tráng.

Cuốn cuốn, chấm chấm bánh tráng rau muống - 1

Khi nhà có khách, má mua thêm cá nục hấp cuốn cùng rau muống

Món cuốn đó chỉ có ba thành phần là rau muống, bánh tráng và mắm cái, không đính kèm xà lách hay bất kỳ loại rau thơm nào.

Hồi còn nhỏ, dù chưa ăn được rau muống, nhưng mỗi lần má cuốn cuốn, chấm chấm, tôi cũng xin má cho ăn ké bánh tráng chấm mắm. Rồi cọng rau muống đầu tiên góp mặt trong góc bánh tráng mẹ cho, số lượng ngọn rau tăng dần, cho đến một ngày, sau khi làm bài tập về nhà xong, tôi ra vườn, tự cắt rau, rửa sạch, cuốn bánh tráng và chấm. Thấy tôi ăn ngon lành, má cười xòa, bảo: “Xưa má cũng ăn món này theo bà ngoại”.

Má kể, khi má chưa theo ba vào Lâm Đồng, ở quê má, chiều chiều sẽ có người quẩy một đôi gánh đi khắp xóm, vừa đi vừa rao. Trên gánh có những cây rau muống non mềm, xấp bánh tráng, hũ mắm. Ai mua, chỉ cần gọi to, người bán sẽ rẽ vào ngõ, soạn rau muống, soạn bánh tráng, múc mắm cho khách. Khách mang vào nhà, nhúng bánh tráng với nước, chờ vài phút, bánh mềm thì xé một góc, sắp ít rau muống vào, cuốn lại, chấm ngập nước mắm, rồi ăn. Mỗi miếng ăn có vị tươi ngọt của rau, vị thơm của mè, của gạo, mặn mà của mắm.

Món bánh tráng cuốn rau muống không cầu kỳ, thành phần cũng đơn giản nhưng để ngon và bắt miệng, lại phải chỉn chu từng chi tiết. Như rau muống phải là rau muống hạt trồng trên đất. Khi cắt để cuốn, cây chỉ cao tầm 20 - 25cm, thì mới có đủ độ ngọt và ít nhựa.

Bánh tráng cuốn rau muống phải là bánh tráng từ gạo, mỏng và hơi lạt. Nếu bánh dày, khi cuốn sẽ bị gãy, gây ngán. Nếu bánh tráng cuốn dùng loại gói ram (chả giò), có vị hơi mặn, thì cả hương lẫn vị món ăn đều bị biến đổi. Nước chấm ngon nhất của món ăn là mắm cái, nhưng nếu không có, thì chấm cùng nước cá kho hay nước mắm chanh tỏi ớt.

Má bảo gần nhà có lò tráng bánh của người Quảng Ngãi, nên má cứ đặt cả xấp trăm cái, đem cất ở chạn bếp. Mắm cái má cũng mua cả lít, cất trong nhà. Rau muống thì cứ xới đất, gieo hạt, trồng sẵn. Những chiều nông nhàn hay khi chán cơm, má lại loay hoay giã mắm, cắt rau và nhúng bánh, cuốn cuốn, chấm chấm. Bánh tráng cuốn rau muống dễ ăn, ăn ngon lại không ảnh hưởng đến cơm tối, nên má ăn hoài không ngán.

Những hôm có khách hay trên chợ có cá nục ngon, má mua một ít cá, làm sạch, cho cá, hành tím, hành lá vào tô, hấp chín. Vì ba tôi cũng là dân Quảng Ngãi nhưng không ăn được mắm cái, nên bữa cơm có cá nục hấp bánh tráng nào, má cũng cố ý làm thêm một chén nước mắm riêng cho ba. Mâm ăn tất nhiên không thể thiếu rau muống. Những lúc ấy, ba nhìn má cười thật hiền, còn khách thì ngạc nhiên hỏi chuyện vuông rau muống ở sân trước của má.

Tôi cũng trồng rau muống trong cái hộp nhỏ ở ban công. Rau lớn, tôi thu hoạch cũng nấu được một tô canh. Hôm nào, rau xanh mướt, tôi lại cuốn cuốn, chấm chấm món bánh tráng rau muống. Nghe tôi kể, má cười ngất: “Giờ, có nhiều món ngon, ăn chi cực vậy con?”. Tôi cũng cười: “Không phải ăn ngon, ăn no, mà ăn thương, ăn nhớ má ơi!”.

Huỳnh Hằng (Báo Phụ nữ TP.HCM)