Đạo đức cán bộ và… tiền lẻ

Xã hội - Ngày đăng : 23:30, 05/10/2022

Dưới góc độ pháp lý, hành vi của ông Đ.C.P. có dấu hiệu vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức. Việc gọi tiền lẻ là “rác’ và ném tung tóe là dấu hiệu hành vi bị cấm, theo luật Ngân hàng Nhà nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện cán bộ, đảng viên. Người cho rằng đức và tài là hai phẩm chất không thể thiếu của người cán bộ, đảng viên. Trong đó, đức là gốc bởi đức quyết định thái độ, lập trường, tư tưởng chính trị. Người dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng…”. Tiếc thay, không ít cán bộ, đảng viên do thiếu rèn luyện, hành xử thiếu chuẩn mực nên không còn xứng đáng với niềm tin của quần chúng nhân dân.

Nguyên nhân “nhỏ như hạt cát”

Mấy ngày qua, câu chuyện về một cán bộ thuộc Sở TN&MT Đà Nẵng ném tiền lẻ đang thu hút sự quan tâm của nhiều người và khiến dư luận bức xúc. Xuất phát từ một nguyên nhân “nhỏ như hạt cát” mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, ông Đ.C.P. - Phó trưởng phòng Quản lý và Phát triển quỹ đất của Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở đã có một pha xử lý quá tệ khiến cộng đồng mạng nổi sóng.

Hình ảnh ông P. ném tiền lẻ văng tung tóe tại quán bún. Ảnh cắt từ clip

Theo chia sẻ của anh Tr., chủ quán bún trên đường Chương Dương (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), vào sáng thứ 7 (ngày 1/10), một gia đình đến quán ăn bún. Do quá đông khách và không có tiền chẵn, nhân viên của quán đã trả lại tiền dư cho một người khách khoảng 16 tuổi gồm toàn tiền lẻ. Một lúc sau, bố của người khách này quay lại quán, ném tiền tung tóe và lớn giọng: "Tụi bây đưa rác cho con tao à? Nhà tao ở đây, xem chúng mày kinh doanh được bao lâu". Không chỉ ném tiền, ông P. còn tát chủ quán một cái trước khi bỏ đi.

Chưa dừng lại ở đó, khoảng 13h cùng ngày, ông này kêu một nhóm khoảng 7 người đến quán anh Tr. đe dọa. Cũng theo anh Tr., một người trong nhóm này đã đánh nhân viên của anh, đòi đập quán và đe dọa sáng hôm sau sẽ quay lại phá quán tiếp. Vì vậy, chủ quán đã trình báo công an.

Theo Sở TN&MT Đà Nẵng, ngày 2/10, sau khi tiếp nhận thông tin cán bộ ngành có hành vi thiếu chuẩn mực, lớn tiếng tại quán bún, Sở đã chỉ đạo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tạm đình chỉ công tác ông P. theo thẩm quyền, đồng thời khẩn trương tổ chức xử lý theo quy định.

Ngày 3/10, ông Đ.C.P. đã có bản tường trình báo cáo cơ quan. Theo đó, sáng 1/10, ông cùng hai con ăn sáng tại quán bún bò. Đến khoảng 7h30, ông thanh toán tiền. Đợi một lát nhưng quán chưa trả số tiền thừa 45.000 đồng nên ông P. đi làm và để hai con lại để nhận tiền dư. “Các con đợi đến 20 phút, quán gom lại toàn tờ 1.000 đồng và vài tờ 2.000 đồng nhàu nát và có tờ rách, đưa cho 2 đứa trẻ, trong khi đó con tôi là trẻ chậm nói và không rành tiền”, ông P. cho hay.

Sáng 2/10, do thấy tội các con và bức xúc vì con mình khuyết tật mà bị đối xử như vậy nên khoảng 10h ông có mang số tiền này ra quán cùng đứa con chậm nói. “Khi vào quán, anh thanh niên trên lầu xuống có lời qua tiếng lại cùng tôi, trong lời phân trần, tôi cho rằng trẻ con phải được đối xử tốt, kèm theo những lời lẽ bức xúc, đến khi chủ quán cùng nhân viên tiến đến đôi co qua lại làm vung những tờ tiền tôi đang cầm sang bên…”, ông P. tường trình.

Ông cho biết thêm, tại quán bún, chủ quán chỉ tay vào mặt mình nên ông gạt ra và lùi lại. Sau đó, chủ quán cùng nhân viên lao vào đánh vào cổ, và ném các chai lọ vào người. Khoảng 13h chiều cùng ngày, nghe tin ông bị đánh nên một số họ hàng cùng chạy đến quán nhưng ông can ngăn nên mọi người ra về. Ông P. cho biết, tự nhận thấy hành động của bản thân là thiếu chuẩn mực nhưng sự việc xuất phát từ việc con bị khuyết tật bị đối xử không tốt.

Tiền lẻ hay chẵn đều là đồng tiền pháp định

Câu chuyện tóm lược chỉ đơn giản có thế nhưng đã khiến dư luận sôi sùng sục không phải là không có nguyên do. Thực tế, nguồn cơn của câu chuyện khởi đầu từ một việc rất nhỏ mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày khi đi mua hàng và được thối lại tiền dư bằng tiền lẻ. Nếu số tiền dư là lớn, cũng có người cảm thấy khó chịu khi phải nhận lại toàn tiền lẻ. Nhưng với số tiền 45.000 đồng (theo lời ông P.), chắc hầu hết mọi người đều cảm thấy bình thường và không có gì đáng phải làm ầm ĩ cả!

Cũng cần nói thêm rằng, tiền lẻ hay tiền chẵn chỉ là cách gọi dân dã trong cuộc sống hàng ngày, còn trong các quy định chính thức không có những khái niệm này. Tiền chẵn hay tiền lẻ thì cũng đều là đồng tiền pháp định của nước CHXHCN Việt Nam, có khác chăng chỉ là về kích thước, hình thức và mệnh giá. Thế nên, hà cớ gì ông P. lại cho rằng việc con ông được thối toàn tiền lẻ là “bị đối xử không tốt”? Phải chăng ông cho rằng tiền lẻ chỉ dành cho người nghèo (?).

Nếu việc chủ quán thối lại toàn tiền lẻ diễn ra trước mắt khiến ông P. phản ứng ngay lúc đó thì còn có thể lý giải rằng hành động của ông là do cảm xúc bột phát nhất thời, do “giận quá mất khôn”. Đằng này, sự việc diễn ra từ chiều hôm trước, sáng hôm sau ông mới hùng hổ đến quán và ném tiền. Như vậy, có thể nói hành động của ông P. đã có sự chuẩn bị từ trước và là do bản tính cá nhân.

Cha ông ta khuyên: “Một điều nhịn là chín điều lành”. Trong cuộc sống, nếu biết nhẫn nhịn, chịu thiệt một chút, nhiều khi chúng ta sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc. Ngược lại, nếu thiếu sự kiềm chế, để cơn nóng giận lấn át, “chuyện bé xé ra to” thì việc phải nhận những hậu quả đáng tiếc là điều không có gì lạ!

Cứ cho rằng nếu thực sự cảm thấy con mình “bị đối xử không tốt” khi phải nhận tiền lẻ, ông P. hoàn toàn có thể góp ý hoặc nói chuyện phải quấy một cách đàng hoàng với chủ quán. Chẳng có lý lẽ nào có thể biện minh cho việc ông lớn tiếng gọi tiền là “rác” và ném tiền tung tóe như vậy. Giả sử ông là người giàu có nên chỉ quen tiêu xài tiền chẵn, ông cũng không thể tự cho mình cái quyền nói năng và hành xử một cách hồ đồ như vậy!

Không chỉ lớn giọng dọa dẫm, “người nhà ông” còn kéo đến và, theo hình ảnh trích xuất từ camera, một người trong số họ đã có thái độ hành hung khi tát 2 cú khá mạnh vào mặt một nhân viên của quán nhưng may mà người này đã né kịp.

Rõ ràng cách hành xử của ông P. là rất khó chấp nhận đối với một người bình thường, chứ chưa nói đến một cán bộ đảng viên. Dưới góc độ pháp lý, đây là hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ với người dân, thể hiện thái độ coi thường người dân, có dấu hiệu vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức nên cần phải được xử lý.

Không chỉ vậy, với việc gọi tiền lẻ là “rác’ và ném tiền tung tóe, ông P. có dấu hiệu vi phạm một trong những hành vi bị cấm được quy định rõ tại khoản 3, điều 23 luật Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là “Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành”.

Thực tế cho thấy thái độ ứng xử của một con người đối với đồng tiền cũng phần nào chứng tỏ bản chất và văn hoá của người đó. Sau khi vụ việc xảy ra, thay vì tự nhìn nhận lại hành động của bản thân và có lời xin lỗi với chủ quán, ông P. lại cố tình lấp liếm, biện minh cho hành động của mình, bất chấp diễn biến sự việc đã được camera ghi lại rõ ràng.

Một người hành xử sai trong cơn nóng giận còn có thể thông cảm được, nhưng một người cố tình “đổi trắng thay đen” để bao biện cho hành vi của mình thì không đáng được cảm thông.

Một con người thiếu tính chính trực như thế có đủ tư cách để làm cán bộ hay không? Nếu căn cứ vào các quy định hiện hành, ông P. có thể chỉ phải nhận hình thức kỷ luật hành chính, nhẹ thì khiển trách, nặng thì cảnh cáo. Nhưng nếu xét về mặt tư cách đạo đức, ông P. có xứng đáng đứng trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên hay không?

Với những bằng chứng không thể chối cãi, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ bản chất vụ việc để có hình thức xử lý thỏa đáng. Cho dù kết quả vụ việc thế nào, ông P. cũng sẽ mất nhiều hơn được. Một người chỉ vì mấy đồng tiền lẻ mà đã cư xử hồ đồ, thiếu chuẩn mực như vậy trong giao tiếp hàng ngày với người dân thì sẽ cư xử ra sao trong hoạt động công vụ, khi ông ta ngồi trên chiếc ghế cán bộ?

Doãn Hữu Tuệ