Giúp con rèn khả năng ghi nhớ

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 16:24, 05/10/2022

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng những năm đầu đời quyết định rất nhiều đến quãng thời gian sau này của trẻ. Cha mẹ biết cách khơi gợi sáng tạo, giúp con rèn khả năng ghi nhớ ở giai đoạn này, vào độ tuổi đi học sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ.

Giai đoạn vàng của trẻ

Ở những năm tháng chưa đến trường, thì vỏ bán cầu đại não dễ tiếp nhận những tín hiệu như hình ảnh, màu sắc, đồ vật nên trí nhớ trực quan – hình tượng được phát triển hơn là từ ngữ. Trẻ ở độ tuổi này nhớ và lưu lại trong não những sự vật, hình ảnh, hiện tượng nhanh hơn và tốt hơn những khái niệm, lời giải thích.

nursery-rhymes-2.jpg
Những năm đầu đời ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình đi học của trẻ về sau.

Khi trẻ bước vào lớp 1, lớp 2 thì trí nhớ trẻ bắt đầu có khuynh hướng ghi nhớ một cách máy móc bằng cách lập đi lặp lại nhiều lần. Ở lứa tuổi này trẻ thường học thuộc các bài học một cách dễ dàng. Đối với học sinh ở các lớp 4 -5 thì hình thành và phát triển trí nhớ có ý nghĩa, các em sẽ iểu được những mối liên hệ có ý nghĩa bên trong các tài liệu cần ghi nhớ.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng như các bậc phụ huynh nhận thấy: ở trẻ nhỏ khi trí nhớ bắt đầu hoạt động, đặc biệt những năm đầu đời, trẻ nhỏ được ví như một tờ giấy trắng và các bậc cha mẹ, thầy cô tô vẽ gì lên đó thì trí nhớ của trẻ được lưu lại một cách hiệu quả nhất. Vì vậy, giai đoạn này được xem là giai đoạn vô cùng quan trọng để cha mẹ hiểu và có những phương pháp giúp trẻ hình thành nhân cách cũng như rèn luyện trí nhớ hiệu quả nhất.

Phương pháp giúp con ghi nhớ

Khi trẻ nhỏ bước vào môi trường giáo dục (trường học) thì việc học thuộc lòng (thuộc mà không hiểu) việc này kém hiệu quả hơn rất nhiều, có thể ảnh hưởng đến trí nhớ của trẻ về mặt tiêu cực so với việc thuộc mà hiểu.

gettyimages-1135473872-1-1-.jpg
Cho trẻ học xen kẽ, học theo vần điệu, ghi nhớ những kiến thức chủ chốt thay vì ép con nhồi nhét mọi thứ.

Vì vậy cha mẹ nên chú ý:

- Cho trẻ đọc đoạn văn bản nhiều lần, khi đọc phụ huynh hoặc giáo viên giúp trẻ nhận biết được ý nghĩa của đoạn văn đó

- Chia đoạn văn ra thành những phần có ý nghĩa.

- Có thể dựa vào điểm tựa của đoạn văn và nên dùng lời lẽ của mình kể lại cho trẻ nghe thay bằng giáo điều một cách máy móc.

- Đối với các con số (toán học): nên cho trẻ trả lời câu hỏi, mỗi số biểu thị cái gì, hình dung xem trong bài toán nói cái gì, ý nghĩa của những con số sau khi thu thập được khi kết thúc bài làm…

- Đặt thơ, vần điệu cho tài liệu học: Vần và nhịp điệu của thơ ca, vè, tục ngữ, ca dao để lại trong não những ấn tượng, cảm xúc , và rung động hơn bất kỳ văn tự, hoặc số liệu nào. Do đó, những tài liệu khó học thuộc, phụ huynh nên giúp trẻ làm thành bài thơ, vè hay những câu có vần điệu để trẻ dễ học thuộc.

- Học xen kẽ: Khi trẻ ôn bài, nhiều phụ huynh thường bắt con mình học mãi một môn học trong thời gian dài, khảo bài trẻ cho đến khi thật thuộc thì mới thôi, làm cho trẻ bị choáng đầu, mắt hoa, học mãi mà không thuộc. Để tránh tình trạng này, nên dạy trẻ cách học xen kẽ: Sau một khoảng thời gian tập trung chú ý học bài môn này (không quá 35 phút), nên cho trẻ nghỉ giải lao chút ít (5-10 phút), rồi chuyển sang học bài môn khác. Học theo lối đan xen như thế, trẻ sẽ thấy đầu óc tỉnh táo hơn, dễ thuộc hơn. Vì “học đi học lại mãi một bài” gây ra hiện tượng ức chế những dấu vết đã ghi nhớ được.

kids-education.jpg
Khi được tạo hứng thú và học đúng cách, trẻ sẽ có khả năng ghi nhớ rất tốt.

Những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến rèn luyện trí nhớ

Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng được các nhà nghiên cứu cho biết ảnh hưởng tích cực rất nhiều đến việc hình thành và tạo khả năng tăng cường trí nhớ. Vì vậy các bậc cha mẹ cần lưu ý những điều như sau:

- Hãy cho trẻ ăn đúng cách bởi khả năng tái hiện của trẻ có thể bị suy yếu nếu chế độ dinh dưỡng của bé thiếu sắt, chất khoáng, vitamin, đạm và chất khoáng.

- Hãy cho trẻ uống nhiều nước: sự thiếu hụt nước ở cơ thể có thể gây ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến trí nhớ, thiếu nước có thể gây sự lầm lẫn.

- Không ăn quá no: Ăn no sẽ làm giảm khả năng suy nghĩ, thiếu tập trung, dễ gây buồn ngủ ở trẻ.

76754131.jpg
Đảm bảo ngủ đủ giấc rất cần thiết cho sự phát triển trí thông minh ở trẻ.

Chế độ nghỉ ngơi: Học sinh tiểu học thường chỉ tập trung và duy trì sự chú ý liên tục trong khoảng từ 30 đến 35 phút. Vì vậy, sau khi trẻ học bài từ 30-35 phút, nên cho trẻ nghỉ giải lao rồi mới học tiếp. Không nên bắt trẻ học bài liên tục trong vài giờ đồng hồ liền.

Nhằm giữ cho trí nhớ của trẻ được bén nhạy, trẻ cần phải ngủ đủ giấc và để cho não bộ được ngơi nghỉ. Nên cho trẻ ngủ đủ 8 tiếng/ đêm. Nên cho trẻ ngủ trước 10 giờ đêm. Vì bắt đầu từ 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng cơ thể chìm vào giấc ngủ sâu, lúc này trí não xử lý, duyệt lại, củng cố và lưu giữ thông tin, và hôm sau thức dậy tinh thần trẻ sẽ thoải mái.

Lam Chi