Trẻ bướng bỉnh không nghe lời phải làm sao?

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 17:58, 01/10/2022

Bướng bỉnh là tính cách phổ biến ở nhiều đứa trẻ và đó cũng là điều khiến các bậc cha mẹ hết sức đau đầu khi nuôi dạy con cái.

Theo các chuyên gia tâm lý, phụ huynh có thể gặp khá nhiều khó khăn khi nuôi dạy một đứa trẻ bướng bỉnh, không nghe lời. Thế nhưng, đây lại thường là các bé thông minh, độc lập, có chính kiến và cá tính riêng. Chỉ cần cha mẹ hiểu con và có cách dạy con phù hợp, thì hoàn toàn có giúp những đứa trẻ bướng bỉnh giảm bớt được nhược điểm cố hữu của mình, đồng thời phát huy được những ưu điểm như đã nói ở trên.

Trẻ bướng bỉnh không nghe lời phải làm sao?-1

Vậy nên đối phó với trẻ bướng bỉnh thế nào? dạy chúng ra sao mới phù hợp và hiệu quả? Tintuconline mời độc giả tham khảo những lời khuyên hữu ích dưới đây từ các chuyên gia.

Luôn giữ bình tĩnh và kiên nhẫn

Bố mẹ nên nhớ kiên nhẫn và bình tĩnh là chìa khóa tốt nhất để đối phó với các bé bướng bỉnh, cứng đầu. Khi có một đứa con khó bảo, chắc chắn các bố mẹ sẽ từng trải qua những phen tăng xông vì trẻ không những hành động sai trái mà còn từ chối lắng nghe những lời dạy bảo của người lớn. Nhưng lúc đó nếu bố mẹ phản ứng theo cảm tính mà không suy nghĩ kỹ (giận dũ, la mắng, đánh đòn…) thì chỉ khiến thái độ của con càng thêm tiêu cực, chống đối hơn.

Vậy nên, bạn cần thật bình tĩnh để giải thích rõ ràng cho bé tại sao con phải làm theo lời ba mẹ và kiên nhẫn giúp bé thay đổi dần dần.

Để luôn giữ tâm trạng bình tĩnh và cân bằng với con, bạn có thể cùng bé chơi thể thao, nghe nhạc hay làm những việc cả hai cùng thích. Khi tham gia những hoạt động thư giãn cùng nhau, bé cũng dần xem ba mẹ là “bạn” và sẽ hợp tác hơn.

Cố gắng lắng nghe và trò chuyện với trẻ

Giao tiếp luôn mang tính hai chiều. Nếu muốn con lắng nghe mình, trước tiên bạn phải sẵn sàng lắng nghe bé. Đôi khi, trẻ trở nên bướng bỉnh vì không có được thứ mình muốn. Vậy nên, bạn cần trò chuyện với con để xem con có mong muốn, khó chịu, buồn bực gì hay không và đáp ứng trẻ nếu có thể.

Trẻ bướng bỉnh có thể có ý kiến riêng và có thường sẽ tranh luận với người khác. Bé có thể trở nên ngang tàng nếu cảm thấy mình không được lắng nghe. Vậy nên, ba mẹ hãy thật sự lắng nghe ý kiến, băn khoăn của con và trò chuyện cởi mở để bé ngoan ngoãn hơn.

Chẳng hạn, nếu con không muốn ăn bữa trưa, bố mẹ không nên ép con ăn mà hãy thử hỏi vì sao bé không muốn ăn. Chỉ cần giữ bình tĩnh, bạn có thể tìm ra nguyên nhân khiến con bỏ bữa như bị đau bụng, muốn đi chơi hay buồn ngủ. Khi biết được nguyên nhân, bạn có thể dễ dàng tìm cách cho bé ăn cơm trong vui vẻ hơn.

Tuy nhiên, trò chuyện với con không có nghĩa là bạn cần nhượng bộ, chiều theo những mong ước chưa hợp lý của con. Mục đích của cuộc trò chuyện là để ba mẹ hiểu con hơn và để trẻ cảm thấy được quan tâm. Vậy nên, nếu con có mong muốn, ý kiến chưa hợp lý, bạn có thể cùng bé tìm ra một phương án phù hợp hơn.

Trẻ bướng bỉnh không nghe lời phải làm sao?-2

Cho con lựa chọn, không ép buộc

Khi bạn ép trẻ làm một điều gì đó, bé thường có tâm lý chống đối và làm ngược lại những gì bạn nói. Đây là tâm lý rất thường thấy ở các trẻ bướng bỉnh và cũng là bản năng của một số người lớn chúng ta.

Hơn nữa, những trẻ bướng bỉnh thường có suy nghĩ riêng và không thích ba mẹ chỉ bảo mình phải làm gì. Vậy nên, bạn hãy cho con quyền lựa chọn để bé không có cảm giác mình bị ép buộc làm một việc gì đó.

Ví dụ như nếu bạn muốn con đi ngủ trước 9 giờ tối, thay vì ép buộc con ngủ, hãy mang ra hai quyển sách bé thích và hỏi xem bé muốn đọc quyển nào trước giờ ngủ. Nếu bé vẫn không muốn đi ngủ, hãy giữ bình tĩnh và nhắc con rằng hiện giờ con chỉ được chọn một trong hai quyển sách chứ không có quyền chọn không đi ngủ.

Tuy việc cho con được lựa chọn là tốt nhưng bạn không nên cho trẻ quá nhiều lựa chọn vì điều này có thể khiến bé bối rối. Nếu đang cùng con chọn quần áo mặc để đi ra ngoài, bạn có thể cho trẻ 2 – 3 bộ thích hợp để chọn thay vì để trẻ tự tìm đồ trong tủ.

Tìm hiểu quan điểm của con và tôn trọng con

Để hiểu rõ hơn về hành vi bướng bỉnh của con, bạn hãy cố gắng nhìn nhận tình huống từ góc độ của bé. Bạn có thể thử đặt mình vào vị trí của con và cố gắng tưởng tượng những gì bé phải trải qua. Ba mẹ càng hiểu rõ con thì càng có thể thay đổi tính bướng bỉnh của con tốt hơn.

Dù không đồng tình với các yêu cầu của con, bạn cũng hãy thông cảm và thấu hiểu cảm xúc của bé, cho bé biết mình có thể hiểu được sự thất vọng, tức giận hoặc bực bội của con dù không đáp ứng yêu cầu của bé.

Thực tế, trẻ có thể không chấp nhận quyền hạn của ba mẹ nếu họ luôn ép buộc hay ra lệnh cho bé nên việc cho trẻ thấy bạn tôn trọng ý kiến của con là rất quan trọng. Chẳng hạn như: Bạn hợp tác với con chứ không yêu cầu con tuân theo chỉ thị của mình; Lắng nghe cảm xúc, suy nghĩ của con; Để con tự làm những gì nằm trong khả năng của con; Không nói dối và giữ lời hứa với con…

Tạo dựng không khí gia đình yên ấm, vui vẻ

Trẻ em học hỏi rất nhiều thông qua hành vi ứng xử hàng ngày của bố mẹ. Bởi vậy nếu các con nhìn thấy cha mẹ hay mâu thuẫn cãi vã hoặc có những lời ăn tiếng nói không lịch sự thì chúng rất dễ học theo và dần trở nên chống đối, bướng bỉnh.

Hơn nữa các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bố mẹ bất hòa có thể dẫn đến một môi trường căng thẳng trong gia đình và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng và hành vi của trẻ em. Vậy nên, nếu không muốn con hư con bướng, bố mẹ hãy chú ý tạo không khí vui vẻ, hòa thuận ở nhà cùng với những phương pháp cụ thể khác.

Phớt lờ những đòi hỏi không thỏa đáng của con

Đôi khi chính việc đáp ứng nhanh bất cứ yêu cầu nào của con sẽ khiến trẻ trở nên bướng bỉnh, khó bảo. Khi ấy, trẻ nhận thức được rằng bố mẹ rất dễ dàng chiều theo mong muốn của chúng, nên một khi không đòi hỏi được, chúng sẽ tức giận và la hét. Bởi thế, phớt lờ những yêu sách không thỏa đáng của con cũng là một cách hay để trị dứt điểm sự bướng bỉnh, cứng đầu của con.

Trẻ bướng bỉnh không nghe lời phải làm sao?-3

Động viên và khen ngợi con khi cần thiết

Thái độ, cách đối xử của người lớn với con cũng là nguyên nhân hình thành nên sự bướng bỉnh, khó bảo ở trẻ. Chính bởi vậy, muốn thay đổi một đứa trẻ cứng đầu, bố mẹ cần cố gắng động viên và khen ngợi con khi chúng cố gắng thực hiện những việc tốt, cho dù đó là việc nhỏ nhặt. Đừng gay gắt khi con làm sai điều gì đó mà hãy từ từ phân tích cho con hiểu.

Khuyến khích các hành vi tích cực sẽ làm cho các bé hiểu rằng đó là cách tốt để có được sự chú ý hoặc lời khen ngợi từ người khác. Bố mẹ cũng có thể tặng cho các con phần thưởng nhỏ để bé thêm hào hứng hơn.

Theo V.K - Vietnamnet