Câu chuyện ngày ấy và bây giờ

Dòng chảy - Ngày đăng : 08:00, 30/09/2022

Cách nay gần nửa thế kỷ, một buổi tối cuối tuần, tôi đi một mình đến quán Văn. Quán nằm trong khuôn viên khám lớn Sài Gòn – sau đó được xây dựng thành thư viện quốc gia.

Quán nhỏ xíu, một vài bộ bàn ghế đơn sơ. Quán trang hoàng bằng những vật liệu dân dã gần gũi với người VN. Mới 6 giờ chiều nơi đây đã đông khách. Chỉ một số ít có bàn để ngồi, số còn lại rất đông ngồi ngay dưới thảm cỏ theo hình vòng cung.

Số khách đến với quán Văn đêm hôm ấy không đồng nhất. Già có, trẻ có. Anh công nhân lao động có, sinh viên các trường đại học có. Nhưng tôi chú ý nhất, một vài người tuổi đã trung niên ngồi trên những chiếc xe lăn, những cụ ông tóc đã bạc trắng cạnh những cụ bà bỏm bẻm nhai trầu.

khanhly-1.jpeg
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly tại Quán Văn năm 1966-67. (Ảnh: tcs-home.org)

Lượng người đến với quán càng lúc càng đông. Không một tiếng ồn. Những câu chuyện trao đổi với nhau nhỏ nhẹ. Không bắt buộc ai vào cũng phải chọn thức uống. Người có người không mặc dù giá cả thì so với những quán vỉa hè không cao hơn mấy.

Phía trước hàng vòng cung khách ngồi, hai chiếc micro để sẵn bên cạnh chiếc loa thùng khá lớn. Hôm nay, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trình bày những ca khúc của anh. Đơn giản thế thôi.

Bên ngoài không một băng rôn, không một banner quảng cáo nhưng số người đến với đên nhạc đêm nay có thể lên đến hàng ngàn.

Giờ khai mạc đã đến. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly xuất hiện. Chiếc quần kaki, áo sơ-mi bạc thếch và đôi kính trễ xuống, anh chào khán giả bằng giọng nói đặc sệt Huế. Khánh Ly vận một chiếc váy màu đỏ, áo đỏ. Không son phấn nhiều và gương mặt trẻ trung tươi vui rạng rỡ.

khanhly-2.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đệm đàn cho ca sĩ Khánh Ly trong đêm nhạc tại Hà Nội tối 2/8.

Tôi tiếc là không còn nhớ hôm ấy anh Sơn đã nói những gì vào lúc khai mạc. Chỉ nhớ khi anh nói xong, anh rút chiếc micro bỏ vào thùng rồi dạo đàn. Khánh Ly đứng bên cạnh cầm micro cất cao tiếng hát: Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao/Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu...

Tiếng hát khi lên cao khi xuống thấp. Giọng ca của Khánh Ly đi sâu vào tận tâm can từng người. Không gian như lắng đọng. Không một tiếng ồn, không một ai lơ đãng. Hàng ngàn con mắt hướng về Khánh Ly về Trịnh Công Sơn trong đó có những đôi mắt như lạc thần, như đờ đẫn.

Hết “Diễm Xưa” rồi đến “Nhìn những mùa thu đi”, “Hạ Trắng” Biển nhớ” những tình ca của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát của Khánh Ly ru hồn người bằng những âm thanh mộc mạc, bằng những lời ca giản dị nhưng hết sức thâm thúy đã làm cho khán giả hòa mình luôn vào tiếng hát lời ca. Ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn lúc này đã làm cho những tâm hồn vốn đã đa sầu lại càng đa cảm hơn. Dường như người nghe đã tìm thấy được mình trong đó, trong thứ tình yêu thánh thiện mà chỉ có Trịnh Công Sơn mới thay họ nói nên lời.

Sau hơn 10 bài tình ca, Trịnh Công Sơn xin phép được nghỉ xả hơi vài phút. Khánh Ly hướng về khán giả, anh chị nào có Salem (một loại thuốc lá trước đây phụ nữ thường hút) cho Khánh Ly một điếu. Nhiều người bật dậy với gói thuốc trong tay. Khánh Ly chỉ lấy một điếu rồi bật lửa. Chị ngồi xuống ghế. Làn khói mong manh tỏa nhẹ trong đêm.

Đêm nhạc tiếp tục. Giờ đến phần 2, những ca khúc nói về thân phận con người. Khánh Ly tiếp tục nhưng trước khi hát, chị cáo lỗi xin phép khán giả, vứt luôn đôi giày cao gót vào một xó. Đôi chân trần trên nền đất, chị đưa người vào những day dứt tận đáy lòng: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố người phu quét đường dừng chổi đứng nghe. Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy, đại bác qua đây con thơ buồn tủi nửa đêm sáng chói hỏa châu trên núi”.

Thời điểm này, miền nam đang vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến. Người thành phố đêm đêm nghe tiếng đại bác từ xa vọng về thật não nề ai oán. Thanh niên nghe tiếng đại bác trong đêm đang phập phồng lo sợ. Tâm trạng của mỗi người như lạc lõng như bơ vơ.

Bên dưới, nhiều chòm râu bạc đã rung lên. Nhiều chiếc khăn rằn đã quẹt ngang mắt. Rồi thì: “Em chưa biết quê hương thanh bình, em chưa thấy xưa kia Việt Nam, em chưa hát ca dao một lần. Em chỉ có con tim căm hờn. Người con gái một hôm qua làng, đi trong đêm, đêm vang ầm tiếng súng. Người gái chợt ôm tim mình. Trên da thơm, vết máu loang dần”.

Lúc này, không ai nói với ai lời nào. Hình ảnh về một người con gái Việt Nam trong thời loạn với những nỗi đau khôn cùng. Chiến tranh và thân phận con người dường như mong manh quá đỗi.

Một anh ngồi xe lăn gục đầu. Có lẽ anh quá xúc động. Tiếng đàn guitar vẫn vang lên. Tiếng hát Khánh Ly vẫn vọng vào từng trái tim. Cả Trịnh Công sơn và Khánh Ly trong lúc này trở thành những hình ảnh thân thuộc nhất trong lòng mỗi người.

Hôm nay đã 46 năm qua kể từ đêm tôi dự ở quán Văn, một tin làm cho tôi buồn nhất là sự trở về của Khánh Ly với một liveshow với giá vé cao ngất ngưỡng từ từ 900.000 tới 3,5 triệu đồng.

Thật sự ra Khánh Ly đã chết trong lòng tôi từ lúc chị về hát cho các phòng trà ở Sài Gòn vào những năm trước 1975. Tiếng hát của lòng người đã được thay bằng những giai điệu khác, của đồng tiền và của đổi trắng thay đen.

Nhưng cũng chưa đến nỗi gì vì ai cũng có một cuộc sống. Ai cũng cần cơm ăn áo mặc. Ai cũng phải có cuộc sống gia đình. Nhưng sau nhiều năm bôn ba hải ngoại ngày trở về của chị, những người như chúng tôi năm xưa vẫn cứ mong được nghe một giọng hát của một thời ở một địa điểm gần gũi với người dân cùng khổ để cùng nhau nhớ về một ngày xưa và cũng để tưởng niệm tác giả đã khuất từ nhiều năm nay.

Chúng tôi chờ hoài vẫn không thấy. Chỉ nghe chị nói muốn hát trên quê hương Việt Nam, cho người Việt Nam nghe nhưng với những tranh chấp về tác quyền, với giá vé cao tận mây xanh, liệu được mấy ai ngồi để nghe chị hát như năm nào.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 17/08/2014
https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/cau-chuyen-ngay-ay-va-bay-gio-192805.html

Trần Chánh Nghĩa