Uống nước lã, ăn cá sống… sán lá gan tấn công nhiều người

Tin Y tế - Ngày đăng : 17:34, 27/09/2022

Nhiều người hiện còn giữ thói quen uống nước lã, ăn cá sống hay nấu chưa chín thức ăn… tạo cơ hội cho sán lá gan tấn công, dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
sanlagan-1-1524633435553223055070.jpeg
Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân bị sán lá gan tấn công - Ảnh: BVCC

Bất ngờ khi thấy sán lá gan di chuyển trong ruột

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết mới tiếp nhận trường hợp bị áp xe gan kích thước lớn. Bệnh nhân là anh L.V.Đ. (Hà Nội) xuất hiện triệu chứng đau mạn sườn phải kèm ho, sốt rét.

Anh Đ. biết mình mắc áp xe gan khi đi khám tại một bệnh viện lớn nhưng từ chối nhập viện do chưa tìm được nguyên nhân.

Tại đây, được bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp vi tính ổ bụng để tìm nguyên nhân gây tổn thương gan. Trên hình ảnh chất lượng cao của cắt lớp vi tính thấy rõ bệnh nhân có tổn thương gan nhiều.

Từ kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu của anh Đ. cho thấy, nguyên nhân chính của áp xe gan do sán lá gan lớn. Đây là một loại ký sinh trùng thường sống ký sinh ở những loại rau thủy canh như: rau cần, rau muống, rau ngổ…..

Người bệnh được điều trị bằng thuốc diệt sán lá gan lớn. Sau 3 ngày theo dõi và điều trị tích cực, anh Đ. hết đau mạn sườn phải, hết sốt, thể trạng khỏe mạnh, khối áp xe gan giảm đáng kể.

Trước đó, V.Đ. (55 tuổi, ngụ Hóc Môn) nhập Bệnh viện Xuyên Á trong tình trạng đau bụng từng cơn, đau nhiều vùng thượng vị, kèm theo buồn nôn nhiều.

Sau khi thăm khám và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm, chụp CT160 để đánh giá, các bác sĩ chuyên khoa ngoại tổng quát kết luận bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật do tắc nghẽn đoạn cuối ống mật chủ, cần được chụp hình đường mật ngược dòng qua nội soi ERCP.

Trong quá trình nội soi can thiệp, các bác sĩ phát hiện trong đường mật của bệnh nhân có rất nhiều con sán lá gan đang di chuyển lúc nhúc.

Bác sĩ đã dùng rọ gắp lấy sán trong ống mật chủ, đồng thời chuyển mẫu sán xuống phòng xét nghiệm để đọc định danh. Sau đó, bác sĩ bơm rửa làm sạch đường mật của bệnh nhân, chụp hình đường mật kiểm tra thấy đường mật thông suốt.

Hai ngày sau nội soi can thiệp, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục. Bệnh nhân được chỉ định tiếp tục điều trị bệnh lý sán lá gan tại bệnh viện.

sanlagan-2-15246334355561064840520-15246596528661320323975.png
Hình ảnh sán lá gan được gắp ra từ ruột bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Chủ yếu do uống nước lã, ăn cá sống...

Bác sĩ Huỳnh Văn Mười Một - phó khoa cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh - cho biết, bệnh sán lá gan gồm sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis) và sán lá gan lớn (Fascioliasis). Sán lá gan nhỏ hay lớn đều có hình lá, thân dẹt và kích thước khác nhau; nhìn chung sán lá gan lớn kích thước lớn hơn rất nhiều so với sán lá gan nhỏ. Ở các trường hợp nhập viện kể trên đều bị sán lá gan nhỏ.

Sán lá gan nhỏ trưởng thành dài 1-2 cm, chiều ngang 0,2-0,4 cm. Sán ký sinh chủ yếu ở người và một số động vật như chó, mèo, hổ báo, cáo chồn, rái cá, chuột… Người hoặc động vật nhiễm bệnh do ăn uống dính phải ấu trùng nang chưa được nấu chín.

Khi ấu trùng này vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan. Khi xâm nhập vào mô gan, sán non phát triển thành sán trưởng thành, đẻ trứng trong ống dẫn mật. Trứng được bài xuất theo phân ra ngoài, gặp môi trường nước ngọt ở sông suối, ao hồ… sẽ phát triển theo chu kỳ mới.

Trứng lơ lửng trong nước, bị loài ốc nước ngọt nuốt. Trong cơ thể ốc, ấu trùng lông tơ chui ra khỏi trứng, lần lượt phát triển qua các giai đoạn từ bào tử nang đến ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc chui qua da cá nước ngọt thuộc họ như cá diếc, cá rô, cá lia thia… Khi xâm nhập được vào cơ thể các loài cá, chúng rụng đuôi và thành hậu ấu trùng ở da hoặc thịt cá.

Người bị nhiễm bệnh do uống nước lã, ăn cá sống hay nấu chưa chín (các món gỏi cá, tôm sống chấm mù tạt…), ăn gan động vật nhiễm bệnh chưa nấu chín, ăn rau mọc dưới nước (rau muống nước, xà lách xoong, ngò om…) còn sống nhưng không rửa kỹ… Sau một tháng xâm nhập, sán trưởng thành và đẻ trứng.

Theo BS Vũ Ngọc Lâm - trưởng khoa ngoại tổng quát Bệnh viện Xuyên Á, bệnh sán lá gan thường có các triệu chứng đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc đau vùng thượng vị và mũi ức, có thể âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng.

Bệnh nhân mệt mỏi, có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, có thể sốt hoặc đau cơ và mẩn ngứa... Nếu có những dấu hiệu này cần đến ngay các cơ sở y tế để khám chữa kịp thời.

Bác sĩ Lâm khuyến cáo nên thực hiện ăn chín, uống sôi, không nên ăn các loại thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến. Cả gia đình cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Hạn chế ăn rau sống, chỉ ăn khi mua nơi đảm bảo và vệ sinh rửa rau sạch đúng quy trình. Cần tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở sạch sẽ.

ANH ĐÀO