Tản mạn về thú sưu tầm xe máy BMW cổ tại Việt Nam

Xa lộ - Ngày đăng : 15:19, 22/09/2022

Với dân sưu tầm xe cổ thì những chiếc BMW cổ là những di sản, tượng đài xe cổ của nhân loại và có lẽ sẽ mãi là như vậy.

Hãng xe sang danh tiếng thế giới với lịch sử lâu đời

Hãng xe của Đức có tên ban đầu là Bayerische Motoren Werke AG dịch ra tiếng Việt là Xưởng sản xuất Mô tô xứ Bavaria, thường được gọi là BMW được thành lập vào năm 1916 ban đầu với tư cách là nhà sản xuất động cơ máy bay. Sau đó hãng này chuyển sang sản xuất ô tô và xe máy thuộc phân khúc hạng sang.

R32 chiếc xe máy đầu tiên của BMW sản xuất năm 1923.

Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm qua, BMW luôn là công ty tiên phong trên thế giới về công nghệ sản xuất ô tô và xe máy thuộc phân khúc hạng sang. Điều ngạc nhiên là cho đến ngày nay hãng vẫn duy trì việc quản lý nghiêm ngặt thông tin những chiếc xe cổ theo số khung và số máy nên bất kỳ lúc nào chủ xe cũng có thể tra đời xe của mình qua tài liệu của hãng phát hành hoặc gửi số khung và số máy tới hộp thư điện tử của hãng để được phản hồi thông tin chi tiết về dòng xe và lịch sử phân phối.

Người sưu tầm xe máy BMW cổ thường hay nói “ba trùng” hay “triple matching” tức là một chiếc xe nguyên bản thì thông tin số khung, số máy phải trùng với nhau và được ghi nhận thống nhất trên tem đặt tại cổ xe. Nếu xét về các hãng xe danh tiếng trên thế giới hiện nay chỉ còn BMW và Honda là còn duy trì sản xuất cả xe ô tô và xe máy. Tính đến năm 2015, BMW là nhà sản xuất xe cơ giới lớn thứ 12 trên thế giới, với 2.279.503 xe đã được sản xuất.

Steve Job – thành viên sáng lập hãng Apple là người yêu thích và thường xuyên sử dụng chiếc xe BMW cổ

Gắn bó với lịch sử giao thông của Việt Nam

Được biết trước chiến tranh thế giới lần thứ 2 thì dòng xe BMW cổ chỉ được nhập về Việt Nam theo dạng tài sản thân phận ngoại giao hoặc cán bộ cấp cao của Pháp mang sang Việt Nam phục vụ công việc.

Thời gian về sau, hãng BMW cũng không thiết lập đại lý phân phối xe chính thức mà xe được nhập vào Việt Nam chủ yếu theo dạng com-măng (đặt hàng đơn lẻ). Theo tìm hiểu của tôi thì Việt Nam hầu như chỉ nhập về các dòng xe một máy như R25 và R27 với 250cc cùng với một số dòng boxer phân khối lớn 500cc, 600cc của thập niên 1960, 1970 như R50/2, R60/2, R51…Tôi cũng có nghe những người đi trước kể về việc Phủ Tổng thống của chế độ cũ đã từng đặt một lô xe BMW về phục vụ việc công.

Tuy vậy, ngày nay chúng ta không thể tìm lại được nhiều tấm hình trong quá khứ về chiếc xe BMW xuất hiện trên đường ở thế kỷ trước tại Việt Nam. Điều này có thể cho chúng ta nhận định rằng mặc dù có mặt tại Việt Nam nhưng số lượng xe máy BMW rất ít, và vì thế chủ xe thường coi như một bảo vật quý mà không dùng để di chuyển thường xuyên ngoài đường.

2 chiếc BMW cổ trong đoàn mô tô ở thế kỷ trước tại Việt Nam

Những tay chơi BMW cổ “đời đầu”

Ở thế kỷ trước nếu nói đến người sưu tầm xe BMW cổ thì tôi được chia sẻ về ông Nguyễn Quang Khuê (Hà Nội) là người sở hữu chiếc BMW R2 đời 1932 biển số 001 đình đám nhất Việt Nam. Ở miền Nam thì giới sưu tầm xe BMW cổ đông đảo hơn, có thể kể đến ông Tư Nhơn có lúc bộ sưu tập lên đến 80 chiếc gồm BMW và Harley Davidson cổ, ông Ba Giang, ông Ba Hạnh, ông Vinh (tự Vinh Mập), ông Tạ Văn Bản và ông Thái Thúc Minh là những người có nhiều tâm huyến với dòng xe này.

Chiếc R2 đời 1932 biển số 001 của ông Nguyễn Quang Khuê được bán lại cho ông Bản sau đó về tay ông Dũng Festival.

Thập niên 1990 khi kinh tế có nhiều khởi sắc thì xuất hiện nhiều người chơi và sưu tầm xe cổ, có thể kể đến như ông Lê Hùng Dũng (Dũng Festival), ông Dũng Danny, ông Đinh Công Phương, ông Hùng Việt kiều, ông Trương DJ, ông Thành (Bùi Đình Túy, Bình Thạnh), ông Thành giầy da và ông Thành (chủ quán café Bảo Quang). Có thể coi đây là những tay chơi góp phần đưa xe BMW cổ thành một trào lưu sưu tầm mới ở thời điểm đó tại TP.HCM.

Thời kỳ này, những chiếc BMW cổ ở TP.HCM và các tỉnh lân cận được săn lùng để mang về TP.HCM phục dựng, nhưng cũng rất khó khăn cho người sưu tầm khi mà khắp thành phố, thợ sửa dòng xe này chỉ có ông Sáu (tự Sáu Mát) và ông Bảy (tự Bảy bự hay Bảy cầu Kiệu) cùng với việc tìm phụ tùng vô cùng vất vả.

Điều đáng tiếc là hầu hết những chiếc xe cổ quý hiếm của Việt Nam trong đó có cả những chiếc BMW cổ cũng bị xuất khẩu và bán ngược lại cho những nhà sưu tầm nước ngoài. Cho đến những năm 2000 trở lại đây, có thêm nhiều người Việt sưu tầm xe BMW cổ, đã làm cho dòng xe này ngày càng trở nên gần gũi hơn với cộng đồng.

 Xe BMW do anh Thành (Café Bảo Quang) sở hữu những năm 1990

Cuộc chơi vẫn tiếp tục kéo dài

Ở thời điểm hiện tại, thú vui sưu tầm những chiếc xe máy BMW cổ vẫn âm thầm nhưng với số lượng người ngày càng đông đảo và trải dài khắp đất nước. Có thể dễ dàng tìm được những nhà hàng, khách sạn hay quán café đang trưng bày xe BMW cổ như nhà hàng Biker Shield Bistro (TP.HCM) với chiếc R2 sơn nguyên bản, quán café Ký Ức (TP.HCM) với chiếc R35 thập niên 1930 và một số xe dòng boxer của thập niên 1950, 1960, quán café tại Nha Trang với một số xe dòng boxer và có cả phiên bản kéo thuyền (sidecar)…

Chiếc R2 sản xuất ở thập niên 1930 với nước sơn nguyên bản được trưng bày tại Nhà hàng Biker Shield Bistro, TP.HCM sở hữu bởi anh Nguyễn Phi Linh

Tuy vậy, người sưu tầm xe BMW lại khá kín tiếng. Cách chơi đó cũng đúng với điểm đặc trưng của dòng xe này là “đẳng cấp nhưng không ồn ào”. Anh Thành (Bình Thạnh, TP.HCM) là một trong những người như vậy, gắn bó với dòng xe này từ rất lâu và với anh thì không có dòng xe cổ nào khác có thể thay thế.

Trong những chuyến công tác nước ngoài, anh Thành dành nhiều thời gian để đi thăm quan các viện bảo tàng, gặp gỡ những người sưu tầm lâu năm để tìm hiểu và trau dồi kiến thức về dòng xe này. Hiện anh đang sở hữu những chiếc xe quý hiếm như R35 bản kéo thuyền (sidecar) và R69s vốn được xem là dòng boxer huyền thoại của hãng vì được thiết kế công suất lên đến 42 mã lực, là công suất mạnh nhất của dòng xe boxer ở thập niên 1960 và chủ yếu dùng cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ.

Cá nhân tôi vốn là luật sư nhưng có sở thích sưu tầm và tập trung nhiều vào dòng xe Jawa và MZ cổ thuộc trường phái xe của các nước Xã hội Chủ nghĩa nhưng cũng không thể cưỡng lại sự cuốn hút của các dòng xe thuộc trường phái xe của các nước Tư bản như BMW, Lambretta, Vespa hay Harley Davidson.

Ngoài vấn đề giá trị thì dòng xe BMW cổ lôi cuốn người sưu tầm bởi thiết kế cân đối, nam tính, tính thẩm mỹ cao, vật liệu bền, tiếng pô ấm và chậm như tiếng thở đều. Tôi cũng may mắn được sở hữu chiếc BMW R69s sơn nguyên bản với hồ sơ pháp lý đầy đủ và được cho là chiếc xe R69s đẹp nhất tại Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, trong bộ sưu tập của tôi còn có một chiếc R60 thập niên 1950 và là phiên bản kéo thuyền (sidecar). Tôi biết nhiều người vẫn luôn ấp ủ về việc có thể sưu tầm được những chiếc xe BMW cổ sản xuất ở những thập niên 1920, 1930 vì nó vốn được xem là di sản xe cổ của thế giới.

R69S – dòng xe boxer kinh điển với công suất mạnh mẽ nhất ở thập niên 1960

Giới sưu tầm xe BMW cổ ngày nay trải khắp 5 châu nhưng đông nhất vẫn là tại châu Âu và Mỹ. Có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc BMW cổ được các tổ chức bán đấu giá quốc tế chuyên nghiệp mang ra bán đấu giá khá thường xuyên với giá lên đến hàng trăm nghìn USD.

Tại khu vực Đông Nam Á thì có anh bạn tôi là Suraphon Thanapitak (Thái Lan) là người luôn được giới sưu tầm xe máy BMW cổ nể trọng vì niềm đam mê rất lớn của anh với dòng xe này cùng với tinh thần chia sẻ rất nhiệt tình cho cộng đồng suốt mấy chục năm qua. Nhìn bộ sưu tập xe máy BMW cổ của anh lên đến vài chục chiếc nhưng đều được phục hồi rất tỉ mỉ và bài bản khiến bất kỳ ai cũng phải trầm trồ, ngưỡng mộ.

Một phần trong bộ sưu tập xe BMW cổ của anh Suraphon Thanapitak tại Thái Lan

Theo dòng chảy của thời đại, ngày nay giới trẻ đa phần thích trải nghiệm những dòng xe mô tô đời mới với nhiều công nghệ ưu việt và an toàn hơn trong những chuyến du ngoạn đường dài. Tuy vậy, ở dân sưu tầm xe cổ thì những chiếc BMW cổ là những di sản, tượng đài số 1 và có lẽ sẽ mãi là như vậy.

BMW R18 chiếc mô tô đời mới sản xuất năm 2020 của BMW mô phỏng lại kiểu dáng của chiếc R5 được sản xuất vào cuối những năm 1930

Luật sư Nguyễn Xuân Thủy (TP.HCM)

Mời bạn đọc chia sẻ video, thông tin tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!