Kiểm soát cơn ghen: Cuộc đấu trí cam go trong tình yêu

Gia đình - Ngày đăng : 07:30, 20/09/2022

Mới đây, ngày 13/9, khi nghe vợ thừa nhận có quan hệ tình cảm với một thanh niên bên ngoài, Thái Xuân Bình (34 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã dùng dao chém liên tiếp nhiều nhát khiến hai cánh tay người vợ bị đứt lìa.

Ngày 17/9, TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Hữu Ánh (SN 1986; ngụ xã Phú Dương) mức án 16 năm tù về tội danh 'Giết người'. Nạn nhân chính là vợ ánh. Nguyên nhân chỉ vì nghi vợ có quan hệ tình cảm với người khác dẫn đến ghen tuông, Ánh đã đổ xăng vào người nạn nhân, bật lửa đốt khiến người vợ tử vong do sốc nhiễm trùng. Hậu quả vợ chết, chồng đi tù, để lại 4 con trẻ bơ vơ.

Tương tự, trước đó, ngày 8/9, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên phạt Phan Sơn Lâm (34 tuổi, trú xã Long Phước, TP Bà Rịa) 13 năm tù về tội giết người, cũng xuất phát từ cơn cuồng ghen của bị cáo với vợ.

Phát hiện tin nhắn tình cảm trong máy điện thoại của vợ với một người đàn ông lạ, Lâm dùng rựa chém nhiều nhát khiến nạn nhân mang thương tật đến 72%, may mà còn giữ được tính mạng.

Kiểm soát cơn ghen: Cuộc đấu trí cam go trong tình yêu-1

Người vợ bị chém đứt lìa hai tay do ghen tuông ở Đồng Nai . Ảnh: IT

Đường ghen trăm vạn lối

Ghen là đề tài không mới, không lạ nhưng chưa bao giờ cũ và bớt “hấp dẫn”. Nhận định về ghen nhiều chuyên gia cho rằng, ghen là một món gia vị, nếu nêm đúng liều lượng cuộc sống hôn nhân sẽ thêm phần lãng mạn.

Nhưng xin thưa, đó chỉ là lời khuyên cho những cái sự ghen gọi là bóng gió xa xôi, mơ màng hư ảo, không hình thù tên tuổi. Chứ một khi đã tận miệng đọc tin nhắn ngôn tình mùi mẫn, tận mắt nhìn thấy họ đang hẹn hò ôm ấp nhau hay bắt tại trận hai người đang “trai trên gái dưới”… thì mắm muối, mì chính, tỏi, ớt, chanh, đường gì cũng trút vào một lượt cho hả cơn, chứ còn biết thế nào mà liều lượng.

Gặp trường hợp này thì ghen không còn là một món gia vị trong bữa tiệc tình yêu nữa mà trở nên liều thuốc độc với nhiều kiểu ghen không thua gì khủng bố, thậm chí rất dã man và quái đản.

Về phía chị em, thường thấy nhất là chửi rủa bằng những từ ngữ xấu xa tục tĩu, đánh đấm, nắm đầu giật tóc, xé quần xé áo rồi nhờ người quay clip tung lên mạng. Dã man hơn là thuê đầu gấu chém giết, tạt axit, đổ nước sôi…

Nhiều trường hợp cắt phăng của quý của chồng. Thậm chí gây ra những vụ án mạng đau lòng, tan nhà nát cửa, kẻ chết, người đi tù, con cái bơ vơ.

Còn về phía các anh,  do tính chiếm hữu, sĩ diện, điều đó khiến họ cảm thấy mình quan trọng, họ rất khó chấp nhận chia sẻ tình cảm của người phụ nữ “thuộc về mình” cho một người đàn ông khác. Do vậy, cái ghen của họ dữ dội hơn nhiều và khi gặp phải người đàn ông có thói vũ phu, họ dễ nổi nóng và không kiểm soát được hành vi của mình dẫn đến đánh đập tàn nhẫn, tệ hại hơn là xảy ra cả án mạng.

Ghen là một cuộc đấu trí giữa sự dẫn dắt của cảm xúc và sự điều chỉnh của lý trí 

Mặc dù là nạn nhân trong tình cảm, là người bị phản bội, nhưng với những hành vi, phương thức đánh ghen kiểu trung cổ, dã man và tàn độc, những người ra tay thường bị dư luận chê trách, lên án, bị pháp luật cảnh cáo, trừng trị.

Vậy thì phải làm sao cho đúng nếu rơi vào hoàn cảnh bị phản bội?  Cũng không thể xác định được ghen như thế nào, bao nhiêu là đủ vì nó còn phụ thuộc vào tính cách của mỗi người trong cuộc. Nhưng trước tiên biết cách kiểm soát cơn ghen, kiểm soát được cảm xúc để điều chỉnh và hành vi phù hợp để không dẫn đến những hậu quả đáng tiếc là điều tối quan trọng.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này rất cần sự “hợp tác” của đối phương:  Không tranh cãi, không dùng lời lẽ hay thái độ thách thức đẩy sự ghen tức của vợ/chồng lên đến đỉnh điểm, dùng biện pháp hòa hoãn để trao đổi, thương lượng… Đấy là khi vấn đề rơi vào “cấp tính”.

Còn để ứng xử trong hôn nhân, tránh ghen tuông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, có một việc rất đơn giản nhưng với nhiều người lại không dễ thực hiện. Đó là “Tiền bạc phân minh/ái tình dứt khoát”. Khi không còn tình yêu, trước khi đến với người mới nên quyết định dứt khoát với người cũ.

Về phía “nạn nhân”, trước hết hãy tự hỏi mình còn yêu vợ/chồng hay không, còn muốn giữ gia đình, giữ người bạn đời cho mình, giữ cha/mẹ cho con hay không? Nếu còn, nên bình tĩnh chọn cách ghen một cách kín đáo, bản lĩnh, nhẹ nhàng, sử dụng “tâm lý chiến” đánh vào tinh thần, thanh danh đối thủ chứ không dùng vũ lực sát thương để lại dấu vết trên cơ thể tình địch, hại người, hại mình.

Còn nếu như cái gì cũng không còn, hãy buông tay như buông một tảng đá nặng xuống lòng sông, chìm nghỉm không một tiếng động, không một gợn sóng. Và  kể cả khi không thèm níu giữ thì cũng không nên “ăn không được phá cho hôi”, làm cho đối phương “thân bại danh liệt”. Bởi vì suy cho cùng đó là cha/mẹ của con mình. Gia đình tan nát, người lớn có thể đi tìm một người khác, một mối quan hệ khác nhưng con trẻ thì không, quan hệ cha con/mẹ con là mãi mãi, không thể thay đổi. Trẻ con không đáng phải chịu đựng sự ích kỷ và thiếu quyết đoán của người lớn. Đó là cách chọn lựa hoàn hảo nhất.

Trở lại câu chuyện của người đàn ông chặt đứt hai cánh tay của vợ vì ghen tuông ở Đồng Nai mới đây, chưa biết khi vụ án được đưa ra xét xử thì bản án nào sẽ dành cho anh. Nhưng chồng đi tù, vợ tàn tật suốt đời sống trong sự gièm pha của dư luận, những đứa trẻ bơ vơ phải vượt qua một cú sốc nặng nề, vất vả khó khăn để bước tiếp trong cuộc hành trình phía trước… là điều chắc chắn.

Cho nên mới nói, ghen là một cuộc đấu trí không ngoan nhượng giữa sự dẫn dắt cảm xúc của con tim và sự điều chỉnh, phân định của lý trí.

Theo Công lý & Xã hội