Cá diếc phục hồi thân thể suy nhược, khí huyết hư tổn

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 20:38, 17/09/2022

Theo Đông y và kinh nghiệm của tiền nhân truyền lại, cá diếc, không chỉ là món ăn bổ dưỡng rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh đẻ thiếu sữa mà còn có công dụng tuyệt vời đối với người bị bệnh lâu ngày thân thể suy nhược, khí huyết hư tổn.
Cá diếc phục hồi thân thể suy nhược, khí huyết hư tổn
Cá diếc có công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Ảnh: Từ Ân

Thực phẩm giàu dinh dưỡng

Cá diếc, tên khoa học Carassius auratus (Linnaeus). Thuộc họ Cá chép - Cyprinidae. Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam, tác giả sách "Thuốc ở quanh ta", cá diếc là thực phẩm giàu dinh dưỡng được mọi người ưa thích, chế biến được nhiều món ngon, hấp dẫn.

Cá diếc ích khí, kiện tỳ, lợi tiểu tiêu sưng, hạ sữa; bổ dưỡng rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh đẻ thiếu sữa, người bị bệnh lâu ngày thân thể suy nhược, khí huyết hư tổn...

Đặc biệt cá diếc còn dùng để chữa ăn kém do tỳ vị hư nhược, trĩ sang, đại tiện ra máu, nôn mửa…

Mật cá diếc có tính sát trùng, giảm đau.

Các bài thuốc từ cá diếc

- Khí huyết hư tổn, thân thể suy nhược, ăn ít, mệt mỏi: cá diếc 250g, gạo nếp 60g; cá làm sạch, bỏ vảy và nội tạng, nấu với gạo nếp thành cháo mà ăn.

- Đầy hơi, nôn mửa: cá diếc 1 con, bỏ ruột, để vảy; tỏi xắt nhỏ cho hết vào bụng cá; dùng giấy thiếc gói kỹ, nướng chín, nghiền thành bột, mỗi lần uống 3g với nước cơm, ngày 2 - 3 lần.

- Bồi dưỡng cho người bị lao phổi ho ra máu: cá diếc làm sạch, nấu cùng củ cải trắng, không cần lượng, ăn thường xuyên.

- Ho lâu ngày: các diếc 250g, cho đường đỏ vào hầm ăn, liên tục 5 - 6 lần.

- Sản phụ thiếu sữa: cá diếc 250g nấu canh ăn, có thể thêm móng giò heo.

- Ít ngủ, ngủ không ngon giấc: cá diếc 300g, lá vông nem bánh tẻ 50g, hoa thiên lý 50g, gia vị; xương cá giã nhỏ lọc lấy nước khoảng 400ml, nấu sôi rồi cho lá vông và hoa thiên lý cùng với phần cá nạc, nấu sôi lại là được.

Nên ăn nóng lúc đói vào buổi chiều; ngày 1 lần trong một tuần lễ.

- Dưỡng phế, giảm ho, miệng họng khô, hay đổ mồ hôi: cá diếc 1 con 250g, hồng khô 2 trái, bách hợp 30g, mỗi thứ đều được làm sạch cho vào nồi, thêm nước nấu chín kỹ với gia vị rồi ăn.

- Phòng trị viêm dạ dày mạn tính: cá diếc 250g, rửa sạch, rán vàng 2 mặt, cho vào 1 ít rượu; sau khi rán thơm, cho vào lượng vừa muối, 2 chén nước, nấu sôi 15 phút; cho thêm rau rút 250g, nấu sôi thêm 10 phút là được, mỗi ngày uống 2 lần.

- Viêm loét dạ dày: bong bóng cá diếc rửa sạch, chiên gòn bằng dầu mè, tán bột, uống mỗi lần 5 - 6g, ngày 2 lần.

- Trẻ lên sởi thời kỳ đầu hoặc lên sởi phát triển chậm: hầm riêng cá diếc tươi sống, có thể cho thêm chút muối, cho trẻ uống canh, ăn cá.

Món ăn này làm cho sởi mọc nhanh hơn, mọc nhanh rồi lặn nhanh, nên rút ngắn quá trình bệnh, tránh được biến chứng.

- Thiểu năng tình dục: cá diếc 2 con, mỗi con khoảng 300g, nuôi 1 ngày cho nhả hết bùn, đánh vảy, vây, bỏ nội tạng và màng đen trong bụng; tôm 300g, thịt heo băm 100g, lòng đỏ 2 trứng gà, lòng trắng 1 trứng gà, rượu vang đánh đều thành nhân tôm nõn.

Đảo mỡ hành gừng cho thơm rồi cho nước lạnh, cá diếc, rượu vang vào nấu sôi 5 phút; sau đó đổ nhân tôm nõn vào nồi; có thể thêm mộc nhĩ, nấm hương; nấu cho đến khi tôm nổi lên, nêm gia vị rồi ăn.

- Gai tre đâm vào thịt không lấy ra được, lấy nước mật cá diếc chấm vào, có thể rút gai ra.

Tường Minh