Nhiều người thích đọc, tác phẩm văn học trinh thám Việt quá ít ỏi

Dòng chảy - Ngày đăng : 15:00, 11/09/2022

Tại Việt Nam, thể loại truyện trinh thám đã phát triển hơn nhưng chưa “bứt phá”, tạo được dấu ấn trong lòng độc giả. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nêu, ở Việt Nam dù rất nhiều người thích văn học trinh thám, nhưng số lượng sách văn học trinh thám lại quá ít ỏi.

Thiếu vắng tác phẩm trinh thám

Tọa đàm Văn học trinh thám hiện đại, giao thoa Đông và Tây do Hội nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một chương trình tọa đàm về văn học trinh thám, khẳng định tầm quan trọng của thể loại này trong nền văn học Việt Nam đương đại.

a2bbbd8a75e1b1bfe8f0-5845.jpg
Các đại biểu trao đổi về các chủ đề liên quan đến văn học trinh thám hiện đại tại tọa đàm.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng trên thế giới, truyện trinh thám luôn tràn ngập các tủ sách, trong khi ở Việt Nam, dù rất nhiều người thích văn học trinh thám, nhưng số lượng sách văn học trinh thám lại quá ít ỏi.

“Điều đáng mừng là hiện nay, các nhà văn trẻ Việt Nam đã viết truyện trinh thám nhiều hơn thế hệ trước. Văn học trinh thám không chỉ là sự giải trí, mà sẽ trở thành thể loại văn học tiếp cận đời sống, bởi trong mỗi câu chuyện đều chứa đựng bí ẩn của cuộc sống, những góc khuất bên trong con người, kể cả ở Việt Nam và phương Tây”, ông Nguyễn Quang Thiều nói.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng khẳng định đây là dịp gợi mở nhiều vấn đề trong đó có lý do rất nhiều người Việt Nam thích đọc truyện trinh thám, nhưng văn học Việt Nam lại ít các tác phẩm ở thể loại này và mở hướng phát triển văn học trinh thám cho các nhà văn trẻ, bởi thể loại văn học này có thể lý giải và “mở khóa” những vấn đề của con người ẩn chứa trong đời sống.

nha-van-di-li-2085.jpg
Nhà văn Di Li cây bút nổi bật trong thể loại văn học trinh thám.

Lý giải nguyên nhân thể loại trinh thám Việt Nam còn “non trẻ”, nhà văn Di Li: “Trinh thám là thể loại văn học giả tưởng, huy động gần như 100% trí tưởng tượng. Truyện trinh thám cũng dựa trên những tư liệu, nhưng nhà văn không hoàn toàn sử dụng các tư liệu về vụ án có thật để phóng tác câu chuyện của mình mà lấy đó chỉ là chất liệu. Và trinh thám sử dụng cơ bản là trí tưởng tượng, mà trí tưởng cường thì thực sự là hạn chế của người châu Á nói chung.

Văn hóa dân tộc và người Việt Nam thực sự không mạnh về về trí tưởng tượng, điều này thể hiện trong giáo dục học đường của chúng ta - không khuyến khích học trò sáng tạo từ bé. Khi trí tưởng tượng không được phát tác thì không chỉ trinh thám mà các thể loại văn học giả tưởng khác như khoa học viễn tưởng, phiêu lưu mạo hiểm, kinh dị huyền ảo đều không phát triển”.

Theo ông Oystein Torsrud, tiểu thuyết gia trinh thám người Na Uy, sự phát triển của thể loại trinh thám tại Na Uy xuất phát từ những bất ổn trong đời sống xã hội bởi văn học trinh thám chú trọng con người và hướng đến những vấn đề trong xã hội.

Hướng đi cho trinh thám Việt


Các diễn giả nêu, hiện nay số lượng các nhà văn viết trinh thám ngày càng tăng lên, tỷ lệ thuận với sự gia tăng những người đọc trinh thám. Nguyên nhân là do trinh thám hiện đại đã trở nên vô cùng khác biệt với truyền thống truyện điều tra thám tử- tội phạm kinh điển.

“Trinh thám hiện đại không chỉ là những suy đoán logic như trước bởi tội phạm giờ đã cao siêu hơn, không thể chỉ dựa vào những suy đoán từ quần áo, giày dép... để phán đoán, kết luận. Là một người viết trinh thám, Di Li phải nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực về kỹ thuật hình sự, giám định pháp y, luật pháp và luôn cập nhập theo luật mới nhất, những công nghệ... Để hoàn thành một tác phẩm trinh thám thật sự mất rất nhiều thời gian”, nhà văn Di Li nhận định.

Nhà văn Đức Anh cho rằng nhiều nhà văn Việt Nam vận dụng kỹ thuật viết trinh thám của phương Tây khi viết văn, thế nhưng để có tương lai phát triển hơn, văn học Việt Nam cần phát huy thêm yếu tố bản địa. Độc giả trẻ yêu cầu tác phẩm thuần Việt hơn. Như vậy, văn học trinh thám hiện đại vừa phải kết hợp yếu tố bản địa với những kỹ thuật học hỏi được từ phương Tây.

trai-hoa-do-7184.png
Một tác phẩm trinh thám Việt được chuyển thể thành phim.

Ngày nay, một tác phẩm trinh thám bất kỳ đều có thể chuyển tải những giá trị nhân văn mà chỉ mình nó mới có đủ quyền năng phát hiện ra. Yếu tố trinh thám đã được các nhà văn, các nhà làm phim trên khắp thế giới khai thác như một công cụ đắc lực để truyền tải các thông điệp nghệ thuật, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nêu.

Cũng tại buổi Tọa đàm, nhà văn Di Li, nhà văn trinh thám Đức Anh, nhà văn Oystein Torsrud (tiểu thuyết gia trinh thám người Na Uy) đưa ra nhận định về văn học trinh thám trên thế giới, đặc tính cũng như những khác biệt văn hóa làm nên thành công của mỗi nền văn học; đồng thời thảo luận về các chủ đề lý giải tại sao văn học trinh thám ở Việt Nam vẫn còn non trẻ, cũng như sự khác nhau giữa trinh thám Đông và Tây, giữa nền trinh thám hiện đại và truyền thống, khả năng khai thác thế mạnh của thể loại dành cho những người cầm bút ở Việt Nam trong lĩnh vực sáng tác tiểu thuyết nói chung…

Oystein Torsrud là tiểu thuyết gia trinh thám người Na Uy. Ông tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cơ khí và là một kỹ sư hàng hải. Ông bắt đầu sự nghiệp khá muộn khi đã kết thúc công việc của một kỹ sư, tuy nhiên vẫn sở hữu hàng chục đầu sách. Tiêu biểu nhất là bộ truyện xoay quanh- nhân vật cảnh sát điều tra Sivert Olafsen. Các tác phẩm theo chân nhân vật Sivert từ một ông già cáu kỉnh trở thành người cố vấn thân thiện cho những tân binh trẻ tuổi.

Những đầu sách của ông được viết trực tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Na Uy bao gồm Bí ẩn đằng sau cơn bão, Tội ác số, Mariana, Những dữ liệu bị đánh tráo, Âm mưu, Trang trại gió, Thanh tra, Hàng lậu... Đây là lần đầu tiên tác phẩm trinh thám của Oystein Torsrud được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam.