Những thói quen khiến con bạn gù

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 11:45, 05/09/2022

Theo các bác sĩ, đeo cặp quá lệch, ngồi học không đúng tư thế… là những thói quen cực kỳ xấu khiến trẻ bị cong vẹo cột sống.

Thói quen gây cong vẹo cốt sống

Bé Nguyễn Thiện N. (11 tuổi, trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh) được người nhà đưa đến Bệnh viện hữu nghị Việt Đức khám vì bé có biểu hiện cong vẹo cột sống. Theo người nhà của bé N. bố mẹ của bé đi làm ăn xa, con ở nhà với ông bà nội. Cậu bé thường xuyên có biểu hiện người nghiêng sang một bên, đi như chân thấp, chân cao.

Vì ông bà già nên ít để ý tới cháu. Chỉ tới khi thấy vai của cháu một bên cong lên thì gia đình mới thấy bất thường. Khi cho bé đến bệnh viện kiểm tra bác sĩ cho biết cháu bị cong vẹo cột sống tới hơn 50 độ.

Ông bà của N. cho biết cậu bé học bài lúc nào cũng nằm rạp ra bàn, đi học ông bà cũng không để ý cháu mang cặp sách kiểu gì.

Bác sĩ cũng không thể can thiệp mà chỉ cho bé mặc áo định hình. Khi trưởng thành trẻ có thể can thiệp phẫu thuật chữa “gù”.

Tại BV Việt Đức, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận các trường hợp như của bé N. bị cong vẹo cột sống nhưng ít được để ý.

Thống kê, mỗi 100 ca vẹo cột sống có khoảng 30 ca thuộc nhóm tuổi học sinh 10 - 18 tuổi. 

ThS.BS Nguyễn Thụy Song Hà – chuyên gia về y học vận động tại TP.HCM cho biết, vẹo cột sống hay vẹo cột sống thắt lưng là tình trạng cột sống bị cong bất thường sang một bên phải hoặc trái của xương sống thẳng.

Cột sống giúp chống đỡ trọng lực cơ thể, được chia làm 4 đoạn (cột sống cổ, cột sống ngực, cột sống thắt lưng, cột sống cùng) liên kết với nhau bởi một hệ thống dây chằng và cơ chắc chắn. Do đó, khi có vấn đề các thành phần liên đới sẽ gặp nhiều ảnh hưởng.

Những thói quen khiến con bạn gù
Ảnh minh hoạ. 

85% số ca mắc chứng cong, vẹo cột sống có nguyên nhân tự phát ở tuổi vị thành niên. Đa số độ tuổi học sinh đều có nguy cơ mắc vẹo cột sống do các thói quen:

Thứ nhất, trẻ có tư thế ngồi học không đúng, như ngồi gác một chân, chống cằm một bên.

Thứ hai, mang balo, cặp sách quá lệch, sai cách.

Thứ ba, trang bị bàn ghế có kích thước, chiều cao không phù hợp cho trẻ cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ.

BS Hà cho biết ngoài ra, một số trẻ có thể do di truyền, bệnh lý...

Dấu hiệu của cong vẹo cột sống, bác sĩ Hà cho biết, biểu hiện trẻ dốc hai vai không đều, bên thấp bên cao, xương vai nhô cao bất thhường, xương sườn lồi lên, thắt lưng mất cân đối, gai đốt sống không thẳng hàng.

Trường hợp trẻ bị gù, quan sát thấy lưng tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước. Nếu bị ưỡn, phần trên của thân hơi ngả về phía sau, bụng xệ.

PGS.TS Đinh Ngọc Sơn – Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Việc phát hiện gù vẹo sớm, điều trị kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những biến chứng trầm trọng nêu trên.

Vì vậy, khi cha mẹ, người thân của trẻ nắm bắt được cách phát hiện những thay đổi bất thường trong hình dáng, cột sống của trẻ, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều tri kịp thời.

Nếu phát hiện sớm đôi khi trẻ chỉ cần điều trị bảo tồn như thay đổi tư thế ngồi học, tích cực tập vận động, đu xà, tích cực chơi thể thao, mặc áo nẹp chỉnh hình…

Việc điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ ngăn chặn vẹo tiến triển nặng hơn, ngăn chặn được những ca phẫu thuật không đáng có và thay đổi toàn bộ chất lượng cuộc sống của trẻ.

Sử dụng cặp phòng cong vẹo cột sống

Tới mùa tựu trường, bác sĩ Hà lưu ý, cha mẹ không cho con mang balo nặng quá 10% trọng lượng cơ thể. Việc đeo balo quá 10% trọng lượng cơ thể sẽ gây chèn ép đến xương, vai và lưng đồng thời khiến các bộ phận này bị tổn thương. Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh nên kiểm tra thường xuyên về khối lượng của cặp xách để điều chỉnh kịp thời.

Chọn balo thích hợp cho con như các loại balo có trợ lực. Dây đeo nằm ở hai bên, có thể điều chỉnh độ dài phù hợp, rộng và có đệm lót, thoáng khí. Những đặc điểm này giúp phân chia trọng lượng trên vai và tránh cản trở tình trạng tắc nghẽn lưu thông máu và đau vai.

Balo có đệm lót lưng nó có chức năng thoáng khí tránh đau lưng, đặc biệt trong những ngày nắng nóng, kích thước vừa vặn với thân hình của trẻ.

Cha mẹ nhắc con không nên đeo balo, cặp sách một bên vai. Balo cần được đeo thẳng và sát với cột sống, đáy balo chạm vào trên thắt lưng. Người dùng có thể cố định phần quai đeo theo đúng vị trí thông qua khóa điều chỉnh ở phần quai dưới.

Đeo balo đúng cách giúp lưng thẳng tự nhiên, đầu và cổ không cần vươn về phía trước để duy trì sự cân bằng của cơ thể.

Do đó, trẻ sẽ không bị đau vai, đau lưng hay trẹo cổ. Ngoài ra, phần đáy của balo rơi xuống phía trên thắt lưng giúp giảm tải khối lượng chèn ép lên cột sống, truyền một phần lực cho đùi và bắp chân.

Khánh Chi