Danh ca Bảo Yến, Tấn Sơn hát về tình yêu thành phố nhân ngày Quốc khánh

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 14:49, 03/09/2022

Sau hai năm dịch bệnh với nhiều mất mát để lại, nhân ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9, , ca sĩ Tấn Sơn phát hành MV “Phố phôi phai” qua giọng hát của Bảo Yến và được hòa âm bởi Cà Pháo, con trai nữ danh ca.

MV Phố phôi phai do Bảo Yến thể hiện, Tấn Sơn sáng tác và Cà Pháo (con út Bảo Yến - Quốc Dũng) hoà âm:

MV Phôi pha - Bảo Yến

Ca sĩ chia sẻ: Tấn Sơn đã gắn bó với Sài Gòn hơn 35 năm từ ngày vào đại học. Biết bao nhiêu buồn vui, thăng trầm, kỷ niệm in dấu từng con phố, từng ngôi trường, từng ánh mắt, vòng tay bè bạn, người thân. Khi nhìn thấy Sài Gòn nằm im, bất động trong ánh đèn vàng thoi thóp, tôi cảm thấy như một người thân trong cơn đau nặng. Và với sự chia sẻ của con trai từ phương xa, tôi đã viết ra ca khúc này trong một đêm khó ngủ”. 

300381063_7004305822917753_1716435675433506579_n.jpeg
Tấn Sơn hợp tác với mẹ con Bảo Yến trong MV Phố phôi phai

Lâu nay, mọi người vẫn thường biết đến Tấn Sơn qua việc thể hiện những khúc hát nhạc Trịnh. Giọng ca ấm áp, trữ tình của anh đã đi vào lòng nhiều khán giả yêu mến nhạc Trịnh và được biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, khi đảm nhận vai trò sáng tác, Tấn Sơn lại cho thấy một hình ảnh khác.

Nhiều năm trước, một Chiếc gối với thông điệp đầy yêu thương dành cho du học sinh xa nhà trong những ngày xuân cận kề. Nay Tấn Sơn lại mang đến một Phố phôi phai với nỗi niềm thương cảm dành cho nơi chốn Sài Gòn quen thuộc.

z3580200341506_c0ba69fd1ca00b59b282025c604c6826.jpg
Tấn Sơn vốn được yêu mến từ các ca khúc nhạc Trịnh

Mở đầu Phố phôi phai là những nốt trầm ngân nga, kéo dài như những khoảng lặng mà chúng ta phải trải qua khi dịch bệnh vừa kéo đến. Giai điệu bài hát mang đến cảm giác vừa gợi mở, vừa hồi tưởng. Điểm trên đó là những ca từ trĩu nặng tâm sự được thể hiện qua giọng ca của ca sĩ Bảo Yến:

Một chiều về trên phố phôi phai

chiều vàng dần nhạt nắng trên vai

bờ vai đã xa, những bôn ba một thời vội vã

Thẫn thờ nhìn thành phố lên đèn, mỏi mòn tìm một bóng dáng quen

người quen chốn xưa, dưới hiên mưa, ngóng ai thêm thừa”

Tấn Sơn không chọn kể những điều lớn lao, anh nhìn cuộc sống một cách chậm rãi, sau đó rút ra những chiêm nghiệm. Rồi từ những chiêm nghiệm biến hóa thành ca từ,  đi vào lòng người một cách êm ái. 

“Một thời tuổi xuân, bâng khuâng con phố áo bay say tình

Một mùa hạ xinh, lung linh hoa nắng trắng trong hồn nhiên

Một chiều bình yên, công viên ghế đá, giờ xa xa quá

Đã xa rồi, vắng xa rồi, đã quên rồi

đã quên…”.

z3580218969167_db189c9c6b01d37d078745ff0616abc3.jpg
Một Sài Gòn thân thương hiện lên sau mất mát

Trên nền giai điệu giàu chất hồi tưởng, danh ca Bảo Yến đã đưa vào đó chút phiêu lãng mà suy tư của một giọng hát lắng đọng theo năm tháng. Một chất giọng đặc biệt không thể lẫn đi đâu được. Chính độ sâu trong giọng hát của ca sĩ Bảo Yến đã giúp cho bài hát nhuốm một màu trầm buồn nhưng rất đẹp.

Nói một chút về cơ duyên hợp tác cùng danh ca Bảo Yến, Tấn Sơn cho biết: “Bảo Yến là một trong những giọng ca tôi rất ấn tượng, hâm mộ và yêu mến từ rất lâu. Khi viết bài hát này Tấn Sơn chỉ nghĩ để cho riêng mình và hát cho bạn bè nghe. Một lần tình cờ Cà Pháo (con trai chị Bảo Yến) đến thăm và nghe tác phẩm rất say mê nên hứa sẽ hòa âm bài này và hai chú cháu bàn nhau sẽ mời ca sĩ Bảo Yến tham gia. Rất may mắn là chị Bảo Yến quan tâm và đồng ý tham gia dự án này khi nghe bản demo. 

Khi nghe bản thu của chị Bảo Yến với hòa âm của Cà Pháo tôi đã lặng người vì quá hay, quá hợp. Cám ơn chị Bảo Yến và Cà Pháo rất nhiều vì đã cùng tôi chia sẻ cảm xúc của một người yêu Sài Gòn”.

Bảo Yến cho rằng việc hợp tác cùng ca sĩ Tấn Sơn là một “nhân duyên thú vị”. Khi thể hiện Phố phôi phai, đó không chỉ là cách chị biểu đạt một Sài Gòn trong ký ức của Tấn Sơn mà còn là phần đồng cảm về Sài Gòn mà chị từng trải qua. 

Ngoài ra, khi chứng kiến nhiều người đột ngột ra đi không lời hẹn trước trong thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp, ca sĩ Bảo Yến cũng không khỏi xót xa:

“Mặc dù rất buồn và đau lòng trước những cảnh chết chóc của những người ra đi đột ngột vì dịch bệnh, nhưng bản thân cảm thấy bất lực trước những sự chia lìa đau đớn ấy. Cầu nguyện cho thế giới mau chấm dứt đại dịch và cầu nguyện cho thế giới không bị hạn hán và lũ lụt, để cuộc sống của những người có mặt trên trái đất này được muôn vàn hạnh phúc và bình an. Phố sẽ không còn phôi phai, phố sẽ bình yên và tươi vui”.

Đặc biệt hơn, họa sĩ Lê Sa Long sau khi nghe về dự án đã quyết định tặng những bức tranh về Sài Gòn để làm hình nền cho lyric video Phố phôi phai. Bộ tranh được anh thực hiện trong thời kỳ giãn cách xã hội và nhận được nhiều sự yêu thích từ phía cộng đồng.

An Nhiên