Đa vũ trụ trong lòng bàn tay

Dòng chảy - Ngày đăng : 13:45, 03/09/2022

Vấn đề không phải đa vũ trụ có thực sự tồn tại hay không vì điều này khoa học vẫn chưa chứng minh được, mà theo một nghĩa nào đó, hiện tại mỗi con người trên Trái đất đều đang nắm đa vũ trụ ngay trong lòng bàn tay của mình - một chiếc smartphone kết nối Internet.

"Chào mừng đến với internet. Hãy nhìn xung quanh đi. Ở đây có bất cứ thứ gì mà bộ não của bạn có thể nghĩ ra”.

Đây là lời mở đầu của bài hát Welcome to the Internet trong tác phẩm hài độc thoại đặc biệt Inside của Bo Burnham. Đúng là không có gì không thể tìm thấy trên Internet. Chỉ cần chiếc điện thoại có kết nối Internet trên tay, con người ta có quyền năng truy cập mọi thông tin xảy ra khắp mọi ngóc ngách trên thế giới trong tích tắc, điều mà những người thời xa xưa để làm được phải mất khoảng thời gian tính bằng năm trời. Tôi thấy bản thân điều này thật kì quặc, dù đó là điều đáng mừng vì nhân loại đã thật sự phát triển vượt bậc qua thời gian, nhưng vẫn đem lại cho tôi cảm giác không thực khi nghĩ về nó. Đây cũng chính là một trong những cảm giác mà bộ phim Everything Everywhere All at Once (2022, Mọi thứ mọi nơi ở cùng một thời điểm) muốn truyền tải.

Phim của bộ đôi đạo diễn kiêm biên kịch Daniel Kwan-Daniel Scheinert lấy đề tài đa vũ trụ vô tận. Nhân vật chính là Evelyn, một phụ nữ trung niên người Mỹ gốc Á luôn cảm thấy cuộc đời bà là một chuỗi những thất bại và nỗi thất vọng, được trao quyền năng du hành đa vũ trụ để đối đầu với ác nhân Jobu Tupaki - cũng chính là con gái của bà ở một vũ trụ khác. Bộ phim đánh vào những nỗi sợ bên trong của mỗi người, đó là nỗi sợ không sống đúng với những tiềm năng của bản thân, nỗi sợ thất bại, hay nỗi sợ phải so sánh với thành công của người khác, trong đó nổi bật nhất là cảm giác vô định, nhỏ bé và lạc lõng của một con người được đặt trong quy mô đa vũ trụ vô tận. Điều này khiến nhân vật trong phim, lẫn khán giả phải tự vấn, rằng ta sống và cố gắng có nghĩa lí gì, bởi mọi thứ ta làm đều quá nhỏ bé với khoảng không vũ trụ vô tận này? Đặc biệt khi mà mỗi con người trên Trái Đất đều đang nắm đa vũ trụ ngay trong lòng bàn tay của họ - một chiếc smartphone.

Những người ở thế hệ millennials (1981-1996) và đầu thế hệ Z (1997-2012) vẫn có một tuổi thơ không Internet, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, đối với trẻ em thuộc khoảng sau của thế hệ Z và thuộc cả thế hệ alpha (thế hệ nối tiếp thế hệ Z) thì Internet có thể được xem như là người phụ huynh thứ ba, thống trị và điều chỉnh cuộc đời của những đứa bé ngay từ thuở sơ sinh. Internet đã trở thành “thực thể” quyền năng như một vị chúa toàn trí. Cách làm bánh nướng phô mai? Có. Hướng dẫn hack mật khẩu máy tính? Có. Chuyện phiếm nhà Kardashians? Có luôn. Đoạn video quay cảnh khủng bố chém đầu tù nhân? Có ngay lập tức.

Bây giờ một đứa trẻ với chiếc iPad trên tay thôi cũng đã có khả năng truy cập số lượng kiến thức nhiều hơn hẳn so với tổ tiên của chúng tìm kiếm cả đời. Là điều tốt, bởi con người không còn phải tốn nhiều thời gian và công sức cho việc tiếp thu kiến thức và thông tin toàn cầu. Song, bộ não con người, nhất là với trẻ em, không được thiết kế để tiếp nhận luồng thông tin và nội dung vô hạn với đủ thứ chủ đề ập tới cùng một lúc.

2-da-vu-tru-trong-long-ban-tay-voi-inside-cua-bo-burnham-5615.jpg
Đa vũ trụ trong lòng bàn tay, với Inside của Bo Burnham

Kiến thức và thông tin mới không chỉ là những thứ duy nhất đập vào bộ não của chúng ta hằng ngày thông qua Internet, mà ta còn phải tiếp nhận kèm theo đó là những quan điểm của mỗi người về các thông tin trên. Ai cũng có một lập trường quan điểm lẫn niềm tin riêng về mỗi một vấn đề. Hậu quả là khi ta tiếp nhận quá nhiều quan điểm đối lập với nhau thì tâm lý của ta sẽ bị mắc kẹt lại trong một trạng thái quá tải. Việc phải cố gắng tiếp nhận mọi thứ quan điểm khác nhau một cách khách quan nhất, dễ khiến ta không biết đâu là niềm tin vững chắc của bản thân mình.

Internet là một vùng đất số lãnh đạm và luôn biết cách làm con người ta cảm thấy kích thích với dòng chảy “content” vô hạn. Dòng chảy này luôn cố tìm mọi cách để thuyết phục người ta rằng chúng rất quan trọng và ta không nên bỏ lỡ chúng, tạo cho người dùng cảm giác FOMO (Fear Of Missing Out - Sợ bị bỏ lỡ).

Loài người trên hành tinh phân bổ trên nhiều lục địa khác nhau, mỗi lục địa lại có từng quốc gia với thể chế chính trị và phong tục xã hội khác nhau. Chính sự khác biệt này khiến cho một người ở Việt Nam thấy cuộc sống của người ở Đức hay Thuỵ Sĩ như đang ở một thế giới khác hoàn toàn. Trong khi không ai trong chúng ta sẽ có cơ hội khám phá mọi quốc gia, gặp gỡ với mọi con người trên bề mặt địa cầu. Điều này khiến cho việc xem một câu chuyện về cuộc sống của con người ở phía bên kia địa cầu có thể được ví như việc ta đang nhìn vào một đa vũ trụ vô tận thông qua chiếc điện thoại thông minh của mình.

“Mạng Internet đã bắt đầu tạo ra những vũ trụ xen kẽ nhau,… Lần đầu tiên trong đời chúng tôi mới thực sự nhận ra Internet có thể đáng sợ tới mức nào, đi từ sự tiện ích của công nghệ cho tới sự kinh khủng đến từ công nghệ. Tôi nghĩ bộ phim này chính là cách chúng tôi cố vật lộn với sự hỗn loạn đó”, bộ đôi tác giả kiêm đạo diễn Daniels bộ phim nêu trên thừa nhận.

1-evelyn-wang-voi-da-vu-tru-trong-everything-everywhere-all-at-once-4157.jpg
Evelyn Wang với đa vũ trụ trong Everything Everywhere All at Once

Trong Everything Everywhere All at Once, tâm trí của Evelyn được ví như một chiếc chum nước bằng đất sét, bà càng du hành đa vũ trụ nhiều thì chiếc chum nước càng bị rạn nứt cho tới khi vỡ ra. Nước tràn hết ra ngoài, đồng nghĩa với việc tâm trí của Evelyn rơi vào trạng thái hư vô và cảm thấy mọi thứ đều vô nghĩa. Với cách so sánh trên, bộ đôi đạo diễn đã khắc họa chính xác tâm trí của chúng ta khi bị rơi vào tình trạng ngập chìm trong dòng chảy thông tin, ý tưởng, quan điểm vô tận trên mạng xã hội. Làn ranh giữa thực và ảo mờ nhòa đi, không có gì là sự thật, và không có gì là thực sự quan trọng nữa. Đó chính là điều làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý), khuynh hướng tự sát ở người trẻ tăng cao,...

May mắn thay, trái ngược với tình trạng hỗn mang xảy ra trong phim, Everything Everywhere All at Once có cái kết yên tĩnh dù có một chút khuynh hướng khắc kỷ. Evelyn và Joy/Jobu Tupaki đã chấp nhận sự nhỏ bé của bản thân giữa đa vũ trụ vô tận hỗn loạn và trân trọng những thứ họ có trong cuộc đời tầm thường của mình. Để biết điều gì là quan trọng trong đa vũ trụ vô nghĩa, và tìm thấy niềm vui trong việc mặc kệ những thứ xảy ra trong cuộc đời người khác, nói cách khác là JOMO (Joy Of Missing Out - Không sợ bị bỏ lỡ).

Trong cuốn The Shallows: What the Internet Is Doing to Our Brains (Internet đang làm gì với bộ não của chúng ta), Nicholas G. Carr viết rằng Internet khiến con người mất đi khả năng tập trung lâu dài, đồng thời tạo cảm giác hối hả và quá tải khi tiếp nhận quá nhiều thông tin cùng lúc. Điều đó tạo ra ảo tưởng rằng ta biết được nhiều điều nhưng thực ra đó không phải là sự am hiểu.