Toàn thân bịt kín, xông vào chốn ‘tử thần’ lấy nhộng

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 19:24, 01/09/2022

Ong vò vẽ được xem là loài ong “tử thần” nếu bị chúng tấn công. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Thanh Chương và Yên Thành (Nghệ An) lại liều lĩnh vào rừng bắt cả trăm tổ về nuôi trong vườn.

Về Nghệ An, chị Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Hoà (huyện Thanh Chương) dẫn chúng tôi đi tham quan vườn nuôi ong vò vẽ của gia đình anh Nguyễn Tư Huy (SN 1979, trú xóm Yên Hoà).

Chỉ tay vào hàng chục tổ ong vò vẽ treo khắp vườn tràm, anh Huy cho biết, năm nay gia đình anh nuôi khoảng 70 tổ ong vò vẽ và là năm thứ 3 nuôi ong lấy thịt (con nhộng).

Để có ong nuôi, hàng năm, cứ vào giữa tháng 4, anh Huy đi khắp các khu rừng trong và ngoài huyện để tìm ong. Những tổ ong bằng cái chén, cái bát ăn cơm được anh cắt về nuôi, làm “nhà” cho chúng dưới tán tràm quanh vườn.

Các tổ ong vò vẽ treo khắp vườn tràm, được anh Huy nuôi để lấy nhộng bán

“Ong vò vẽ rất dễ nuôi bởi chúng tự đi kiếm thức ăn trong tự nhiên. Nếu mình muốn tổ nhanh lớn, nhiều nhộng con hơn thì có thể cho chúng ăn thêm thịt lợn sống”, anh Huy tâm sự.

Nuôi được khoảng một tháng, các tổ ong bắt đầu cho thu hoạch. Để lấy tổ ong trong vườn, người nuôi ong thường phải sử dụng bộ đồ nhái che kín toàn thân. Thời gian thu hoạch kéo dài từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 8.

“So với tổ ong rừng, ong vò vẽ nuôi trong vườn thường có tổ nhỏ hơn. Mỗi tổ khi thu hoạch có trọng lượng từ 1,5-3kg. Trung bình mỗi ký tổ ong thu được 0,7 kg nhộng ong. Số nhộng này được thương lái tới thu mua tại nhà là 180.000 đồng/kg”, anh Huy chia sẻ.

Anh Huy cho hay, năm ngoái, gia đình anh nuôi gần 120 tổ ông vò vẽ, cho thu nhập từ 30-35 triệu đồng. Nhưng năm nay, thời tiết thay đổi thất thường nên số lượng ong đóng tổ ít hơn rất nhiều.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Hoà thông tin, hiện toàn xã có 15-20 hộ nuôi ông vò vẽ, mỗi hộ nuôi từ vài chục đến cả trăm tổ.

“Loài ong này rất hung dữ, có thể đốt người dẫn đến tử vong, do vậy địa phương khuyến cáo bà con cần cẩn trọng trong quá trình nuôi. Để đảm bảo an toàn cho người nhà và người dân xung quanh, khu vực nuôi ong cần tránh được rào kín, có cửa đóng mở khi cần”, bà Oanh cho hay.

Hiện nay, ngoài huyện Thanh Chương, Yên thành, một số huyện miền núi Nghệ An như Nghĩa Đàn, Tân Kỳ,... cũng có nhiều hộ gia đình nuôi loài ong dữ này.

Ong vò vẽ vây kín người khi thu hoạch hoặc tiến lại gần
Tổ ong vò vẽ nằm kín trong bụi cây
Tổ ong phát triển ngày càng lớn, số lượng ong con ngày càng nhiều
Người nuôi ong sử dụng bộ đồ nhái được làm bằng vải bạt, vải bò có mũ trùm kín mít phần đầu để bắt sống ong
Ong vò vẽ vây quanh người khi bị phá hỏng tổ
Tổ ong vò vẽ có nhiều nhộng sau khi thu hoạch
Nhộng ong là thực phẩm bổ dưỡng, có thể chế biến thành các món ăn ngon được nhiều người ưa thích

Trần Tuyên