Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-New Zealand: Thúc đẩy phục hồi toàn diện, lấy kinh tế là trọng tâm

Đối ngoại - Ngày đăng : 22:00, 31/08/2022

Trên nền tảng sẵn có của quan hệ Đối tác chiến lược, cũng như các hiệp định quan trọng như AANZFTA, RCEP, ASEAN-New Zealand đang hướng tới những mục tiêu cao hơn trong quan hệ, đặc biệt là hợp tác kinh tế.
Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-New Zealand: Thúc đẩy phục hồi toàn diện, lấy kinh tế là trọng tâm
ASEAN và New Zealand thiết lập Đối tác chiến lược năm 2015. (Ảnh: ND)

Tại Đối thoại ASEAN-New Zealand lần thứ 29 được tổ chức theo hình thức trực tuyến tháng 4 vừa qua, Trưởng SOM New Zealand Mark Sinclair đã bày tỏ sự coi trọng mối quan hệ lâu đời trải qua gần 5 thập kỷ với ASEAN, tái khẳng định cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, đề cao chủ nghĩa đa phương và tiếp tục tích cực hợp tác thông qua các cơ chế do ASEAN chủ trì tại khu vực.

Về phần mình, các nước ASEAN đánh giá New Zealand là một trong những Đối tác chiến lược quan trọng của ASEAN, có nhiều đóng góp hiệu quả đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Hợp tác toàn diện

Quan hệ ASEAN-New Zealand được thiết lập năm 1975. New Zealand là thành viên Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF). Trong các diễn đàn, New Zealand đều bày tỏ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Hai bên thiết lập Đối tác chiến lược năm 2015, tổ chức Cấp cao Đặc biệt tháng 11/2020, thông qua Tuyên bố chung về Tầm nhìn của các nhà Lãnh đạo ASEAN-New Zealand, Kế hoạch Hành động 2021-2025 và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

ASEAN-New Zealand chưa có khuôn khổ họp Hội nghị Cấp cao định kỳ như phần lớn đối tác đối thoại của ASEAN. Quan hệ ASEAN-New Zealand được thúc đẩy chủ yếu qua các cuộc họp thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Quan chức cao cấp (SOM), và Ủy ban Hợp tác chung (JCC).

Ngoài ra, hai bên còn có một số cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng về kinh tế, SOM và cấp làm việc trong các lĩnh vực chuyên ngành như quốc phòng, phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.

Trong lĩnh vực phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, hai bên hợp tác thông qua việc thực hiện Tuyên bố chung ASEAN-New Zealand về chống khủng bố quốc tế (năm 2005) và cơ chế tham vấn cấp Quan chức cao cấp ASEAN-New Zealand về tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC).

Hai bên cũng hợp tác trong các lĩnh vực giải trừ quân bị, kiểm soát vũ khí và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, quản trị tốt, thúc đẩy quyền con người…

ASEAN và New Zealand không có quỹ hợp tác chung. Những đóng góp của New Zealand cho ASEAN được hỗ trợ thông qua Cơ quan phụ trách phát triển quốc tế của New Zealand (NZAID).

ASEAN hoan nghênh New Zealand đóng góp tích cực cho duy trì hòa bình, ổn định an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, mong muốn New Zealand ủng hộ các nỗ lực đề cao luật pháp quốc tế, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm1982.

Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-New Zealand: Thúc đẩy phục hồi toàn diện, lấy kinh tế là trọng tâm
Đối thoại ASEAN-New Zealand lần thứ 29 tháng 4/2022. (Ảnh: ND)

Tận dụng lợi thế

Hợp tác kinh tế ASEAN-New Zealand phát triển khá tích cực và ổn định trong những năm gần đây. Năm 2020, tổng giá trị thương mại hàng hóa hai chiều đạt 11,08 tỷ USD, đứng vị trí thứ 11 trong các đối tác của ASEAN.

Đầu tư FDI từ New Zealand vào ASEAN đạt 221,05 triệu USD năm 2020, đứng thứ 10 trong số các đối tác. Trước đại dịch Covid-19, lượng du khách từ New Zealand sang các nước ASEAN đạt gần 600.000 lượt trong năm 2019.

New Zealand cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, tăng cường tính bổ trợ giữa các mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN năm 2025 và Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030.

Trong khuôn khổ Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI), New Zealand đang xem xét duyệt một dự án hỗ trợ đăng ký kinh doanh ở Campuchia, Lào và Myanmar. New Zealand dành 224,6 triệu Dollar New Zealand (NZD) hỗ trợ các nước ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển.

Thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, New Zealand cũng đã nỗ lực hỗ trợ ASEAN vượt qua đại dịch. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-New Zealand kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác được tổ chức dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN-37 và các Hội nghị liên quan (tháng 11/2020), New Zealand công bố đóng góp 1 triệu NZD cho Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19; hỗ trợ 24,6 triệu NZD cho ứng phó dịch bệnh và 24 triệu NZD tăng cường năng lực tự cường về kinh tế cho một số nước ASEAN (Indonesia, Campuchia, Philippines và Myanmar); đóng góp 10 triệu NZD trong vòng 5 năm cho hợp tác nông nghiệp thích ứng khí hậu; hỗ trợ 5 triệu NZD cho hợp tác Mekong.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-New Zealand bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 tháng 8/2021, ngoài nhắc lại các khoản hỗ trợ trước đó, New Zealand tuyên bố hỗ trợ 29 triệu NZD cho ASEAN ứng phó và giải quyết các tác động của dịch bệnh, trong đó dành 17 triệu NZD hỗ trợ cung ứng vaccine đồng đều trong khu vực.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-New Zealand được tổ chức nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 4/8 vừa qua đã đưa ra phương hướng hợp tác quan trọng trong hợp tác ASEAN-New Zealand thời gian tới.

Theo đó, hai bên nhất trí thúc đẩy phục hồi toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó lấy kinh tế làm động động lực chính, trên cơ sở Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định RCEP tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.

Phương Hà