Đặc sắc lễ hội “Đầm An Khê sóng hát”
Du lịch online - Ngày đăng : 12:52, 31/08/2022
Đây là lần đầu tiên thị xã Đức Phổ tổ chức Lễ hội đầm An Khê với nhiều hoạt động phong phú như múa lân sư rồng, đua ghe truyền thống, hội chợ ẩm thực, trò chơi dân gian, văn nghệ... Lễ hội thu hút hơn 1.000 người dân đến xem, cổ vũ.
Từ sáng sớm, người dân địa phương và du khách đã có mặt tại khu vực đầm An Khê để xem múa lân sư rồng, cầu mong may mắn, bình an, thịnh vượng. Tiếp đó là chương trình đua ghe truyền thống trên đầm An Khê với sự tham gia của 18 đội; trong đó có 12 đội tham gia nội dung đôi nam và 6 đội nội dung đôi nam, nữ.
Chương trình nghệ thuật “Âm nhạc đồng hành cùng đất nước” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi thực hiện với những tiết mục ngợi ca về đất nước Việt Nam, về quê hương Quảng Ngãi. Mười tiết mục của chương trình là sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc truyền thống và hiện đại, đặc biệt là các làn điệu dân ca truyền thống của vùng đất Quảng Ngãi do các nhạc sĩ của tỉnh sáng tác và được dàn dựng công phu bởi Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh cùng sự phối hợp của Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao thị xã Đức Phổ.
Để phục vụ người dân và du khách, tại lễ hội, Đoàn thanh niên xã và Trường Tiểu học Phổ Khánh đã tổ chức hội chợ với các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm, sản vật của địa phương như trái cây, đồ gốm, đồ lưu niệm... Các trò chơi dân gian náo nhiệt, hấp dẫn cũng trở thành dấu ấn đậm nét tại lễ hội, góp phần tái hiện đời sống văn hóa dân gian của người dân Phổ Khánh xưa.
Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tặng 10 suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn xã, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng; tặng 2 nhà tình nghĩa cho người có công với số tiền 100 triệu đồng/nhà; tặng 2 ti vi cho trường học.
Đầm An Khê là đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Đầm có diện tích mặt nước 347 ha, chiều dài nhất đo được 3,5 km, chiều rộng nhất chừng 1 km. Về mặt khảo cổ học, châu tuần quanh khu vực đầm An Khê là những di chỉ rất có giá trị của nền văn hóa Sa Huỳnh: Phú Khương, Thạnh Đức và Long Thạnh. Theo các nhà nghiên cứu, đầm An Khê là mắt xích quan trọng nhất trong quá trình phát sinh, phát triển và lan tỏa của văn hóa Sa Huỳnh trong quá khứ. Nơi đây là nguồn cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt, khai thác thủy sản và sản xuất nông nghiệp của cộng đồng cư dân Sa Huỳnh cổ. Vì vậy, cụm di tích khảo cổ và không gian sinh tồn của văn hóa Sa Huỳnh tại khu vực đầm An Khê là những yếu tố không thể thiếu trong việc nhận diện văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi nói riêng và nền văn hóa Sa Huỳnh nói chung.
Đinh Hương