Sức ép đối với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:40, 19/08/2022

Tình trạng thiếu hụt lao động đang tạo sức ép đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ.

Trong một bài viết mới đây, trang mạng Defense News cho biết, lãnh đạo các doanh nghiệp quốc phòng Mỹ liên tục nhấn mạnh tới những thách thức do tình trạng thiếu nhân lực gây ra, trong đó có việc khó hoàn thành nhiều dự án quan trọng và doanh thu sụt giảm.

Một số “ông lớn” trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động đến hết năm 2022.

Theo Defense News, các nhà thầu quốc phòng Mỹ, từ Raytheon Technologies cho đến Northrop Grumman, đều dự báo cơ hội “hốt bạc” trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhân lực và gián đoạn chuỗi cung ứng đang đặt ra câu hỏi liệu rằng các doanh nghiệp quốc phòng Mỹ có thể đáp ứng được “nhu cầu cấp bách” hay không?

Ông Greg Hayes, Giám đốc điều hành của Raytheon Technologies cho biết, tập đoàn này hoàn toàn bị động khi số lượng người lao động vốn được cho nghỉ việc tạm thời hồi đầu năm 2022 đã không quay trở lại làm việc như mong đợi.

Tỷ lệ người lao động của Raytheon Technologies quay trở lại làm việc trước kia thường đạt 75% nhưng hiện chỉ đạt 25%. Ông Hayes ví von thực trạng này là “ngọn đồi phải leo qua”. “Tôi không muốn nói điều này nhưng điều duy nhất có thể sẽ giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động chính là suy thoái kinh tế vì hiện không có đủ người để làm việc”, Defense News dẫn lời ông Hayes.

Các nhân viên làm việc tại Pratt & Whitney, một công ty con của Tập đoàn Raytheon Technologies. Ảnh: waff.com

Theo ông Hayes, việc hoàn thành các hợp đồng đúng thời hạn có thể là một thách thức với Raytheon Technologies khi thời gian sản xuất đối với các nhà cung cấp của tập đoàn này đang tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước kia do thiếu nguyên vật liệu và lao động có tay nghề. Tình trạng thiếu nhân lực cũng buộc Tập đoàn Northrop Grumman phải mở rộng phạm vi tuyển dụng sang những lao động ít tay nghề hơn và mất thêm thời gian để đào tạo họ.

“Chúng tôi có lực lượng lao động cần thiết nhưng không hiệu quả bằng trước kia và điều đó gây thêm nhiều gián đoạn cho chúng tôi”, bà Kathy Warden, Giám đốc điều hành của Northrop Grumman chia sẻ với Defense News. Trong khi đó, “gã khổng lồ” đóng tàu Huntington Ingalls Industries (HII) có kế hoạch tuyển dụng 5.000 lao động mới trong năm 2022 nhưng cho đến nay mới chỉ tuyển được 2.000 người.

Theo ông Chris Kastner, Giám đốc điều hành của HII, công ty đang “lấp đầy” khoảng trống nhân lực bằng việc sử dụng lao động thời vụ cộng với lực lượng lao động hiện có sẵn sàng tăng ca. Thế nhưng, khả năng chi phí gia tăng từ biện pháp này cũng chính là “rủi ro lớn nhất” của HII.

Ông Byron Callan, Giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu Capital Alpha Partners cho rằng các doanh nghiệp quốc phòng như Raytheon Technologies hay Northrop Grumman đáng lẽ ra phải có sự chuẩn bị tốt hơn bởi tình trạng thiếu hụt lao động vốn không phải là vấn đề mới của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi các doanh nghiệp quốc phòng Mỹ phải chi tiêu nhiều hơn cho công tác tuyển dụng, giữ chân và đào tạo người lao động. “Các “ông lớn” này đã gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động từ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Vì vậy, nếu họ cho rằng vấn đề sẽ tự động được giải quyết thì họ đã nhầm. Có lẽ họ đã quá quan tâm tới lợi nhuận mà không có những bước đi chủ động nào để khắc phục”, ông Callan nêu rõ.

Trên thực tế, không chỉ riêng ngành công nghiệp quốc phòng, nhiều công ty trong các lĩnh vực khác tại Mỹ đang phải đối mặt với tình cảnh thiếu nhân lực trầm trọng. Các thông báo tuyển dụng xuất hiện ngày một nhiều trên khắp nước Mỹ. Nhiều lao động đã không quay lại thị trường việc làm kể từ khi làn sóng Covid-19 đầu tiên tàn phá nền kinh tế Mỹ hồi đầu năm 2020. Câu hỏi đặt ra là những người này đã đi đâu?

Theo AFP, hàng triệu người Mỹ chỉ đơn giản là quyết định nghỉ hưu sớm sau thời gian đại dịch vì lo lắng về sức khỏe cũng như đã tích lũy đủ tài sản để rời khỏi thị trường lao động khi chứng khoán phát triển mạnh và giá bất động sản tăng cao.

Thêm vào đó là dân số Mỹ tiếp tục già hóa. Ngoài ra, tác động của đại dịch cùng những biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã làm giảm đáng kể số lượng người nước ngoài nhập cư vào Mỹ. “Chúng ta không có đủ người nhập cư để thay thế lượng lao động thuộc thế hệ “baby boomer”-những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số sau Chiến tranh thế giới thứ hai-đã nghỉ hưu”, ông Nick Bunker, chuyên gia về thị trường lao động của trang web giới thiệu việc làm Indeed nói với AFP.

Phòng Thương mại Mỹ lại cho rằng các chính sách hỗ trợ hào phóng của chính phủ nước này trong thời kỳ đại dịch đã giúp “tăng cường sự ổn định kinh tế của người dân, cho phép họ tiếp tục đứng ngoài lực lượng lao động”. Cùng với đó là xu hướng nhiều người lao động nghỉ việc để “tìm kiếm những cơ hội tốt hơn”, một bộ phận vẫn còn lo lắng về dịch bệnh tại nơi làm việc hoặc muốn nâng cao trình độ trước khi “tái gia nhập” thị trường lao động.

HOÀNG VŨ