Bộ trưởng Văn hoá: Có hiện tượng nhiễu loạn, 'vàng thau' lẫn lộn trong hưởng thụ văn hóa

Dòng chảy - Ngày đăng : 21:30, 11/08/2022

Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng vừa có báo cáo gửi đại biểu về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
8-8-vh-1299.jpeg
Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng

“Nhờn cảm xúc”, thái độ vô cảm, vì sao?

Liên quan đến giải pháp ngăn chặn xuống cấp đạo đức và văn hoá ứng xử, Bộ trưởng cho biết, thực tế thời gian qua đã có các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, thị trường lại thu hút được một bộ phận người xem quan tâm, sự nhiễu loạn “vàng thau” lẫn lộn trong hưởng thụ văn hóa đáng được quan tâm.

Bộ VHTT&DL đã đánh giá và thẳng thắn chỉ ra các khó khăn, vướng mắc thuộc về thể chế và nguồn lực, các tồn tại, hạn chế về công tác tham mưu, quản lý nhà nước của ngành, đồng thời phát hiện, nhận thức sâu sắc hơn về các thách thức. Điển hình như những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tới ngành văn hóa, thể thao và du lịch; môi trường văn hóa còn diễn biến phức tạp, có biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, xuống cấp về đạo đức, lối sống…

“Một số công trình nghiên cứu về văn hóa đã chỉ ra rằng, nguyên nhân sâu xa nhất của hiện tượng này là “sự đứt gãy với các giá trị tốt đẹp của truyền thống, rằng chúng ta đang ở vào “thời kỳ quá độ” khi các giá trị của xã hội tiểu nông bị giải thể, mà các giá trị của thời đại mới, thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa được định hình vững chắc”, Bộ trưởng lý giải.

Cùng với đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự tác động của quá trình hội nhập quốc tế dường như thúc đẩy lối sống chạy theo vật chất, đồng tiền, đề cao các giá trị hình thức bề ngoài. Do vậy, nhiều người, đặc biệt là một bộ phận giới trẻ bị cuốn theo những gì phù phiếm bề nổi, mà coi nhẹ các giá trị thực chất, bên trong. Nếu các tổ chức, cá nhân không có đủ nội lực văn hóa, bản lĩnh văn hóa sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa bên ngoài “chi phối”.

“Tinh thần “lấy cái đẹp để dẹp cái xấu” chưa được thực hiện nghiêm túc, những thông tin tích cực, gương người tốt việc tốt chưa được truyền thông mạnh mẽ, trong khi các tin bài giải trí thông tục, giật tít, câu view có tần suất gia tăng, ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, thị hiếu, thẩm mỹ của công chúng, dẫn tới tình trạng “nhờn cảm xúc”, thái độ vô cảm trong xã hội hiện nay”, ông Hùng cho hay.

Sức mạnh của giá trị văn hóa đó là trước đại dịch

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đánh giá một cách tổng thể và khái quát, trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam thời gian qua, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy trong mọi lĩnh vực của đời sống.

“Một thực tế sống động để thấy sức mạnh của giá trị văn hóa đó là trước đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến nước ta, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, nhưng nhờ phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đó là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, là sự đoàn kết một lòng, là tinh thần yêu nước tương thân, tương ái, “mình vì mọi người”, “lá lành đùm lá rách”, chúng ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của dân tộc”, Bộ trưởng cho hay.

Theo ông, cả đất nước đã và đang vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vững bước vươn lên và có được thành quả như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Thời gian qua, Bộ đã tổ chức thí điểm thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực như: du lịch, đào tạo, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp...; phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình vừa bảo đảm tính răn đe, vừa bảo đảm tính giáo dục để hướng đến xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ VHTT&DL xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Đối với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang được cho ý kiến, theo Bộ trưởng, dự thảo đã bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; xác định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài biện pháp cấm tiếp xúc, dự thảo còn bổ sung các biện pháp mới nhằm ngăn chặn vụ việc bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình, phòng ngừa bạo lực tiếp diễn như “yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã”, giáo dục chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình, hỗ trợ kiểm soát hành vi hay thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng.
Bên cạnh các biện pháp xử lý, giáo dục người có hành vi bạo lực, dự thảo còn bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình đặc biệt là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.