Bác Năm kiều - địa chỉ tin cậy cho những Việt xa xứ

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:39, 10/08/2022

Trên nước bạn Campuchia, nhiều người Việt gặp khó khăn, một số nạn nhân bị lừa bán đã được những người gốc Việt cưu mang hỗ trợ. Một trong số những người có tấm lòng thơm thảo với đồng hương là ông Trần Văn Năm Chủ tịch Hội Khmer- Việt Nam tại thành phố Sihanoukville.

Không có "việc nhẹ lương cao" chỉ có tấm lòng người Việt

Nạn nhân là Phạm Trọng, 24 tuổi, quê tại một xã nghèo thuộc huyện Đông Hưng, Thái Bình. Trọng chia sẻ về sự nhẹ dạ, thiếu tìm hiểu thông tin để rồi đã phải trả giá đắt nơi đất khách quê người. Nhà nghèo, việc làm không ổn định, đang loay hoay không biết làm gì giúp gia đình cải thiện cuộc sống thì Trọng được một người giới thiệu về công việc nhẹ nhàng mà thu nhập hấp dẫn tại Campuchia. Không suy nghĩ nhiều Trọng cùng một số người khác sang Campuchia, rồi bị lừa bán vào một cơ sở lao động bất hợp pháp tại thành phố Sihanoukville.

Tấm lòng người Việt “tỏa sáng” ở Campuchia
Ông Trần Văn Năm, Chủ tịch Hội Khmer- Việt Nam (áo kẻ) hỗ trợ tiền để Phạm Trọng về quê

Hàng ngày Trọng phải lên mạng tương tác lôi kéo người Việt Nam vào chơi Game hoặc dụ dỗ sang Campuchia làm việc… Chủ cơ sở bắt mọi người ở đây phải làm việc đến 17 giờ/ngày, ốm không được nghỉ, lương không được trả, đã thế lại bị đánh đập mỗi khi không hoàn thành chỉ tiêu; cay đắng nhận ra thế nào là “việc nhẹ lương cao” thì đã quá muộn; muốn chấm dứt hợp đồng phải trả chủ lao động đến 4.000 đô la. Để thoát khỏi tình trạng này, Trọng đã nung nấu ý định bỏ trốn và may mắn được một người gốc Việt tốt bụng giúp đỡ, cho ăn uống, nghỉ lại và quyên góp tiền để có chi phí về nước.

Chia tay về nước, Trọng ngậm ngùi trong xúc động: “Ở đây không có việc nhẹ lương cao, nhưng có tấm lòng của người Việt xa xứ”.

Người Việt xa xứ có tấm lòng nhân hậu đó là ông Trần Văn Năm, Chủ tịch Hội Khmer- Việt Nam tại thành phố Sihanoukville. Ông Năm năm nay đã 74 tuổi, là một trong những người tiêu biểu, gắn bó với cộng đồng và liên tục được bầu làm Chủ tịch Hội Việt Kiều tại tỉnh PReah Sihanouk gần 20 năm nay.

Trong thời gian qua nhiều nạn nhân là công dân Việt Nam, trong đó có Trọng đã được ông Năm giúp đỡ để vượt qua thời điểm khó khăn của cuộc đời.

Tấm lòng người Việt “tỏa sáng” ở Campuchia
Ông Trần Văn Năm, Chủ tịch Hội Khmer- Việt Nam chia tay nạn nhân Phạm Trọng về nước.

Người có nhiều đóng góp cho cộng đồng gốc Việt

Với cộng đồng người Việt Nam ở thành phố Preah Sihanouk, cái tên Trần Văn Năm đã trở nên quen thuộc từ lâu. Không hẳn vì đó là tên của chủ nhân một cơ sở sản xuất đồ gỗ, mà bởi người người đàn ông ấy thường xuyên giúp đỡ đồng bào xa quê có hoàn cảnh khó khăn nơi đây.

Ông Trần Văn Năm sinh năm 1949 quê ở An Giang. Năm 1986, sẵn có nghề mộc trong tay, ông Năm sang tỉnh Preah Sihanouk Campuchia sinh sống và làm việc. Tại đây, ông đã thành lập gia đình với vợ người gốc Việt.

Trải qua nhiều năm tháng mưu sinh tại thành phố cảng Preah Sihanouk, ông Năm thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn mà bà con gốc Việt nơi đây gặp phải. Bởi vậy nên nhiều năm qua, ông luôn hưởng ứng tích cực cả về vật chất và tinh thần trong tất cả các hoạt động từ thiện do Tổng Lãnh sự quán phát động, tổ chức kể cả ở trong và ngoài tỉnh Preah Sihanouk.

"Những trường hợp sang Campuchia làm việc đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Người thì có vợ đang có bầu, không có tiền sinh hoạt, người thì không có việc làm, cuộc sống bấp bênh... Hoàn cảnh nào cũng đáng thương, nên tôi đã vận động mạnh thường quân cùng với khả năng của mình để hỗ trợ giúp đỡ mọi người trở về nước”, ông Năm chia sẻ.

Ông Vũ Ngọc Lý, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk cho biết, ông Trần Văn Năm là người có nhiều đóng góp cho cộng đồng người gốc Việt, luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng hương sang lao động.

"Có nhiều trường hợp lao động Việt Nam bị nạn hay trốn ra từ các cơ sở lao động bất hợp pháp bị thương phải năm viện, bác Năm vận động cộng đồng giúp viện phí, cử ngươi trông nom… một số trường hợp người bị chết (bị giết, tự vẫn, tại nạn…) đều được bác Năm kêu gọi bà con quyên góp, làm thủ tục mai táng hoặc đưa về Việt Nam", Tổng lãnh sự Vũ Ngọc Lý chia sẻ.

Tổng lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk cũng cho biết trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đại đa số người gốc Việt rất khó khăn, bác Năm đã cùng Tổng lãnh sự tổ chức nhiều đợt quyên góp, cứu trợ cho hàng ngàn lượt hộ gia đình khó khăn, trong đó có cả người Việt và người Campuchia.

“Trong quá trình làm thủ tục pháp lý cho bà con gốc Việt, nhiều người nghèo không có tiền đóng phí làm thẻ ngoại kiều, bác Năm đã tạm ứng kinh phí của mình đóng giúp đến khi nào có tiền thì trả sau”, Tổng lãnh sự Vũ Ngọc Lý kể thêm.

Ông Trần Văn Năm còn là tấm gương về tinh thần vươn lên trong cuộc sống, nuôi dạy con cái ăn học trưởng thành có vị trí xã hội tại Campuchia (con trai là cán bộ ngân hàng, con gái là giáo viên). Tuy tuổi cao nhưng ông vẫn duy trì một xưởng gỗ, tạo nhiều việc làm cho người lao động gốc Việt.

Là người luôn hướng về cội nguồn, ông Trần Văn Năm dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc duy trì văn hoá Việt Nam. Hiên tại Hội Khmer - VN tỉnh Preah Sihanouk đã tổ chức được một lớp học văn hoá Việt Nam cho con em người gốc Việt, một lớp dạy văn hoá Khmer cho con em những người không đủ điều kiện học trường công tại Campuchia….

Và cứ như thế, tinh thần "tương thân tương ái" của dân tộc Việt Nam đã và đang được lan tỏa trên mảnh đất Campuchia.

Một số khuyến cáo của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Preah Sihanouk

1. Các địa phương, nhất là các tỉnh có đường biên giới với nước ngoài cần tuyên truyền sâu rộng, cảnh báo những rủi ro để công dân nắm được và thận trọng khi có nhu cầu ra nước ngoài tìm việc làm.

2. Có biện pháp răn đe mạnh đối với các đối tượng môi giới, dụ dỗ lừa đảo người Việt Nam đi ra nước ngoài dưới mọi hình thức.

3. Mọi người khi có nhu cầu ra nước ngoài tìm việc làm cần tìm hiểu thật kỹ, thận trọng trước những thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội và cả người nhà, bạn thân. Tốt nhất nên liên hệ với cơ quan xúc tiến lao động tại địa phương để tìm hiểu và có thể liên hệ với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để xác minh thông tin… trước khi quyết.

Phạm Lý