Na Uy coi trọng vai trò và tin tưởng vào năng lực của ASEAN

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:00, 08/08/2022

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2022), Đại sứ Na Uy tại ASEAN Kjell Tormod Pttersen và Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Løchen đã chia sẻ với TG&VN những nhận định về thành công chung của Hiệp hội cũng như những đóng góp của Việt Nam.
Na Uy coi trọng vai trò và tin tưởng vào năng lực của ASEAN
Đại sứ Na Uy tại ASEAN Kjell Tormod Pttersen. (Ảnh: KT)

Sự tồn tại thuần túy của ASEAN đã là một thành công

Đại sứ Na Uy tại ASEAN Kjell Tormod Pttersen cho rằng chính sự tồn tại thuần túy của ASEAN đã là một thành công và đặc biệt là khả năng của ASEAN trong việc ngăn chặn các xung đột tiềm tàng giữa các quốc gia thành viên kể từ khi thành lập năm 1967. Hội nhập kinh tế trong ASEAN cũng rất nổi bật và đã giúp hàng triệu người cải thiện điều kiện sống.

Theo Đại sứ Kjell Tormod Pttersen, ASEAN làm được những điều đó là nhờ vào các cơ chế đối thoại, ra quyết định bài bản cũng như sự liên kết tích cực với đối tác khu vực và toàn cầu. ASEAN đã tự khẳng định mình là một tổ chức quan trọng trong hệ thống quốc tế và tiếp tục phát triển để ứng phó với những thách thức mới về chính trị, xã hội, môi trường và kinh tế.

Đại sứ Na Uy tại ASEAN Kjell Tormod Pttersen: "Tất cả các đối tác của ASEAN đều nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN như một nguyên tắc chính cho hợp tác, điều này cho thấy sự tin tưởng các đối tác dành cho ASEAN".

Thời gian qua, ASEAN cũng đã nỗ lực ứng phó với những thách thức ảnh hưởng đến khu vực như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đại dịch và một nền kinh tế toàn cầu ngày càng cạnh tranh.

Đại sứ Kjell Tormod Pttersen cho rằng việc ASEAN thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với ba trụ cột gồm chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội là minh chứng cho một cộng đồng hướng tới tương lai.

Na Uy với tư cách là đối tác theo lĩnh vực của ASEAN coi trọng hợp tác với Hiệp hội và cam kết cùng ASEAN đạt được các mục tiêu trong Tầm nhìn 2025.

Na Uy và ASEAN hiện đang có các dự án chung nhằm nghiên cứu giảm thiểu xả rác ở biển và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Đại sứ Kjell Tormod Pttersen nhấn mạnh Na Uy sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng và thu hẹp khoảng cách phát triển. Hai bên cũng sẽ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế biển, năng lượng, nâng cao vai trò của phụ nữ, biến đổi khí hậu và xử lý chất thải y tế.

“Khu vực Đông Nam Á có vai trò ngày càng tăng do những chuyển biến của địa chính trị, vai trò trung tâm của ASEAN sẽ rất quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu. Đây sẽ là một thách thức luôn hiện hữu và đòi hỏi ASEAN có khả năng điều phối tốt và luôn sáng tạo để đưa ra những sáng kiến mới.

Theo như tôi biết, tất cả các đối tác của ASEAN đều nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN như một nguyên tắc chính cho hợp tác, điều này cho thấy sự tin tưởng các đối tác dành cho ASEAN”, Đại sứ Kjell Tormod Pttersen nhận định.

Nhà ngoại giao Na Uy khẳng định, vai trò trung tâm không chỉ là việc nằm ở vị trí trung tâm ở một khu vực quan trọng của thế giới, mà còn là việc tạo ra một nền tảng cho hợp tác thực chất. Việc đạt được Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gần đây với 15 thành viên, tạo nên một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, là một cột mốc quan trọng đối với vai trò trung tâm của ASEAN.

Na Uy coi trọng vai trò và tin tưởng vào năng lực của ASEAN
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Løchen. (Nguồn: Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam)

Việt Nam - vai trò ngày càng quan trọng

Đánh giá về những đóng góp của Việt Nam trong ASEAN, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Løchen cho rằng Việt Nam không chỉ là nền kinh tế lớn thứ 4 ASEAN mà còn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN.

Theo Đại sứ Grete Løchen, việc đảm đương thành công vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2020 là một minh chứng cho điều đó. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi chương trình nghị sự và các ưu tiên của ASEAN, Na Uy rất ấn tượng khi nhận thấy Việt Nam đã nhanh chóng điều chỉnh chương trình nghị sự của ASEAN để đẩy mạnh hợp tác khu vực, cùng ứng phó với đại dịch cũng như đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi kinh tế bền vững.

Đại sứ Grete Løchen: "Việt Nam cũng đã rất tích cực trong việc đưa ASEAN trở thành một tổ chức khu vực ở cấp độ toàn cầu, tăng cường hợp tác và phối hợp giữa Liên hợp quốc và ASEAN về hòa bình và ổn định khu vực".

Đại sứ Grete Løchen nhận định Việt Nam cũng đã rất tích cực trong việc đưa ASEAN trở thành một tổ chức khu vực ở cấp độ toàn cầu, tăng cường hợp tác và phối hợp giữa Liên hợp quốc và ASEAN về hòa bình và ổn định khu vực. Đây là một trong những ưu tiên của Việt Nam với tư cách là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh việc ASEAN thể hiện cam kết với chủ đề phụ nữ, hòa bình và an ninh. Việt Nam đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự này.

Việt Nam và Na Uy chia sẻ cam kết về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Chúng ta cũng có chung niềm tin về việc sự tham gia của phụ nữ là điều cần thiết để ngăn ngừa xung đột và xây dựng hòa bình. Phụ nữ đại diện cho 50% dân số và thường có khả năng tiếp cận và hiểu rõ hơn về những gì xảy ra trong cộng đồng và ở cấp cơ sở.

Trong những khủng hoảng toàn cầu như đại dịch, biến đổi khí hậu và căng thẳng địa chính trị, điều này quan trọng hơn bao giờ hết”, Đại sứ Grete Løchen khẳng định.

Đại sứ Grete Løchen bày tỏ hy vọng Việt Nam cùng với các thành viên ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự này. Tình hình khó khăn ở Myanmar là một ví dụ điển hình về tầm quan trọng của việc thu hút sự tham gia của phụ nữ vào các nỗ lực hòa giải và hòa bình của ASEAN cũng như các bên quốc tế khác.

Phương Hà