'Thuốc giải rượu' có đúng như đồn thổi?

Tin Y tế - Ngày đăng : 19:23, 04/08/2022

“Thuốc giải rượu” đang được bán tràn lan trên mạng, siêu thị, nhà thuốc với những lời quảng cáo “giải độc gan, bảo vệ gan”. Thực chất những loại 'thuốc' này là gì, tác dụng ra sao?
5cac12834001.jpeg
Cấp cứu cho bệnh nhân ngộ độc rượu tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: BVCC

Chưa kịp giải rượu thì đã nhập viện

Ông V.N.P. (41 tuổi, ngụ TP.HCM) mang trong người triệu chứng xơ gan. Ông P. kể: “Do quan hệ công việc nên tôi thường gặp gỡ đối tác ngay bàn nhậu. Vì lo sợ khi say sẽ có những lời lẽ không hay, đôi khi gây bất lợi cho công ty nên tôi thường uống trước viên disulfiram mua trong tiệm thuốc tây. Quả thật, tôi uống hoài không say, cho dù bia hoặc rượu mạnh”.

Sau một thời gian anh P. cảm nhận hơi đau ở hạ sườn phải, bụng khá to. Sau đó thường mệt, không muốn ăn, rối loạn tiêu hóa, người gầy sút. Không chỉ vậy, tôi thỉnh thoảng còn bị chảy máu cam, máu chân răng.

Đến khi phát hiện hai chân dưới bị phù, liền vào bệnh viện thăm khám và được chẩn đoán xơ gan vì dùng quá nhiều rượu bia.

Trước đó, ông V.T. làm nghề thợ xây tại Hà Nội nhậu say cùng cả đội thợ, rồi nghe theo một đồng nghiệp, anh đã uống vào người mấy viên paracetamol để hy vọng giảm cơn đau đầu và nhanh chóng giải rượu.

Thế nhưng rượu chưa kịp giải được, đầu cũng chưa hết đau thì người anh đã mệt lả, mặt tái mét, nôn thốc nôn tháo và co giật. Cả bàn nhậu đã phải tạm gác để đưa anh Thuận vào cấp cứu tại Bệnh viện E.

thuoc-giai-ruou-loi-bat-cap-hai1481702138.jpeg
Chưa có bằng chứng khoa học chứng minh thuốc giải rượu có tác dụng giải rượu - Ảnh: Internet

Không có bằng chứng khoa học

BS CKI Lê Thị Cẩm Thơ - khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết  rượu bia hay tất cả các thức uống có cồn nói chung được đánh giá "độ rượu" dựa vào nồng độ ethanol (tính theo đơn vị gam) có trong 100 ml thức uống đó. Ví dụ: rượu 40 độ nghĩa là có 40 gam ethanol trong 100 ml rượu.

Sau khi được uống vào, rượu được hấp thu nhanh vào đường tiêu hoá, 20% ở dạ dày, gần 80% xuống ruột non và đi vào máu. Một lượng nhỏ rượu được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở, nước tiểu.

Chuyển hóa rượu xảy ra chủ yếu ở gan. Dưới tác dụng của enzym ADH, ethanol chuyển thành acetaldehyde, đây chính là chất gây độc cho cơ thể. Sau đó, dưới tác dụng của các enzym, quá trình oxy hoá giúp acetaldehyde biến thành acid acetic. Acid acetic phân huỷ thành CO2 và năng lượng.

Theo đó, nếu tốc độ và nồng độ rượu uống vào vượt quá khả năng chuyển hoá của gan, gan sản xuất không kịp enzym để chuyển hoá acetaldehyde, lúc đó chất này ứ đọng trong cơ thể, gây ra những tác hại cho sức khỏe: ảnh hưởng lên não với biểu hiện "say rượu", rối loạn tâm thần, hành vi; nhiễm độc các cơ quan, đặc biệt là từ từ làm tổn thương gan dẫn đến gan nhiễm mỡ, xơ gan, thậm chí ung thư gan.

Bác sĩ Thơ cho biết thêm hiện nay trên thị trường có nhiều thuốc được giới thiệu là "thuốc giải rượu". Thực chất đây là thực phẩm chức năng, chứa các thành phần như vitamin B1, B6, B12, acid glutamic... Những chất này được cho là góp phần tham gia quá trình chuyển hoá rượu.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bằng chứng nào chứng minh những "thuốc" này có khả năng bảo vệ hoặc phục hồi tổn thương các cơ quan do rượu, hoặc làm mất trạng thái say xỉn.

Nhiều “thuốc giải rượu” có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, thành phần thuốc không rõ ràng, nên một trong những thành phần của thuốc uống vào có thể gây tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng cho người sử dụng.

Ngoài ra, vì lầm tưởng vào “công dụng” của "thuốc giải rượu" mà người ta cứ vô tư uống rượu mà không hề biết rằng thực sự chúng không hề bảo vệ gan khỏi tác hại của rượu bia, cuối cùng hậu quả vẫn xảy ra.

Khi uống "thuốc giải rượu", vì nó tham gia vào quá trình chuyển hoá rượu, nên cả rượu và thuốc cùng lúc được chuyển hoá qua gan, làm tăng gánh nặng cho gan, càng làm tăng nguy cơ gây suy gan cấp. Càng uống nhiều rượu bia thì càng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và không có "thần dược" nào giúp uống rượu mà không say.

Vì vậy, để bảo vệ sức khoẻ, tốt nhất chúng ta không dùng rượu bia, còn nếu dùng thì phải có kiểm soát và uống trong giới hạn cho phép.

TS. Nguyễn Minh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần khẳng định thuốc giải rượu, bia không phải thần dược. Đây chỉ là thuốc hỗ trợ.

Nhiều người cho rằng can thiệp nồng độ cồn bằng uống paracetamol, vitamin B1, B6, acid folic... là không đúng. Chẳng hạn, paracetamol là thành phần chính trong các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, chữa cảm cúm. Uống rượu đã hại cho gan, lại dùng paracetamol để... giải rượu sẽ giống như con dao hai lưỡi. Cồn và thuốc cùng một lúc chuyển hóa qua gan làm gan tê liệt, gây tương kỵ về mặt hóa học.  Nếu vượt quá khả năng khử độc của gan, khi ấy, chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan. Tình trạng hoại tử lan rộng sẽ dẫn đến suy gan cấp.

Aspirin là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt, khi uống vào cơ thế có rượu sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa.

Việc uống thuốc giải rượu vào lúc này sẽ làm tăng gánh nặng cho não. Vì vậy, người liên tục dùng thuốc và rượu sẽ nhanh chóng bị sa sút về nhận thức, rối loạn hành vi

ANH ĐÀO