Vì sao pizza là thứ "tối kỵ" đối với cầu thủ chuyên nghiệp?

Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 14:30, 20/07/2022

Rất nhiều cầu thủ chuyên nghiệp có niềm đam mê lớn với pizza, nhưng đây là món ăn không được khuyến khích, thậm chí bị cấm bởi nhiều huấn luyện viên.

Sau khi kết thúc trận đấu với Hải Phòng tối 19.7, Bình Định đã mua pizza cho các cầu thủ trong đội. Thời điểm kết thúc trận đấu là khoảng 19h50, nên cả đội đều mệt mỏi, xuống sức.

Hai tuyển thủ quốc gia là Đức Chinh và Đình Trọng cũng chia nhau miếng pizza ngay trên sân. Việc Bình Định chọn pizza là đồ ăn chống đói cho cầu thủ khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính chế độ dinh dưỡng cho cầu thủ của đội bóng này.

Đình Trọng và Đức Chinh ăn pizza trên sân Lạch Tray. Ảnh: ST.
Đình Trọng và Đức Chinh ăn pizza trên sân Lạch Tray. Ảnh: CMH

Bóng đá thế giới có nhiều ngôi sao cũng thích pizza, như Lionel Messi hay Luis Suarez.

Sau 90 phút thi đấu với cường độ cao, lượng glycogen dự trữ trong cơ thể sẽ giảm mạnh. Do đó, cơ thể cần tiêu hao các mô cơ để nạp lại năng lượng và cần một lượng để thay thế cho carbohydrate vừa mất đi. Nhiều cầu thủ cho rằng pizza là món ăn phù hợp để phục hồi sau các trận đấu nhưng không có cơ sở nào chứng minh điều đó.

Ngược lại, Caroline Farrell, chuyên gia dinh dưỡng của Fulham cho biết: “Những gì các cầu thủ ăn sau trận đều không hẳn là tốt cho sức khỏe, nhưng bạn chọn ăn gì là rất quan trọng. Bạn không nhận được những dưỡng chất cần thiết từ bánh pizza. Lượng dự trữ glycogen của các cầu thủ đã được sử dụng hết, họ cần nhiều protein hơn. Bánh pizza có nhiều chất béo bão hòa và muối. Lý tưởng nhất là trái cây và rau, protein từ thịt nạc, carbohydrate phức hợp (có trong chuối, súp lơ, táo,...)".

Đôi khi các câu lạc bộ sẽ chọn bánh pizza vì sự tiện lợi. Pizza có thể đặt và được giao đến nhanh gọn, đặc biệt là khi thi đấu trên sân khách. Bởi lúc đó đội không thể vào bếp để chuẩn bị bữa ăn.

Bữa ăn lý tưởng cho một cầu thủ chuyên nghiệp sau trận đấu sẽ là cá tươi giàu Omega-3, cá hồi hữu cơ, carbohydrate phức hợp có trong nhiều loại rau, thịt gà. Không nên chọn các loại thịt chế biến sẵn vì chúng có hàm lượng chất béo bão hòa cao hơn.

Không chỉ là để đảm bảo cân nặng, chế độ ăn uống của cầu thủ cũng có thể ảnh hưởng đến chấn thương và chất lượng giấc ngủ. Đó là lý do huấn luyện viên Pep Guardiola cấm tất cả cầu thủ Man City ăn pizza kể từ khi ông đến Etihad vào năm 2016.

Pep Guardiola cấm các cầu thủ Man City ăn pizza. Ảnh: AFP.
Pep Guardiola cấm các cầu thủ Man City ăn pizza. Ảnh: AFP.

Đối với Pep, mọi tiểu tiết trên sân và ngoài sân đều quan trọng. Ông không cho phép các cầu thủ ăn pizza trong mùa giải để giữ thể trạng và thậm chí cầu thủ sẽ không được tập luyện nếu thừa cân.

Luật cấm tương tự cũng được đưa ra ở Leicester City dưới thời huấn luyện viên Claudio Ranieri. Nhưng cầu thủ của Bầy Cáo thì thích ăn pizza đến mức họ đã cố gắng vô địch Premier League 2016, chỉ để được thưởng... ăn pizza thỏa thích.

"Trước trận gặp Crystal Palace, tôi hứa sẽ đãi pizza các cầu thủ nếu như họ giữ sạch lưới. Trận đó chúng tôi đã giữ sạch lưới thật, tôi phải thực hiện lời hứa của mình", Ranieri chia sẻ.

Bóng đá chuyên nghiệp yêu cầu một chế độ ăn khắt khe, và pizza không được khuyến khích. Ảnh: AFP.
Bóng đá chuyên nghiệp yêu cầu một chế độ ăn khắt khe, và pizza không được khuyến khích. Ảnh: AFP

Bóng đá chuyên nghiệp và pizza không thuộc về nhau. Quan trọng nhất là ý thức và thái độ của cầu thủ với chế độ ăn uống. Họ cần hiểu rằng ăn uống lành mạnh thì cơ thể mới hồi phục tốt hơn vào hôm sau.

Khoa học dinh dưỡng và thể thao còn tương đối mới đối với nhiều môi trường bóng đá, nhưng tầm quan trọng của chúng không thể phủ nhận. Hiệu suất, thể lực, chất lượng giấc ngủ của cầu thủ đều bị ảnh hưởng bởi những gì họ nạp vào cơ thể mỗi ngày.

Chi Trần