Thị trường chứng khoán ASEAN có nhiều tín hiệu tích cực hậu mở cửa

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:18, 17/07/2022

Nhà phân tích của nhóm nghiên cứu và quản lý danh mục đầu tư tại FSMOne.com nhận định, thị trường chứng khoán ASEAN sẽ tiếp tục có nhiều dấu hiệu lạc quan và đáng lưu tâm khi cho vào danh mục đầu tư.
Thị trường chứng khoán khu vực ASEAN có nhiều tín hiệu tích cực hậu mở cửa
Thị trường chứng khoán ASEAN có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. (Nguồn: The Star)

Luồng gió hồi sinh mạnh mẽ

Năm 2021, thị trường chứng khoán khu vực ASEAN gặp khó khăn với mức lợi nhuận -3%. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, thị trường này tương đối phục hồi, đặc biệt là so với chứng khoán toàn cầu.

Và bước sang nửa cuối năm nay, thị trường chứng khoán ASEAN có nhiều tín hiệu lạc quan và đáng lưu tâm khi cho vào danh mục đầu tư.

Không phải bắt đầu sớm nhất, nhưng nhiều nước trong khu vực ASEAN hiện có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn mức trung bình toàn cầu. Do đó, khu vực này đã thu hút được du khách quốc tế và dần mở cửa trở lại cho du lịch.

Sự cải thiện này trong triển vọng du lịch sẽ là một luồng gió mạnh mẽ đối với động lực tăng trưởng của ASEAN trong 6 tháng cuối năm nay. Vào năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, du lịch đóng góp vào 12% GDP của khu vực và tạo ra 13% tổng số việc làm.

Bối cảnh vĩ mô được cải thiện được kỳ vọng sẽ khiến giá cổ phiếu phục hồi và tăng trưởng. Nhà phân tích của FSMOne (tổ chức tài chính ở Singapore) kỳ vọng thu nhập từ vốn chủ sở hữu của khu vực ASEAN sẽ phục hồi khoảng 6-8% vào năm 2022 và 10-15% vào năm 2023. Những con số trên cao hơn một chút so với mức tăng trưởng tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần (EPS) là 10%.

Thị trường chứng khoán khu vực ASEAN có nhiều tín hiệu tích cực hậu mở cửa
Doanh thu về du lịch được kỳ vọng là động lực cho thị trường chứng khoán ASEAN phục hồi. (Nguồn: Etrip4u)

Ba yếu tố thúc đẩy chứng khoán ASEAN

Bất chấp những khó khăn dự kiến đối với thị trường chứng khoán toàn cầu do chi phí tăng và đà tăng trưởng chậm lại, chuyên gia của FSMOne tin rằng có ba yếu tố chính thúc đẩy thị trường chứng khoán ASEAN, bao gồm lĩnh vực tài chính đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ; tình hình kinh tế ở Trung Quốc được cải thiện và sự phục hồi của thu nhập bền vững từ mức thấp trong lịch sử.

Thứ nhất, thị trường chứng khoán ASEAN phân bổ nhiều vào các lĩnh vực mang tính chu kỳ như tài chính, công nghiệp, vốn có khả năng tăng trưởng kinh tế rất cao. Do đó, chuyên gia kỳ vọng ESP sẽ tăng cao hơn mức tăng thông thường theo chu kỳ của chứng khoán ASEAN.

Lĩnh vực tài chính ASEAN được kỳ vọng sẽ tạo thành xương sống cho tăng trưởng EPS của khu vực. Các ngân hàng lớn ở Singapore và Indonesia dự kiến ​​sẽ có mức tăng trưởng EPS hai con số mạnh mẽ trong hai năm tới.

Thứ hai, các chuyên gia kỳ vọng và sự thay đổi tích cực đối với Trung Quốc sau giai đoạn phong tỏa vì Covid-19. Từ đó sẽ dẫn đến tác động lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế ASEAN và thị trường chứng khoán.

Ví dụ, các hạn chế phòng chống dịch được nới lỏng hơn có thể dẫn đến doanh thu du lịch lớn hơn từ khách du lịch Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 20% ​​lượng khách du lịch ASEAN. Đồng thời cũng giúp giảm thiểu các tắc nghẽn chuỗi cung ứng đang diễn ra.

Hơn nữa, vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, sự thay đổi của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới có thể dẫn đến nhu cầu mạnh hơn đối với hàng xuất khẩu của ASEAN.

Thứ ba, các khoản thu nhập bền vững đã có dấu hiệu phục hồi.

Năm 2020 chứng kiến ​​sự sụt giảm các khoản thu nhập bền vững xuống mức thấp trong lịch sử là -34% trên nhiều chỉ số vốn chủ sở hữu của ASEAN. Sự phục hồi của mức thu nhập vào năm 2021 tương đối chậm.

Dù vậy, chuyên gia tin rằng sự phục hồi chậm chạp này là do những bất ổn của đại dịch, nhưng khi những bất ổn này dần biến mất, thu nhập được kỳ vọng sẽ phục hồi bền vững trong vài năm tới.

Chuyên gia tài chính tin rằng việc đưa cổ phiếu ASEAN vào danh mục đầu tư có một số lợi ích. Cổ phiếu ASEAN có thể đóng vai trò như đa dạng hóa hiệu quả trong danh mục đầu tư toàn cầu. Lợi nhuận của cổ phiếu ASEAN có mối tương quan với hệ số beta (hệ số đo lường mức độ rủi ro) tương đối thấp. Đồng thời, cổ phiếu này có mức độ biến động thấp hơn so với lợi nhuận vốn chủ sở hữu của Mỹ, Trung Quốc và Mỹ Latin.

Các nhà đầu tư nên lưu ý đến tỷ lệ tăng của cổ phiếu và môi trường lạm phát gia tăng. Song, chuyên gia tin rằng tốc độ thắt chặt của các ngân hàng trung ương trong khu vực sẽ khó có thể nhanh chóng như Mỹ, đặc biệt là khi kinh tế ASEAN phục hồi vẫn còn mong manh và lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong ASEAN-5 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines) vẫn còn xa mức cao kỷ lục.

"Do đó, dù lạm phát và chính sách tiền tệ của ASEAN là rủi ro chính đối với thị trường chứng khoán, nhưng tác động của chúng sẽ không mạnh mẽ như những gì ​​đã diễn ra ở Mỹ", tổ chức tài chính ở Singapore đánh giá.

Chuyên gia cũng gợi ý các quỹ giao dịch trao đổi và quỹ tín thác đơn vị, cho phép đầu tư mà không bị ảnh hưởng quá mức cho bất kỳ công ty nào. Đối với các Quỹ hoãn đổi danh mục (ETF) ASEAN, chuyên gia đánh giá cao ETF Premia Dow Jones ASEAN Titans 100 do tỷ lệ chi phí thấp và chênh lệch theo dõi thấp so với các công ty cùng ngành. Đối với ủy thác đơn vị, Quỹ đầu tư ASEAN Dynamic Fund Class SGD được cho là một gợi ý tốt do hoạt động ổn định mạnh mẽ và khả năng quản lý rủi ro tốt so với các công ty cùng ngành.

Lan Phương