Bộ ra tiêu chí siêu thị, trung tâm thương mại: Không khác gì 20 năm trước

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 15:11, 14/07/2022

Tiêu chí liên quan đến siêu thị, trung tâm thương mại tại dự thảo của Bộ Công Thương được "copy" gần như nguyên si từ các tiêu chí đưa ra 18 năm trước.

Tiêu chí cũ không đổi, chỉ thêm tiêu chí cho loại hình thương mại mới

Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại được Bộ Công Thương lấy ý kiến đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Vụ thị trường trong nước đánh giá, nội dung cơ bản của Dự thảo Thông tư tiếp tục kế thừa các quy định hiện vẫn còn phù hợp tại Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM và chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, pháp luật hiện hành; bổ sung tiêu chí cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet.

Siêu thị lớn phải ưu tiên bố trí khu vực riêng để trưng bày và bán hàng hoá đặc sản địa phương…

So sánh với Quyết định 1371, dễ nhận thấy điểm khác biệt đáng kể nhất trong dự thảo Thông tư mới của Bộ Công Thương là thêm các tiêu chí siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet. Còn các tiêu chí, điều kiện để được xếp gọi tên là siêu thị, trung tâm thương mại… và phần lớn quy định khác tại dự thảo Thông tư này "kế thừa" nguyên văn từ quyết định 1371.

Đối với siêu thị kinh doanh tổng hợp thuộc Hạng I, điểm khác biệt duy nhất của dự thảo Thông tư với Quyết định 1371 là tiêu chí về diện tích đã được giảm từ yêu cầu phải 5.000m2 xuống còn 3.500m2. Còn lại các yêu cầu phải có danh mục 20.000 tên hàng trở lên và các tiêu chí khác về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm… đều được đưa từ quyết định 1371 sang.

Các tiêu chí về siêu thị kinh doanh tổng hợp được xếp hạng II thì đều giữ nguyên yêu cầu phải diện tích 2.000m2 trở lên và kinh doanh 10.000 tên hàng trở lên…; siêu thị chuyên doanh thì có diện tích 500mm2 trở lên và kinh doanh 1.000 tên hàng trở lên.

Siêu thị kinh doanh tổng hợp hạng III cũng có các tiêu chí giống như quyết định cách đây 18 năm

Đối với việc bổ sung tiêu chí để được gọi là siêu thị mini, dự thảo của Bộ Công Thương yêu cầu có diện tích kinh doanh từ 80 m2 trở lên; Danh mục hàng hóa kinh doanh từ 500 tên hàng trở lên, có chỗ để xe cho khách…

Cửa hàng tiện lợi phải có diện tích kinh doanh từ 30 m2 đến dưới 200 m2. Hàng hoá chủ yếu là thực phẩm ăn ngay và hàng bách hóa nhỏ lẻ; hàng tiêu dùng nhanh; số lượng mặt hàng kinh doanh trong khoảng 3.000 tên hàng; Chủ yếu bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân…

Dự thảo yêu cầu siêu thị hạng I và II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nội dung quy định can thiệp nhiều vào hoạt động của doanh nghiệp, tính khả thi thấp. Ví dụ quy định các loại hình siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm outlet phải có nội quy hoạt động,... phải ưu tiên bố trí khu vực riêng để trưng bày và bán hàng hoá đặc sản địa phương…

Ngoài 2 số liệu về diện tích và tên dòng hàng được định lượng, các tiêu chí còn lại tại dự thảo Thông tư đều được diễn giải bằng nhiều cụm từ chung chung như “thuận tiện”, “chủ yếu”, “hiện đại”, “đa dạng”, “bảo đảm chất lượng”,... Đây cũng là những vấn đề được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý và đề nghị bãi bỏ.

Một chuyên gia bình luận: Nếu 15-20 năm trước, các quy định về diện tích, số tên hàng đưa ra còn có thể hiểu được. Nhưng thời điểm này vẫn còn đưa ra các yêu cầu về diện tích, số tên hàng kinh doanh... giống hệt các tiêu chí của gần 20 trước thì thật khó hiểu!

Góp ý về sự cần thiết của dự thảo thông tư này, VCCI cũng băn khoăn khi không rõ việc ban hành Thông tư này để làm gì. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn về tính cần thiết của việc ban hành văn bản này và chưa cần ban hành văn bản này khi chưa rõ sự cấp thiết.

Sở Công Thương địa phương lại muốn có

Trong khi đó, Vụ Thị trường trong nước cho biết nhiều Sở Công Thương địa phương từ lâu đã yêu cầu phải thay thế Quyết định 1371 bằng một văn bản khác.

Tại báo cáo gửi Bộ Công Thương vào tháng 7/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về quy chế siêu thị, trung tâm thương mại ban hành đã quá lâu nhưng chưa được nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế các loại hình kinh doanh thương mại dịch vụ tại các địa phương.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị thay thế Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 và chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành quy định về hệ thống hạ tầng thương mại, cơ sở phân phối khác ngoài chợ (trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm thương mại dịch vụ...).

Còn theo Sở Công Thương Bắc Giang, từ thời điểm năm 2004 (ban hành Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM) đến nay, đã có nhiều quy định pháp luật mới được ban hành thay thế quy định cũ; nên các nội dung quy định trong Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại không còn phù hợp với thực tiễn, phạm vi điều chỉnh chưa toàn diện, đầy đủ các loại hình hoạt động thương mại hiện đại mới xuất hiện những năm gần đây như: siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tiện tích, cửa hàng tự chọn, cửa hàng kinh doanh tổng hợp…

Mặt khác, theo Sở Công Thương Bắc Giang, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành đầy đủ các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn quy định về trung tâm thương mại và siêu thị nên việc đầu tư, xây dựng chưa đáp ứng được mỹ quan đô thị và văn minh thương mại và gây khó khăn trong công tác quản lý, giám sát, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng.

Sở Công Thương Bắc Giang từ 2020 cũng đã đề nghị Bộ Công Thương sớm đề xuất Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 cho phù hợp với các Luật, Nghị định mới ban hành và thực tiễn hiện nay.