Cựu Thủ tướng Đức đổ lỗi cho Ukraine làm thất bại hòa đàm với Nga, nêu 'cách duy nhất' chấm dứt xung đột
Đối ngoại - Ngày đăng : 15:31, 11/07/2022
Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder (giữa) được coi là có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Putin. (Nguồn: Tylaz) |
Phát biểu trên tờ FAZ của Đức hôm 10/7, ông Schröder nêu rõ: “Tôi sẽ không từ bỏ cơ hội đối thoại với Tổng thống Putin”.
Cựu Thủ tướng Đức cũng đặt câu hỏi về việc phương Tây tập trung chuyển giao vũ khí cho Ukraine mà không mặn mà với giải pháp ngoại giao.
Theo ông, cách duy nhất để kết thúc cuộc chiến tranh này là thông qua đàm phán ngoại giao và "số phận những người lính và người dân Ukraine chỉ có thể được giải toả thông qua một giải pháp ngoại giao”.
Cựu Thủ tướng Đức cũng nhắc lại chuyến thăm của ông đến Moscow, trong đó, Tổng thống Putin bày tỏ quan tâm tới một giải pháp đàm phán. Theo FAZ, ông Schöder cũng cho rằng, tiến trình hoà đàm cho tới nay thất bại là do phía Ukraine.
Ông Schröder được coi là người gần gũi với Tổng thống Putin kể từ khi giữ chức Thủ tướng Đức trong giai đoạn 1998-2005.
Khoảng 2 tuần sau khi chiến sự bùng phát ở Ukraine hồi cuối tháng 2, ông Schröder đã tới Moscow để thảo luận với người đứng đầu Điện Kremlin, trong đó có đề cập những giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trong nhiều năm, cựu Thủ tướng Đức bị chỉ trích vì sự tham gia của ông vào các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Nga.
Sau khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ, sức ép đối với chính trị gia của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) càng gia tăng, hồi tháng 5, ông Schröder đã tuyên bố rời khỏi Hội đồng quản trị Tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga, cũng như từ chối lời mời giữ một vị trí trong hội đồng quản trị tại tập đoàn Gazprom.
Trước đó, đảng SPD thuộc liên minh cầm quyền Đức đã quyết định loại bỏ ghế Quốc hội của ông Schroeder vì có quan hệ thân thiết với Nga và Tổng thống Putin.
Bản thân ông Schroeder nhấn mạnh, ông khá bình tĩnh trong việc xem xét vấn đề này và điều này sẽ không thay đổi quan điểm chính trị của ông. Ngoài ra, đa số thành viên của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại ông vì tình bạn của ông với Nga.