Bước chuyển hóa trong quản lý đất đai ở Sốp Cộp

Kinh doanh - Ngày đăng : 15:35, 05/07/2022

Sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Đất đai, huyện vùng biên Sốp Cộp của tỉnh Sơn La đã có nhiều nỗ lực để đưa các quy định pháp luật vào thực tiễn, góp phần thu hút đầu tư, bước đầu phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương.
3(3).jpg

Trung tâm huyện Sốp Cộp.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đi vào thực chất

Theo lãnh đạo UBND huyện Sốp Cộp, những năm qua, việc phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai đã được UBND huyện và UBND các xã tổ chức với nhiều hình thức phù hợp cho từng đối tượng. UBND huyện đã tổ chức tuyên truyền Luật đất đai năm 2013 cho các cán bộ chủ chốt từ huyện đến cơ sở; tuyên truyền, tìm hiểu về Luật Đất đai năm 2013 trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các hội nghị, các cuộc đối thoại và bằng nhiều hình thức khác, đặc biệt qua công tác giải phóng mặt bằng các dự án với trên 10.000 lượt người tham dự, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn.

Công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào thực chất, góp phần tích cực vào việc sử dụng đất hợp lý, hiệu quả. Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ.

4.jpg

Giai đoạn từ 2014 đến nay, Sốp Cộp đã thực hiện 26 dự án có liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã triển khai tổ chức 15 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất đối với 11 khu đất ở; số thửa bán đấu giá thành công là 169 thửa/171 thửa. Thực hiện cấp GCNQSDĐ lần đầu cho gần 5.000 hộ gia đình, cá nhân. Đã thực hiện 26 dự án có liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, với tổng diện tích thu hồi hơn 67ha của hơn 1.300 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức có liên quan. Thu hồi đất chủ yếu để xây dựng các hạng mục đường giao thông, trường học và xây dựng các điểm bố trí tái định cư….

Đồng thời huyện Sốp Cộp đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai một số vụ phức tạp tồn tại nhiều năm như: Bản Mạt – Huổi Luông, Huổi Phúc – Huổi Làn xã Mường Lèo; Púng Tòng – điểm dân cư Nặm Căn xã Nậm Lạnh.

Phối hợp giải quyết các điểm tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính trên địa bàn huyện gồm: Tranh chấp giữa Bản Huổi My, xã Sam Kha và xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông; tranh chấp giữa xã Mường Lèo và xã Mường Lói, huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên…

2(6).jpg

Quan tâm thực hiện cấp “sổ đỏ” cho nhân dân.

Đề xuất tăng hạn mức giao đất phù hợp

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn huyện Sốp Cộp vẫn còn một số vướng mắc. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, từ khi có chủ trương quy hoạch, dự án đầu tư đến thu hồi, GPMB bàn giao đất để thực hiện dự án theo quy định kéo dài, trong khi năng lực, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực quản lý chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Dẫn đến phát sinh các trường hợp tài sản tạo lập trái phép, không đúng mục đích; vi phạm quy định về đất đai, trật tự xây dựng, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch… gây khó khăn cho công tác thu hồi, bồi thường GPMB.

Việc thực hiện một số quy định về bồi thường, hỗ trợ GPMB tại Luật Đất đai năm 2013 còn gặp khó khăn, chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương do chưa có hệ thống hồ sơ địa chính, dữ liệu quản lý đất đai đồng bộ như: Quy định về việc xác định tỷ lệ % diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để hỗ trợ ổn định đời sống đối với hộ dân bị thu hồi đất và xác minh nguồn gốc, loại đất thu hồi.

Sốp Cộp cũng đang gặp vướng mắc theo quy định tại khoản 1, khoản 4, Điều 129, Luật Đất đai 2013, do hạn mức giao 2 ha là rất thấp trong khi rất nhiều hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số sinh sống tại các bản vùng cao chỉ có duy nhất 1 loại đất nương rẫy trồng cây hàng năm (độ dốc cao) phải sản xuất luân canh để đất phục hồi.

Hạn mức giao đất nông nghiệp 2ha/hộ cũng chưa phù hợp, vì đa số nhân dân đang sử dụng diện tích trên 2ha/hộ, phần diện tích vượt hạn mức phải chuyển sang thuê, gây nhiều khó khăn cho công tác giao đất, cấp GCNQSDĐ lần đầu cho nhân dân. Hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp còn thấp nên hạn chế việc tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Việc cho thuê đất không thông qua hình thức đất đấu giá với đồng bào dân tộc thuộc diện miễn tiền thuê đất chưa cụ thể.

1(5).jpg

Đẩy mạnh tiếp công dân, nỗ lực giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai.

Tại Điểm b, Khoản 54, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 1/7/2014 thì diện tích đất ở được xác định là diện tích ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp.

Trong khi, hầu hết các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Sốp Cộp khi được cấp giấy chứng nhận theo Luật đất đai năm 1993 và Luật đất đai năm 2003 “đều không có” các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1,2,3 điều 100 Luật đất đai và điều 18 Nghị định 43, do vậy giấy chứng nhận đã được cấp diện tích tối đa không quá 400m2 theo hạn mức, “trên thực tế hộ gia đình đã sử dụng làm nhà ở trước năm 1980”, nay có nhu cầu xác định lại diện tích đất ở theo quy định thì không có cơ sở xác định lại diện tích đất ở gây thiệt thòi rất lớn cho nhân dân.

Huyện Sốp Cộp cũng đề nghị sửa đổi khoản 1, Điều 106, Luật Đất đai 2013, từ “Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót” thành “Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm đính chính giấy chứng nhận đã cấp có sai sót cho tổ chức, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót cho hộ gia đình, cá nhân”.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 54, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017, từ “Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ ngày 1/1/2008 đến trước ngày 1/7/2014 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai và Điều 18 của Nghị định này;” thành "Sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ ngày 1/1/2008 đến trước ngày 1/7/2014 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai và Điều 18 của Nghị định này. Trường hợp thửa đất đó không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai và Điều 18 của Nghị định này mà sử dụng ổn định đất đó không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch nhưng tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận có nhà ở hoặc không có nhà ở thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định”…

Nguyễn Nga