Chuyện 'dở khóc dở cười' ở ngôi làng có nhiều cặp sinh đôi chào đời

Gia đình - Ngày đăng : 14:44, 05/07/2022

Bí ẩn bao trùm ngôi làng có tỷ lệ sinh đôi cực cao ở Trung Quốc và có nhiều câu chuyện 'dở khóc dở cười' cũng từng xảy ra ở đây.

Ngôi làng nằm ở phía tây nam Trung Quốc trở thành trung tâm của sự bí ẩn do tỷ lệ cao sinh ra các cặp sinh đôi dù dân số địa phương khá ít.

Làng Baimu ở huyện Đan Lăng thuộc tỉnh Tứ Xuyên có tổng cộng 2.119 người dân sinh sống trong 631 hộ gia đình. Nhưng ít nhất 12 năm qua, ngôi làng đã có 33 cặp sinh đôi chào đời, theo Red Star News.

Chuyện 'dở khóc dở cười' ở ngôi làng có nhiều cặp sinh đôi chào đời
Ngôi làng nhỏ Baimu ở Trung Quốc có tỷ lệ sinh đôi ở mức rất cao. (Ảnh: The Paper)

“Trong 3 năm qua, cứ mỗi năm, ngôi làng của chúng tôi lại có một cặp sinh đôi chào đời. Điều này cho thấy ngôi làng của chúng tôi đáng được gọi là ‘làng sinh đôi’”, bà Li Yuxia, người cũng sinh đôi 2 con gái và đang làm bí thư ở làng Baimu, chia sẻ.

Trong số các cặp sinh đôi ở làng Baimu có 5 cặp đã qua đời. Ngoài ra, 7 cặp sinh đôi khác thì chỉ có 1 người còn sống, và 21 cặp song sinh khác cả 2 người cùng sống.

Thống kê của Red Star News cho thấy, trong số 28 cặp sinh đôi có 1 người còn sống hoặc cả 2 còn đang sống thì 10 cặp là con trai và 11 cặp là con gái, số còn lại là sinh đôi một trai một gái. Những cặp song sinh đang sống ở làng trải dài từ chưa đủ 1 tuổi cho tới 70.

Bà Li cho hay không chỉ người ngoài làng mà ngay cả dân làng và họ hàng của các gia đình có cặp song sinh cũng khó có thể phân biệt được sự khác nhau giữa các cặp anh em/chị em song sinh do ngoại hình quá giống nhau.

Bà Li nhớ lại 2 con gái sinh đôi của bà trước đây cùng học lớp 1 với nhau. Tuy nhiên, giáo viên đã phải nói rằng hai cô bé cần phải học khác lớp nhau, do giáo viên rất khó phân biệt được hai chị em.

Thậm chí, cô Huang Wenjuan, một người dân làng ở làng Baimu, từng nhầm lẫn anh Huang Wen, người sống cùng làng với người em trai song sinh của anh này là Huang Hui. Đúng ngày Huang Hui làm đám cưới, nhưng cô Huang Wenjuan lại đi hỏi anh Huang Wen vì sao không mặc đẹp trong ngày trọng đại.

Bản thân cô Huang Wenjuan cũng sinh 2 con gái sinh đôi và nay đều 3 tuổi.

"Tôi từng cho đứa lớn ăn bữa trưa tới 2 lần, trong khi đứa em không được ăn gì, vì tôi không nhận ra sự khác biệt giữa 2 con. Kết quả, đứa lớn khóc vì bị ăn quá no, còn đứa em thì khóc vì bị bỏ đói”, cô Huang Wenjuan nhớ lại.

Anh Huang He, người đang làm bố của cặp song sinh một trai một gái, chia sẻ câu chuyện kỳ lạ trong gia đình. Theo anh Huang He, mỗi khi hai đứa trẻ không ở cùng nhau, chúng sẽ cùng bị cảm lạnh.

“Tôi sẽ không sinh thêm con, bởi tỷ lệ lại sinh đôi là khá cao”, anh Huang He tâm sự.

Người dân ở làng Baimu khẳng định họ sinh đôi hoàn toàn tự nhiên. Theo dân làng, tỷ lệ cao sinh đôi trong làng xuất phát từ môi trường ở địa phương vốn có nguồn đất và nước trù phú, dù trên thực tế chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh nhận định này.

“Đất trong làng của chúng tôi chứa rất nhiều chất selenium. Nhưng dường như chuyện này không liên quan tới tỷ lệ cao sinh đôi. Chúng tôi cũng thực sự không biết lý do vì sao lại có nhiều cặp sinh đôi chào đời như thế”, bà Li cho hay.

Trên thế giới, tỷ lệ sinh đôi đối với một cặp vợ chồng chỉ là 1%, và tỷ lệ này ở Trung Quốc là 0,5%, theo ông Yu Rong, bác sĩ sản khoa tại Bệnh viện Xuanwu ở Bắc Kinh.

“Nếu họ hàng trong gia đình của một người có sinh đôi, cơ hội để anh ấy hoặc cô ấy sinh đôi sẽ cao hơn”, ông Yu nói.

Ông Yu nói thêm, nhớ ứng dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản như phương pháp làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), số lượng cặp sinh đôi chào đời trong những năm gần đây tại Trung Quốc cũng đang gia tăng đáng kể.

Minh Thu (lược dịch)