Những công dụng bất ngờ của cây me rừng đối với bệnh đường ruột

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 19:03, 03/07/2022

Không nhiều người biết, cành, vỏ, lá, quả và rễ của cây me rừng có công dụng chữa táo bón, tiêu chảy, thấp chẩn (chàm), tiểu tiện không thông, cao huyết áp và sốt cao do cảm mạo...
Những công dụng bất ngờ của cây me rừng đối với bệnh đường ruột
Me rừng được sử dụng để chữa bệnh thấp chẩn, mẩn ngứa, viêm da, táo bón, tiêu chảy, đau họng… Ảnh: Từ Ân

Me rừng có tên gọi khác là chùm ruột núi, ngưu cam tử, du cam tử, dư cam tử, mận rừng. Tên khoa học: Phyllanthus emblica. Họ: Thầu dầu.

Theo Lương y Thích Tuệ Tâm, Giám đốc Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa (Huế), cây me rừng lá có vị cay, tính bình; quả có vị hơi chát, chua ngọt, tính mát; rễ có vị đắng chát, tính bình.

Quả của cây me rừng có tác dụng tiêu viêm, sinh tân chỉ khát, hạ nhiệt, nhuận phế, hóa đờm; lá có tác dụng lợi tiểu; rễ và vỏ có tác dụng hạ áp, thu liễu; hoa có tác dụng hạ nhiệt, làm mát và nhuận tràng.

Các bộ phận của cây me rừng chủ trị cảm mạo phát sốt, cao huyết áp, tiểu tiện không thông, tiểu đường, đau răng, viêm ruột, đau thượng vị, bệnh bạch huyết, viêm da mẩn ngứa, chàm…

Dưới đây là các bài thuốc trị bệnh từ cây me rừng:

- Chữa chứng tăng huyết áp: Rễ cây me rừng 15 – 30g, sắc lấy nước uống, chia thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày.

- Chữa cảm mạo gây sốt cao: Quả me rừng 10 – 30g, sắc lấy nước uống, chia thành nhiều lần và dùng hết trong ngày.

- Bài thuốc lợi tiểu: Dùng vỏ thân 10 – 20g, sắc uống trong ngày. Hoặc lá me rừng 10 – 20g, mã đề và râu ngô mỗi thứ 1 ít. Đem các vị sắc lấy nước uống, chia thành nhiều lần uống hết trong ngày.

- Trị tiểu đường: Quả me rừng 15 – 20g, ướp với muối ăn rồi dùng uống hằng ngày.

- Trị nước ăn chân: Quả me rừng giã lấy nước rồi thoa lên chỗ da bị nước ăn.

- Bài thuốc chữa rắn cắn (áp dụng trong trường hợp chưa thể đến bệnh viện): Vỏ cây me rừng giã nát rồi thêm một ít nước vào, chắt lấy nước uống còn dùng bã đắp vào vết cắn. Sau đó cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất.

- Rượu me rừng kích thích tiêu hóa và tăng cường khả năng sinh lý:  Rượu trắng 2 lít và quả me rừng 1 kg, rửa sạch me, để ráo rồi xếp vào bình đổ rượu vào ngâm trong vòng 1 tháng. Mỗi lần uống 1 chén nhỏ, dùng 3 lần/ngày trong bữa ăn.

- Chữa tiêu chảy, đau bụng và đau họng: Rễ cây khô 15 – 20g, đem sắc với 700ml nước, chia thành nhiều lần uống trong ngày.

- Trị thấp chẩn, mẩn ngứa, viêm da mãn tính: Vỏ me rừng 15 – 30g, quả me rừng 10 – 30g, lá me rừng 10 – 20g, sắc uống, ngày dùng 1 thang. Đồng thời nên dùng lá me rừng nấu lấy nước tắm rửa hằng ngày.

Tường Minh