ASEAN trong vấn đề Myanmar: Nỗ lực bền bỉ, vì người dân và 'mái nhà chung'

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:00, 01/07/2022

Vấn đề Myanmar là một thách thức không nhỏ đối với 'mái nhà chung' ASEAN, tuy vậy, thời gian qua, Hiệp hội đã nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Myanmar.
Nỗ lực của ASEAN trong vấn đề Myanmar:
Đặc phái viên ASEAN, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn và đoàn công tác có chuyến công du thứ hai tới Myanmar. (Nguồn: TTXVN)

Đặc phái viên ASEAN, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn và đoàn công tác có chuyến công du thứ hai tới Myanmar từ ngày 29/6-3/7.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia cho biết chuyến công du lần thứ hai của đặc phái viên ASEAN Prak Sokhonn tới Myanmar nhằm đánh giá tiến triển của việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm và kết quả cuộc họp tham vấn về viện trợ nhân đạo của ASEAN dành cho Myanmar diễn ra ngày 6/5 vừa qua tại Phnom Penh, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho một tiến trình đàm phán chính trị đồng bộ thông qua thảo luận giữa tất cả các bên liên quan.

Đây là hoạt động tiếp nối những nỗ lực đáng ghi nhận của ASEAN trong giải quyết vấn đề ở Myanmar.

Dựa trên 5 điểm thống nhất

Vấn đề Myanmar xảy ra từ đầu năm 2021. Dấu mốc quan trọng là ngay tháng 4/2021, ở cấp cao nhất, các nước ASEAN đã đạt được thỏa thuận quan trọng, đó là Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar. Đồng thuận nhấn mạnh giải quyết hòa bình và ổn định câu chuyện Myanmar vì lợi ích của chính Myanmar nhưng cũng đóng góp vào lợi ích của khu vực và ASEAN.

Năm điểm thống nhất của ASEAN về Myanmar bao gồm: chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và cho phép đặc phái viên ASEAN đến Myanmar.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, nay là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ trong một dịp chia sẻ với báo chí đã nhấn mạnh lập trường của ASEAN trong vấn đề Myanmar: “Đối với tình hình Myanmar, ASEAN kiên định nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của các nước, đồng thời xác định, với tư cách là một cộng đồng, ASEAN phải giữ vai trò trung tâm, các thành viên ASEAN phải cố gắng giúp đỡ lẫn nhau, quan tâm, hỗ trợ Myanmar giải quyết khó khăn, sớm khôi phục tình trạng bình thường.

Trên tinh thần đó, trong năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo của ASEAN đã họp trực tiếp và thống nhất được Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về cuộc khủng hoảng ở Myanmar; hỗ trợ nhân đạo kịp thời cho người dân Myanmar ứng phó đại dịch Covid-19”.

Đồng thuận 5 điểm cũng như nỗ lực của ASEAN trong vấn đề Myanmar thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ và đánh giá cao. Trong hầu hết các hội nghị cấp cao của ASEAN với các đối tác, các đối tác đều bày tỏ ủng hộ vai trò và nỗ lực của ASEAN trong vấn đề Myanmar.

Bên cạnh đó, trong nhiều cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các thành viên đánh giá cao vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Myanmar; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện ngay và đầy đủ Đồng thuận 5 điểm; bày tỏ mong muốn đặc phái viên của ASEAN có thể thực hiện nhiệm vụ của mình, trong đó có thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và gặp gỡ các bên liên quan.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề Myanmar là một thách thức không nhỏ đối với ASEAN, đưa ASEAN đứng trước nhiều khó khăn mang tính lịch sử. Trong một bài viết trên Nikkei Asia, ông Kavi Chongkittavorn, nhà nghiên cứu thuộc Viện An ninh và quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) từng nhận định, nếu nỗ lực của ASEAN trong vấn đề Myanmar thất bại, uy tín và vai trò trung tâm của ASEAN trong mắt cộng đồng quốc tế sẽ bị ảnh hưởng.

Thế nhưng, rõ ràng, dù trước khó khăn, thử thách như thế nào, ASEAN cũng phải tiếp tục chứng minh là một tổ chức thành công. Trong lịch sử 55 năm qua, ASEAN đã làm được điều đó, trước thách thức như hiện nay, trong đó nổi cộm có vấn đề Myanmar, ASEAN có đủ sức sống để vượt qua.

Chia sẻ về chuyến thăm thứ hai đến Myanmar, Đặc phái viên Prak Sokhonn nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự tham gia của Myanmar để thực hiện Đồng thuận 5 điểm. Những mục tiêu chính trong chuyến thăm là ngừng bạo lực, đối thoại xây dựng, tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và cứu trợ nhân đạo. Đặc phái viên Prak Sokhonn bày tỏ lạc quan về những mục tiêu đặt ra, khẳng định nỗ lực giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng sẽ có kết quả, khi cả ASEAN và cộng đồng quốc tế tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng với Myanmar thay vì cô lập.
Nỗ lực của ASEAN trong vấn đề Myanmar:
Các nhà lãnh đạo ASEAN của 9 nước thành viên gồm Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Thái Lan và lãnh đạo quân đội Myanmar - Thống tướng Min Aung Hlaing tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ngày 24/4/2021. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam tích cực hỗ trợ tìm giải pháp

Trước những diễn biến phức tạp tại Myanmar, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các nước ASEAN tham gia hỗ trợ tìm giải pháp, kêu gọi kiềm chế, đối thoại và hòa giải; nêu những sáng kiến và đóng góp vào việc hình thành Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về cuộc khủng hoảng ở Myanmar nhằm đưa tình hình trở lại bình thường vì lợi ích của nhân dân Myanmar cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Gần đây, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình ở Myanmar, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam luôn mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để phát triển đất nước vì lợi ích của người dân Myanmar và tiếp tục đóng góp vào xây dựng cộng đồng ASEAN, đoàn kết ASEAN hoạt động trên cơ sở tham vấn, đối thoại và hợp tác phù hợp với Hiến chương của ASEAN.

Trước những khó khăn đặt ra cho Myanmar, ASEAN đã và đang hỗ trợ cho Myanmar, nhất là hỗ trợ nhân đạo trên tinh thần đoàn kết và đóng góp có trách nhiệm. Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm và mong rằng Myanmar sẽ tiếp tục tham gia vào tiến trình xây dựng ASEAN hòa bình, ổn định".

Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ tất các nỗ lực thúc đẩy đoàn kết hợp tác ASEAN. Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Campuchia-nước Chủ tịch ASEAN 2022 và các nước ASEAN khác đóng góp vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, trong đó có việc thực hiện Đồng thuận ASEAN vì lợi ích của người dân, vì hòa bình và phát triển của ASEAN.

Thời gian qua, tại các diễn đàn như Đại hội đồng Liên hợp quốc hay Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy một cách tiếp cận toàn diện, hợp tác và mang tính xây dựng thông qua các biện pháp kết nối, tin cậy lẫn nhau và xây dựng lòng tin đối với vấn đề Myanmar.

Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng cần tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm và hỗ trợ các nỗ lực của khu vực, trong đó có các chuyến thăm Myanmar của Đặc phái viên và phái đoàn của ASEAN.

Hà Phương