Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Lối sống thực dụng làm nảy sinh nhiều vấn đề trong văn hóa ứng xử gia đình

Xã hội - Ngày đăng : 11:23, 28/06/2022

Chia sẻ với Báo TG&VN nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, thời nay, các bậc cha mẹ dành nhiều thời gian hơn cho công việc, bộn bề với nỗi lo 'cơm áo gạo tiền', khoảng cách giữa cha mẹ - con cái xa nhau hơn.
Bùi Hoài Sơn
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc giáo dục phải bắt đầu từ gia đình.

Ông đánh giá như thế nào về văn hóa gia đình trong thời đại ngày nay?

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách, là nơi nuôi dưỡng và trao truyền các giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp của con người Việt Nam.

Từ xưa, mỗi gia đình luôn răn dạy con cháu cách đối nhân xử thế, trước hết phải học làm người, giáo dục đạo đức con người là gốc, phải bắt đầu từ giáo dục gia đình.

Một xã hội tốt, lành mạnh bắt đầu từ những gia đình tốt, lành mạnh. Chính vì thế, từ trước tới nay, văn hóa gia đình luôn được xã hội coi trọng. Gia phong, gia giáo là những từ được nhắc nhiều trong giáo dục gia đình truyền thống.

Gia đình ngày nay đã khác trước khá nhiều, phần lớn là gia đình hạt nhân, 2 thế hệ. Cha mẹ giờ đây cũng dành thời gian nhiều hơn cho công việc, với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, dành rất ít thời gian trò chuyện, chia sẻ với con cái. Đó là thực trạng chung và việc giáo dục con lại “trăm sự” nhờ thầy cô, nhà trường.

Trong khi đó, công nghệ và mạng xã hội phát triển dường như đang kéo khoảng cách giữa cha mẹ - con cái xa nhau hơn. Mọi thành viên dành thời gian cho mạng xã hội, cho thế giới ảo nhiều hơn là dành cho nhau.

Vậy ông có thể “bắt bệnh” thực trạng này ra sao?

Kinh tế thị trường với lối sống thực dụng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề trong văn hóa ứng xử gia đình, đặc biệt là những sai lệch chuẩn mực trong quan hệ gia đình.

Những vấn đề như mâu thuẫn xung đột thế hệ trong lối sống, phép ứng xử, vấn đề chăm người già, sự vô cảm của con cái, tệ nạn xã hội... đang ngày càng có cơ hội xâm nhập, len lỏi vào gia đình.

Ngoài ra, việc gia tăng tình trạng bạo lực gia đình, cùng các giá trị hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp, mà một phần nguyên nhân là các gia đình chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục các giá trị truyền thống cho con em mình. Điều này đã đặt ra cho gia đình những thách thức mới cần phải giải quyết.

Đặc biệt, nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra, trong đó có những vụ rất đau lòng khi tiếp cận từ góc độ đạo đức xã hội, đó là khi con hành hạ mẹ.

Tôi luôn trăn trở với câu hỏi là, lỗi tại ai và tại sao trong xã hội ngày càng văn minh, có nhiều điều kiện để thể hiện tình cảm, sự yêu thương với cha mẹ, nhưng những hành động không đẹp vẫn gia tăng?

Trước thực trạng như vậy, có cách nào giáo dục văn hóa gia đình đến từng cá nhân không, thưa ông?

Giáo dục gia đình là giáo dục làm gương. Khi những tấm gương không phản ánh những giá trị đạo đức xã hội, chắc chắn các thành viên sẽ lạc lối ngay trong chính gia đình mình.

Điều đáng nói, nếu chồng đối xử tệ bạc với vợ, cha mẹ không tuân thủ luật lệ giao thông, vứt rác bừa bãi nơi công cộng thì những câu chuyện giáo dục đạo đức, pháp luật ở nhà trường sẽ trở nên vô nghĩa.

Hơn hết, gia đình - nhà trường - xã hội được coi là 3 chân kiềng, là 3 môi trường quan trọng. Khi cả ba chân kiềng ấy đều được xem trọng như nhau thì mới đảm bảo được giáo dục đạo đức đến với mỗi cá nhân.

Tuy nhiên theo tôi, việc giáo dục phải bắt đầu từ gia đình, để những thông điệp tốt đẹp phải được lan tỏa từ những nơi gần gũi nhất.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng văn hóa trong bối cảnh gia đình Việt Nam đang đứng trước những thách thức, tác động của kỷ nguyên số?

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác gia đình, tuy nhiên, để phát huy được những nét đẹp trong văn hóa ứng xử thì vấn đề giáo dục gia đình vẫn là nhân tố quan trọng hơn cả.

Trong gia đình, người thầy đầu tiên của đứa trẻ chính là cha mẹ, nên muốn trẻ có nhân cách tốt thì trước hết cha mẹ và các thành viên trong gia đình phải là những tấm gương tốt.

Sự gương mẫu của cha mẹ hết sức cần thiết không chỉ trong quan hệ với con cái mà trong cả quan hệ giữa cha mẹ với nhau và với bên ngoài xã hội. Con cái sẽ nhìn vào cách cha mẹ ứng xử để học.

Đặc biệt, nếu trong gia đình có bạo lực gia đình thì đứa trẻ lớn lên sẽ có xu hướng bạo lực...

Bên cạnh đó, sự quan tâm, yêu thương và dành thời gian cho con cái cũng hết sức quan trọng, để hiểu con và giúp con vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Ngược lại, con cái cũng phải hiếu thuận, kính trọng ông bà, cha mẹ. Một gia đình có sự yêu thương, chia sẻ sẽ là nền tảng vững chắc cho đời sống hạnh phúc của mỗi thành viên.

Một trong những chức năng cơ bản của gia đình chính là giáo dục con cái. Toàn bộ các hoạt động trong gia đình, sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ của cha mẹ đều có ảnh hưởng rất lớn đến thói quen, nền nếp, nhân cách của con cái.

Bên cạnh yếu tố đạo đức, những ứng xử trong giao tiếp đều trở thành những chuẩn mực. Nói cách khác, gia đình chính là trường học đầu tiên, có tác động và định hình lối sống, lối ứng xử cho mỗi cá nhân.

Cùng với đó, một yếu tố quan trọng trong văn hóa ứng xử gia đình, đó là sự bình đẳng, tôn trọng giữa các thành viên gia đình. Sự bình đẳng ở đây có thể là cùng chia sẻ trách nhiệm, tôn trọng ý kiến con cái, nuôi dưỡng những bản sắc riêng và năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân trong gia đình.

Vậy theo ông, cần phát huy giá trị văn hóa ứng xử trong gia đình hiện nay thế nào?

Xây dựng văn hóa gia đình chính là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, chỉ xây dựng văn hóa trong gia đình thôi là chưa đủ. Chúng ta cần xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, rộng lớn hơn để tạo điều kiện cho văn hóa gia đình phát triển.

Văn hóa gia đình cũng là sản phẩm của văn hóa xã hội. Khi chúng ta có môi trường văn hóa xã hội, giáo dục tốt, chúng ta có thêm nhiều cơ hội để hình thành văn hóa gia đình tốt. Qua đó, sẽ tạo ra những con người có nhân cách tốt, tử tế trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Anh