Luật Điện ảnh (sửa đổi): Hết độc quyền hội đồng thẩm định phim

Dòng chảy - Ngày đăng : 14:00, 27/06/2022

Thay đổi lớn nhất và cũng là bước tiến đáng kể của Luật Điện ảnh (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua thể hiện ở quy định về quản lý phổ biến phim trên không gian mạng, hội đồng thẩm định phim. Ông Vi Kiến Thành (ảnh), Cục trưởng Cục Điện ảnh trao đổi với Tiền Phong về sự cởi mở, làm nền tảng và tạo ra hành lang pháp lý để điện ảnh phát triển.
a3-vi-kien-thanh-615.jpg

Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 15/6 có những thay đổi nào mang tính đột phá, thưa ông?

Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được thông qua có nhiều sự thay đổi thể hiện ở nhiều nội dung. Hai nội dung có thể xem là sự thay đổi lớn nhất chính là quy định quản lý phổ biến phim trên không gian mạng và sự phân cấp về cho địa phương tổ chức các hội đồng cấp giấy phép thẩm định và phân loại phim.

img-2751-3880.jpg
Có hơn một hội đồng duyệt phim để nhà sản xuất có quyền lựa chọn (Một cảnh trong phim Tiệc trăng máu)

Nội dung về quản lý phim không gian mạng là nội dung hoàn toàn mới chỉ có ở Luật Điện ảnh (sửa đổi) 2022, bởi Luật Điện ảnh năm 2006, 2009 chưa có câu chuyện phổ biến phim trên không gian mạng. Quốc hội thống nhất đưa ra phương án quản lý phù hợp với xu hướng chung, cởi mở hơn theo tinh thần hậu kiểm là chính. Tuy nhiên, luật cũng đưa ra một vài quy định về tiền kiểm bước đầu, chẳng hạn như tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định mới của pháp luật.

kong-dao-dau-a2-lau-3147.jpg
Các nhà sản xuất phim quốc tế như “Kong: Đảo đầu lâu” sẽ chỉ cần gửi kịch bản tóm tắt khi quay ở Việt Nam

Bên cạnh đó, quy định về hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng có sự “nới lỏng” hơn. Thay vì phải duyệt cả kịch bản phim (rào cản lớn nhất khi các nhà làm phim quốc tế muốn chọn Việt Nam làm bối cảnh-PV) thì nay nhà sản xuất chỉ cần gửi kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Tuy thế các nhà quản lý cũng đối diện rủi ro nhiều hơn, bởi hình ảnh Việt Nam, văn hóa và con người Việt Nam có thể bị hiểu sai lệch.

Luật Điện ảnh (sửa đổi) cho phép nhiều hơn một hội đồng thẩm định phim, nghĩa là không còn sự độc quyền như hiện nay. Ông có thể nói rõ hơn về điểm đổi mới này?

Việc thẩm định và phân loại phim được phân cấp về cho địa phương. Đây là đổi mới lớn nhất về công tác quản lý nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về phân cấp quản lý cho địa phương. Bộ VHTTDL, UBND cấp tỉnh cấp giấy phép phân loại phim phổ biến trong hệ thống rạp chiếu phim và địa điểm công cộng.

Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng là một trong những điểm nổi bật của Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này. Trước đây từng được đề cập nhưng Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh lần này được quy định cụ thể hơn về xác định nguồn thu, cơ cấu tổ chức khiến dễ vận dụng hơn. Quỹ nhằm hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; hỗ trợ cho tác giả, dự án sản xuất phim, phim Việt Nam xuất sắc tham gia các liên hoan, giải thưởng, chương trình tuần phim tại nước ngoài…

Bộ VHTTDL cấp giấy phép phân loại phim phổ biến trong rạp chiếu phim; tại địa điểm chiếu phim công cộng; trên không gian mạng trong một số trường hợp, tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được cấp giấy phép phân loại phim khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ VHTTDL. Giấy phép thẩm định và phân loại phim của bộ và các địa phương cấp đều có giá trị trên toàn quốc.

Có thêm các hội đồng duyệt phim ở địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà sản xuất, phát hành tuy nhiên dư luận cũng lo ngại về khả năng thẩm định của các hội đồng địa phương, nhất là trước các tác phẩm điện ảnh gai góc. Làm thế nào để kiểm soát chất lượng của hội đồng thẩm định và phân loại phim?

Việc này được quy định rõ trong luật, theo đó thành phần của hội đồng thẩm định, phân loại phim bao gồm các nhà chuyên môn điện ảnh, chuyên gia, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực điện ảnh. Bộ VHTTDL quy định tổ chức và hoạt động của hội đồng. Như vậy chỉ các tỉnh/thành nào hội đủ điều kiện về nhân lực, trình độ mới được bộ chấp thuận thành lập hội đồng thẩm định, phân loại phim. Bộ VHTTDL sẽ soạn thảo nghị định và các thông tư đi kèm để đưa ra tiêu chí cụ thể hơn về phân loại phim, tiêu chí đủ điều kiện thành lập hội đồng.

Công tác thẩm định, phân loại phim sẽ do các địa phương tự chịu trách nhiệm. Sự cởi mở nào cũng đi liền rủi ro về công tác quản lý. Sắp tới trong quá trình đưa Luật Điện ảnh (sửa đổi) vào đời sống, bộ sẽ tổ chức tập huấn cho các thành viên hội đồng địa phương. Địa phương nào không có khả năng thành lập hội đồng thì đơn vị sản xuất có thể lựa chọn hội đồng của Bộ VHTTDL. Người ta được quyền lựa chọn hội đồng để cấp phép phổ biến, phân loại phim. Điều này tạo ra sự cạnh tranh giữa các hội đồng. Sự cởi mở này khiến giới sản xuất phim thấy thú vị hơn, tuy nhiên các nhà quản lý địa phương đối diện với trách nhiệm và rủi ro. Người chịu trách nhiệm cuối cùng về quyết định cấp giấy phép phân loại phim chính là giám đốc các sở quản lý văn hóa và Cục trưởng Cục Điện ảnh.

Cảm ơn ông!

Cần có tiêu chí chung cho các hội đồng duyệt phim

GS.TS Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện đánh giá quy định về thẩm định, phân loại phim là điểm tiến bộ, giúp giảm gánh nặng cho hội đồng hiện nay khi số lượng phim ngày càng nhiều. Việc phân cấp cho địa phương tạo ra quyền chủ động, tuy thế cũng đặt ra thách thức không nhỏ.

“Cần tạo ra mặt bằng chung, tiêu chí chung để không dẫn đến tình trạng cánh cửa này rộng hơn, cánh cửa kia hẹp hơn hoặc nhận thức mỗi nơi một khác về cùng một bộ phim. Vì vậy những quy định hướng dẫn để thực hiện luật, cũng như nhận thức của người thực thi rất quan trọng”, ông nói. GS.TS Trần Thanh Hiệp phân tích, để tránh những tranh cãi không cần thiết, hội đồng của Bộ VHTTDL và hội đồng ở địa phương cần có sự thống nhất về tiêu chí chung, cụ thể hóa các quy định.PHƯƠNG HÀ