Cục trưởng Cục quản lý nhân lực quân đội: 'Không có thành viên nào của BTS nói rằng họ sẽ không nhập ngũ'

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 19:10, 25/06/2022

Hiện tại, Tổng thống Yoon Seok Yeol vẫn đang phải cân nhắc kĩ lưỡng về việc sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự cho BTS.

Ngày 24/6, Ông Lee Ki Sik, Cục trưởng Cục Quản lý Nhân lực Quân đội đã gặp gỡ các phóng viên tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Yongsan, Seoul và trả lời quan điểm về vấn đề Đạo luật nghĩa vụ quân sự đặc biệt cho BTS.

Ông Lee cho biết: "Làm thế nào để tạo ra nguồn lực phục vụ tốt cho quân đội là nhiệm vụ lớn nhất của Cục Quản lý Nhân lực Quân đội, đồng thời, chủ đề lớn nhất mà những người trẻ tuổi quan tâm là sự công bằng".

Ông Lee nói: "Phải loại bỏ tối đa những người trốn tránh nghĩa vụ quân sự để cho thanh niên cảm thấy "À, thì ra tất cả mọi người đều nhập ngũ một cách công bằng’ thì thanh niên mới thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự được".

Khi được hỏi: "Trong số các thành viên BTS có ai đã nộp đơn xin nhập ngũ chưa?", Cục trưởng Lee trả lời: "Tôi không biết" nhưng ông cũng nói thêm: "Không có thành viên nào nói rằng họ sẽ không nhập ngũ".

Tháng trước, khi Ahn Gyu Baek của Đảng Dân chủ hỏi Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội rằng: "Ông nghĩ gì về đặc quyền nghĩa vụ quân sự đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và nghệ thuật đại chúng?", Cục trưởng Lee tỏ thái độ thận trọng: "Tài nguyên quân lực đã đụng phải vách núi (ý chỉ sắp cạn kiệt do tỉ suất sinh thấp), chủ đề của thanh niên là công bằng".

Theo luật nghĩa vụ quân sự hiện hành, chỉ có những người đoạt giải 1~3 tại Thế vận hội Olympic, Asian Games, các cuộc thi nghệ thuật trong nước và quốc tế mới được coi là nhân viên nghệ thuật và thể thao và hưởng quyền lợi miễn nghĩa vụ. Do đó, một số người trong giới văn hóa đại chúng đã chỉ trích rằng "phải công nhận thành tựu của các ngôi sao Hallyu như BTS" và tiếp tục nỗ lực lập pháp chính trị.

Quốc hội vẫn đang hứng chịu những tranh cãi về tính "công bằng" do sự phản đối dữ dội từ các nam thanh niên sau khi dự luật được đưa ra vào tháng 11 năm ngoái. Các cuộc thảo luận về "miễn trừ" đã tạm dừng trong 7 tháng. Cũng không có tin tức nào về một phiên điều trần công khai dự kiến ​​được tổ chức vào tháng 12 năm ngoái.

The Joong Ang dẫn lời một nhà lập pháp từ đảng Quyền lực Nhân dân từng tham dự các cuộc thảo luận về dự thảo sửa đổi: "Không có đủ phạm vi cho cuộc thảo luận do cuộc bầu cử Tổng thống và phản ứng dữ dội từ những thanh niên trẻ ở độ tuổi 20 gây ra rất nhiều rắc rối".

Người này nói: "Do các cuộc bầu cử ở địa phương và những khó khăn phát sinh từ các thành viên Quốc hội, các cuộc thảo luận về dự luật đã đi vào bế tắc. "Công bằng" là từ nhạy cảm nhất trong giới chính trị lúc này".

Mặt khác, trên đường đến văn phòng Tổng thống ở Yongsan vào ngày hôm trước, Tổng thống Yoon Seok Yeol đã nói về vấn đề nghĩa vụ quân sự đặc biệt của BTS: "Tổng thống không nên đưa ra lập trường trước mà phải làm theo quy định của pháp luật cũng như cách nhìn của người dân".

Tổng thống Yoon nói: "Hoặc nếu dư luận của người dân đồng tình, chúng tôi có thể sửa đổi các quy định liên quan tại Quốc hội. Tôi nghĩ đây không phải là tình huống mình có thể đề cập trước được".

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội ca sĩ Hàn Quốc - bà Lee Ja Yeon tỏ ý ủng hộ việc miễn nhập ngũ đối với BTS. Bà cho hay: "Hãy xét đến các trường hợp ngoại lệ trong luật nghĩa vụ quân sự về thể thao và văn hóa nghệ thuật đại chúng. Tôi mong Quốc hội và Chính Phủ hãy ra sức quan tâm đến sự bùng nổ của làn sóng Hallyu và giúp nó tiếp tục lan rộng bằng cách tích cực xem xét việc sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự để BTS tiếp tục hoạt động". Thế nhưng, không ít công chúng phản đối ngoại lệ dành cho BTS bởi với họ, boygroup này chưa phải đại diện cho làn sóng Hallyu.

(Theo K Crush).

T.H (tổng hợp),