Ngày này 36 năm trước, Maradona thực hiện 'bàn tay của Chúa'

Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 20:07, 22/06/2022

Đúng ngày này 36 năm trước, Maradona ghi bàn thắng “Bàn tay của Chúa” vào lưới tuyển Anh ở Mexico 86. Một huyền thoại ra đời và mối thâm thù kéo dài đến tận hôm nay.

Sự nổi tiếng của bàn thắng đã tạo cảm hứng cho Đạo diễn Paolo Sorrentino, từng đoạt Oscar với “The Great Beauty” làm một bộ phim “Hand of God” về giấc mơ bóng đá, lấy bối cảnh tại Napoli, đội bóng gắn liền với tên tuổi Maradona.

ent7lbhxeausxh4(2).jpg
'Bàn tay của Chúa' trở thành đề tài cho nhiều họa sỹ.

Người Anh thắng với súng đạn nhưng thua với quả bóng

Trước khi Anh – Argentina dẫn nhau ra sân Azteca ở Mexico City, quan hệ giữa hai nước đã rất xấu khi nổ súng vào nhau ở quần đảo Falkland (Argentina gọi là Malvinas theo tiếng Tây Ban Nha) ngoài khơi Đại Tây Dương vào năm 1982. Xung đột kéo dài 74 ngày thì Anh giành quyền tiếp quản.

57434909-10785069-image-a-25_1651746209370_11zon(1).jpg
Anh - Argentina bước ra sân từ đường hầm sân Azteca ngày 22/6/1986.

Bối cảnh đó khiến trận đấu ngày 22/6/1986 ở Azteca thành cuộc quyết đấu “vì danh dự tổ quốc”, mượn quả bóng thay súng đạn, bên nào cũng quyết thắng để hả hê. Một số cuộc đụng độ lẻ tẻ ngoài sân của CĐV hai bên diễn ra trước giờ bóng lăn.

“Khi chúng tôi hát quốc ca, người Argentina huýt sáo và la ó không ngừng. Sau đó CĐV chúng tôi làm điều tương tự khi quốc ca của họ cất lên. Hai bên bắt tay rất hờ hững”, cựu thủ môn Peter Shilton hồi tưởng.

57434899-10785069-image-a-9_1651745062841_11zon(1).jpg
Maradona, Peter Shilton và tổ trọng tài - những nhân vật chính của trận đấu.

Hiệp 1 không có gì nổi bật. Lịch sử bắt đầu ở phút thứ 6 của hiệp 2 khi Maradona dẫn bóng băng vào từ cánh trái chuyền chéo cho Jorge Valdano thực hiện phối hợp 1-2. Tiền vệ phòng ngự Steve Hodge lui về cố móc bóng ra nhưng lại biến thành một đường chuyền cho Maradona lao xuống. Thủ môn Peter Shilton lao ra nhưng chiều cao 1m85 của anh không kịp đấm quả bóng khỏi đầu Maradona thấp hơn mình đến 15cm. Bóng đi vào khung thành, trọng tài người Tunisia Ali Bin Nasser công nhận bàn thắng.

hand_of_god_maradona_3(1).jpg
Chiều cao 1m85 của Shilton không thắng nổi mưu mẹo của Maradona thấp hơn mình đến 15cm.

Bốn phút sau, Maradona ghi tiếp bàn thắng thứ 2 bằng pha solo được FIFA bình chọn là bàn thắng đẹp nhất thế kỷ 20, đi bóng từ giữa sân qua 5 cầu thủ lẫn Shilton ấn định chiến thắng 2-0.

Trận thua bẽ bàng khiến mối thù giữa Anh và Argentina càng trở nên căng thẳng. Maradona biết rõ mọi thứ: “Tôi đợi đồng đội ôm lấy mình nhưng không ai đến… Tôi nói với họ: “ Hãy ôm tôi đi, nếu không trọng tài sẽ không công nhận”. Khi trung vệ Sergio Batista lao đến hỏi: “cậu dùng tay, đúng không?”. Cậu bé Vàng thản nhiên: “Cứ im đi, ăn mừng tiếp đi”.

57434921-10785069-image-a-21_1651746200457_11zon(1).jpg
Bàn thắng thứ hai của Maradona là một tác phẩm hoàn hảo.

Maradona chưa bao giờ hối hận, thậm chí còn khoái trá về việc làm của mình khiến người Anh hậm hực. Trong bộ phim tài liệu của đạo diễn Asif Kapadia, ông khoái trá nói "đó là một cảm giác đẹp, một kiểu trả thù mang tính biểu tượng đối với người Anh vì trận thua las Malvinas. Trước trận đấu chúng tôi đã nói rằng bóng đá không liên quan gì đến cuộc chiến ở Malvinas, nhưng chúng tôi biết rất nhiều người lính Argentina đã ngã xuống. Nó không phải là bóng đá nữa mà giống như đánh bại một quốc gia”. Peter Shilton đã khó chịu đến mức từ chối tham dự buổi ra mắt phim.

02d10000-0aff-0242-c363-08da2e1c432f_w1597_n_r1_st_s(1).jpg
Maradona đi vào lịch sử sau bàn thắng này.

Trung vệ Terry Butcher kể với Daily Record: "Anh ta không nói được tiếng Anh còn tôi không nói được tiếng Tây Ban Nha. Nhưng khi tôi ra hiệu hỏi dùng đầu hay tay, anh ta vẫn chỉ vào đầu, điều đó càng làm tôi khó chịu hơn. Nếu anh ta thừa nhận và nói xin lỗi, có lẽ tôi chỉ đấm hắn 4 hoặc 5 cái chứ không phải 20 cái như ý định”.

57438529-10785069-the_daily_mail_s_front_page_proclaimed_how_england_had_been_beat-a-162_1651807975801_11zon(1).jpg
Báo chí Anh dù phẫn nộ với Maradona nhưng phải thừa nhận thua vì một thiên tài.

Một ngày sau khi Maradona qua đời, báo lá cả ở Anh vẫn không ngớt mắng bằng những từ “kẻ xấu xa”, “gã gian manh”. Tờ Daily Star thậm chí còn giễu cợt: "VAR ở đâu khi chúng tôi cần nó nhất?".

Tổ trọng tài tuyệt giao gần 4 thập kỷ

Suốt 36 năm qua, vai trò của các “vua áo đen” ngày 22/6/1986 được nói rất nhiều. Hôm đó, FIFA bố trí trọng tài chính Ali Bin Nasser (Tunisia), hai trợ lý Bogdan Dochev (Bulgaria) và Ulloa Morera (Costa Rica). Bin Nasser là một Kỹ sư, Dochev từng là cựu cầu thủ chuyên nghiệp, người còn lại là giáo viên thể chất.

57435437-10785069-image-a-8_1651745052679_11zon(1).jpg
Các trọng tài Ulloa Morera, Ali Bin Nasser và Bogdan Dochev

Là người ngồi trên ghế dự bị và thấy rất rõ, cựu tiền đạo John Barnes hồi tưởng: “Tôi không trách Maradona. Tôi chỉ trách các trọng tài đã không nhìn thấy”. Cũng như ông, rất nhiều trách trọng tài là nguyên nhân chính của sai sót.

Thời điểm bàn thắng diễn ra, Bin Nasser và Dochev đã ngập ngừng chốc lát với hồ nghi nhất định. Nhưng cả hai không trao đổi với nhau, bởi một người chỉ biết tiếng Pháp, người kia ngoài tiếng Bulgaria chỉ biết tiếng Đức. Morera chỉ biết tiếng Tây Ban Nha. Sự trớ trêu ấy đã khiến sai lầm lên đến đỉnh điểm.

Sau trận đấu, thông qua một thông dịch viên trong phòng thay đồ, cả hai hiểu ra vấn đề và suốt gần 4 thập kỷ qua tuyệt giao với nhau, thậm chí công kích đổ tội cho người kia trên truyền thông.

7a621.jpg
Ali Ben Nasser đã bị Maradona lừa hay chính ông sai sót?

Đây cũng là trận cầm còi cuối cùng của Bin Nasser ở World Cup. Ông trở thành thành viên nhóm cải cách bóng đá Tunisia và có một trong số các con trai theo nghề cầm còi. Nhưng cuộc đời Dochev thì kinh khủng hơn.

Dochev qua đời năm 2017 ở tuổi 80. 3 năm trước khi mất, ông thừa nhận với báo chí Bulgaria rằng đã nhìn thấy Maradona đấm bóng vào lưới. Nhưng luật FIFA thời đó không cho phép trợ lý chủ động báo lỗi với trọng tài chính mà phải đợi trọng tài chính yêu cầu . Dù muốn nhưng ông đành phải im vì không thấy Nasser ra hiệu.

skysports-diego-maradona-engla-7327-8053-1496380592.jpg
Cuộc đời của trọng tài Dochev (giữa) thay đổi hoàn toàn sau cú bắt tay này.

Dotchev uất ức là bởi năm 2001, nhân kỷ niệm 15 năm trận đấu diễn ra, Ali Bin Nasser lên tiếng đổ lỗi cho mình trên một tờ báo Argentina: “Tôi ngập ngừng chờ Dochev gợi ý điều gì đã xảy ra, nhưng ông ấy không giương cờ mà chạy về giữa sân. Theo hướng dẫn của FIFA, nếu trợ lý đứng ở vị trí tốt hơn thì tôi phải tôn trọng”.

Từ chỗ có tất cả, Dochev mất hết. Ông có bằng cấp về tài chính nhưng không thể đi làm. Bạn bè xa lánh, dư luận trì chiết là “kẻ làm ô nhục đất nước”. Ông sống ẩn dật trong đau khổ, bị ghẻ lạnh và chết lặng lẽ.

download.jpg
Dochev qua đời ở tuổi 80, trong lặng lẽ và uất hận.

Sau khi mất, vợ ông là bà Emily nói mọi tai ương của gia đình là do chính Nasser, bởi quyết định cuối cùng là của trọng tài chính. Bà tiết lộ trước trận Bin Nasser đã nói với chồng bà: "anh không cần phải làm bất cứ việc gì, cứ để cho tôi”.

ensx625xuaioxpx(1).jpg
Maradona sang tận Tunisia thăm lại Ali Bin Nasser năm 2015.

Bà quả phụ thề độc với tờ The Sun: “Đó là “bàn tay của Chúa” nhưng là cú đá chí mạng với gia đình tôi. Tôi không bao giờ tha thứ cho Bin Nasser và Maradona”. Trước khi chết, Dotchev không thôi nhiếc móc Maradona: “ đó một thiên tài bóng đá nhưng là một gã giảo hoạt hạng nhất. Anh ta thấp bé cả hình thể lẫn nhân cách”.

_4qgqh-it_720x0__1_11zon.jpg
Ali Bin Nasser khoe những kỷ vật do Maradona tặng.

Dothev càng cay đắng hơn vì năm 2015, chính Maradona đã sang tận Tunisia tìm đến nhà thăm…Bin Nasser, tặng ông này một chiếc áo Argentina có chữ ký của mình.

Ai đang giữ chiếc áo của Maradona?

Tháng 4/2022, nhà đấu giá Sotheby's đã bán thành công chiếc áo mà Maradona đã mặc với giá 9,3 triệu USD (7,1 triệu bảng), mức giá cao nhất từng được đấu giá cho một kỷ vật thể thao, vượt qua kỷ lục 8,8 triệu USD cho bản tuyên ngôn phát động phong trào Olympic hiện đại.

57438859-10785069-former_england_midfield_player_steve_hodge_with_the_infamous_arg-a-165_1651807980642_11zon(1).jpg
Cựu trung vệ Steve Hodge luôn xem chiếc áo của Maradona là kỷ vật quý giá.

Điều gây ngạc nhiên là người Anh thua trận nhưng lại sở hữu “bảo vật quốc gia” của người Argentina. Chuyện ly kỳ bắt đầu từ Steve Hodge, người phá bóng hỏng khiến Maradona ghi được bàn.

Hodge năm đó 24 tuổi, đang khoác áo Tottenham và lần đầu dự World Cup: “Sau trận, tôi thử kiếm một chiếc áo. Tôi bắt tay Maradona nhưng anh ấy đang có nhiều đồng đội vây quanh. Tôi nghĩ không có cơ hội và đi luôn. Sau khi trả lời phỏng vấn, tôi đi xuống phòng thay đồ thì thấy Maradona cùng hai đồng đội đi cùng. Tôi nhìn anh ta và kéo mạnh áo mình, như thể muốn nói: “đổi áo nhé”. Anh ta tiến thẳng đến, ra hiệu đồng ý và chúng tôi đổi áo”.

e32f0d38-9e39-4e1f-ab17-881a35c84204_11zon.jpg
Sau cái chết của Maradona, chiếc áo lịch sử được bán đấu giá.

Chuyện chỉ có thế nhưng Hodge cũng gặp nhiều rắc rối vì “đổi áo với kẻ thù”, “kết bạn với tên trộm thể kỷ”. Nhiều CĐV quá khích đòi Hodge giao lại để…đốt hoặc xé thành trăm mảnh. Ông phải đem cho Bảo tàng bóng đá quốc gia Anh ở Manchester mượn trưng bày.

Khi Sotheby’s công bố bán, gia đình Maradona, cụ thể là cô con gái Dalma đã mắng Hodge lừa đảo và nghi chiếc áo số 10 màu xanh lam là giả. Sotheby’s cãi rằng họ đã thuê hẳn công ty công nghệ hình ảnh Resolution Photomatching giám định và được xác nhận bởi giám đốc khoa học của Sotheby.

maradona-sothebys_11zon.jpg

Thực tế, có đến hai bộ áo xanh của Argentina tại Mexico 86. Nguyên nhân là HLV Carlos Billardo lo ngại bộ áo cotton mang theo trở nên nặng nề vì thấm mồ hôi dưới cái nắng chói chang của Mexico. Ông lệnh trợ lý kỹ thuật Ruben Moschella chạy khắp thành phố tìm mua được một bộ xanh đậm, một xanh nhạt. Đích thân Maradona đã chọn bộ xanh đậm. Một thợ may địa phương được thuê đến để may gấp logo AFA và dán số sau lưng bằng bàn ủi. Chính vì thế Sotheby’s chứng minh rằng logo được may khá cẩu thả và số áo không đồng đều về kích cỡ lẫn màu sắc lấp lánh kỳ quái.

Nhà sưu tập nổi tiếng người Argentina Marcelo Ordas, chủ sở hữu của một trong những bộ sưu tập áo bóng đá lớn nhất thế giới, ngay lập tức sang Anh cùng Chủ tịch AFA Claudio Tapia bằng mọi giá mang về “bảo vật quốc gia” để trưng bày đúng vào dịp sinh nhật Maradona. Dù bỏ giá đến 5,5 triệu bảng nhưng ông vẫn thất bại và khóc tại chỗ.

Cho đến nay, chủ nhân mua được chiếc áo của Maradona vẫn bí mật vì Sotheby’s không công bố theo thỏa thuận. Có đồn đoán đó là nhóm người đến từ Trung Đông có liên hệ mật thiết với Man City.

download-1-_11zon.jpg
Sotheby's phải nhờ đến một công ty phân tích hình ảnh để chứng minh chiếc áo của Maradona là thật.

Brahm Wachter, phụ trách bộ phận sưu tầm hiện đại của Sotheby nói chiếc áo là lời nhắc nhở hữu hình về thời điểm quan trọng không chỉ trong lịch sử thể thao mà còn trong lịch sử thế kỷ 20.

36 năm sau buổi chiều ở Azteca, ‘bàn tay của Chúa” chưa bao giờ hết bàn tán sôi nổi. Sau cái chết của Maradona, tờ Goal đã có bình luận tâm đắc: “Hãy cứ để nó xảy ra và sống mãi đến bây giờ. Câu chuyện về Maradona còn nhiều hơn những gì đã xảy ra ngày hôm đó và gói gọn con người của Maradona một cách hoàn hảo”

Bình An (tổng hợp)