NSƯT Trần Lực: Sân khấu chẳng bao giờ 'chết'…

Dòng chảy - Ngày đăng : 21:30, 22/06/2022

Khi phim “Em và Trịnh” đang “nóng” ngoài rạp, bất chấp tranh luận nhiều chiều, thì người thủ vai Trịnh Công Sơn tuổi trung niên chỉ muốn giữ im lặng không bàn đến vai diễn của anh hay bộ phim đang ăn khách. NSƯT Trần Lực đã trở về với sân khấu kịch.

Anh là một trong số những nghệ sỹ có tên trong danh sách xét tặng danh hiệu NSND lần thứ 10. Được xét tặng danh hiệu cao quý ở tuổi này có vẻ hơi muộn với anh?

NSƯT Trần Lực: (cười). Không muộn, cũng theo đúng tiêu chuẩn ấy mà.

Là người tình màn ảnh một thời của Lê Khanh, nhưng Lê Khanh đã đón nhận danh hiệu NSND từ lâu. Anh cũng là gương mặt quen thuộc với khán giả nhiều thế hệ. Đến tận bây giờ mới có tên trong danh sách xét tặng, chẳng lẽ anh không có chút nào chạnh lòng?

NSƯT Trần Lực: Tôi không phải không để ý mà đó không phải mục đích của tôi. Mà muốn có danh hiệu thì phải có giải thưởng. Tôi quay sang sản xuất phim, cứ chăm chăm sản xuất suốt thời gian rất dài từ 2007 đến 2014. Rồi làm sân khấu nên mới được 2 cái giải thưởng. Thế thì mới được xét (cười).

tran-luc-thoi-tre-2192.jpg
NSƯT Trần Lực thời trẻ

Sao anh cứ nhảy vào chỗ khó khăn, như sân khấu kịch chẳng hạn?

NSƯT Trần Lực: Mình phải tự tin. Nhưng trước hết là phải yêu, phải đam mê. Gốc của tôi là học sân khấu. Tôi nói thật, tôi yêu sân khấu, đó là nghề của gia đình tôi, từ bố tôi đến mẹ tôi, hồi bé tôi cũng sống trong môi trường sân khấu. Thành ra yêu nó. Ngay cả hồi làm phim tôi vẫn yêu sân khấu lắm. Nhiều người nói: Sân khấu chết lâm sàng, nọ kia, tôi luôn nói: Sân khấu chẳng bao giờ chết cả. Có người nói, nốt trầm của sân khấu là do khán giả. Họ thờ ơ, không thích sân khấu. Chẳng qua do chúng mình thôi. Chúng mình cứ mãi mãi làm một thứ, chúng mình không có sự thay đổi theo xã hội bây giờ.

Anh dám nhận lỗi về mình?

NSƯT Trần Lực: Có gì đâu? Chuyện bình thường mà. Tôi nói rồi: Sân khấu không bao giờ chết. Chẳng qua chúng ta cứ làm mãi theo một lối mòn. Phải mới lạ, bắt kịp thời đại. Tôi cứ hồn nhiên nói thế thôi, chứ không mưu mô gì ở đây đâu nhé (cười).

Anh đã trở lại cân nặng trước đây chưa?

NSƯT Trần Lực: Chưa đâu. Trước tôi nặng 74 kg, tôi xuống 62 kg khi đóng phim bây giờ ở mức 66, 67 kg. Đây là cân nặng “lý tưởng” của tôi, người gọn.

Những dự định của anh cho sân khấu?

NSƯT Trần Lực: Từ 2017 đến 2019, chúng tôi công diễn 4,5 vở. Tôi làm âm thầm với ngôn ngữ và phong cách sân khấu khác mọi người. Bản thân tôi cũng nhận được nhiều phản biện của dân trong nghề. Có người họ cho rằng sân khấu của tôi không phải là kịch vì tôi đi theo ngôn ngữ sân khấu ước lệ biểu hiện. Thực ra thế giới họ làm nhiều mà.

luc-hong-8973.jpg
NSƯT Trần Lực là con trai của GS.NSND Trần Bảng- đạo diễn, soạn giả, nhà nghiên cứu chèo

Ngôn ngữ sân khấu ước lệ liệu có làm khó khán giả và khó chính anh?

NSƯT Trần Lực: Không có gì khó đâu. Bởi vì như tôi đã nói, nghệ thuật sân khấu trên thế giới đã hướng tới và đang làm phong cách như vậy. Tại sao tôi lại làm sân khấu theo phong cách này? Vì trong nghệ thuật truyền thống của mình, tuồng, chèo chẳng hạn cũng là sân khấu ước lệ đó thôi. Đặc biệt trong tuồng ngôn ngữ của nó là ngôn ngữ biểu hiện. Có người khen tôi theo đúng đường lối, khi hướng về văn hóa truyền thống. Nhưng tôi không làm theo khẩu hiệu, mà tôi cảm nhận được văn hóa truyền thống quá hay, quá đẹp. Nhiều người, không phải riêng tôi, đã nhìn thấy giá trị của văn hóa truyền thống nhưng họ chưa thấy cái hay, cái đẹp long lanh của nó. Ước lệ biểu hiện là tả ý, còn hiện thực tâm lý là tả thực

Sâu khấu tư nhân đối mặt nhiều thách thức. Ở phía Nam, một “bà bầu” nổi tiếng cũng đã “đầu hàng”. Anh có cảm thấy áp lực?

NSƯT Trần Lực: Tôi cũng như Hồng Vân, nếu không thu được vốn đầu tư thì cũng phải dẹp đi thôi. Nhiều người, kể cả bạn bè, gia đình, giới trong nghề, cũng nhận định về tương lai sân khấu của tôi: Ôi giời 3, 7, 21 ngày là dẹp. Nhưng tôi có một niềm tin khán giả vẫn yêu sân khấu lắm. Vấn đề là chúng ta phải làm gì? Phải xây dựng sân khấu thế nào thôi. Phải có sự khác biệt, từ hình thức tới ngôn ngữ thể hiện.