Dự án gần 72 tỷ đồng, 13 lần vỡ, rò rỉ đường ống: Chưa ‘chốt’ ngày vận hành

Xã hội - Ngày đăng : 18:34, 16/06/2022

Chủ đầu tư đổ lỗi do đơn vị thi công, cũng như kết luận của cơ quan chức năng chưa chính xác… nhưng chưa xác định được ngày vận hành công trình gần 72 tỷ đồng.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, sau 13 lần vỡ, rò rỉ tại 13 vị trí (sau khi đưa nước về trạm bơm còn vỡ thêm 1 vị trí khác),  chủ đầu tư đã tạm thời dừng khắc phục, sửa chữa để xác định nguyên nhân hư hỏng.

“Những hư hỏng trên tuyến đường ống 630 được Bộ NN&PTNT xác định là những “tồn tại, khiếm khuyết” chứ chưa phải là sự cố công trình”, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk thông tin.

Dự án gần 72 tỷ đồng, 13 lần vỡ, rò rỉ đường ống: Chưa ‘chốt’ ngày vận hành - 1

Ông Bùi Phương Nam, Trưởng phòng tài chính kế hoạch của sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk thông tin về tiểu dự án

Chủ đầu tư dự án cho biết, đến nay có 4 vấn đề “tồn tại, khiếm khuyết” cần phải được khắc phục. Cụ thể, khắc phục sai khác về tim tuyến ống do thi công sử dụng co/cút không đúng như hồ sơ thiết kế; sửa chữa thay thế, lắp đặt lại các ống hoặc mối nối thi công không đạt yêu cầu. Thử lại áp từng đoạn. Thi công đủ số mố bê tông còn thiếu (nhà thầu chỉ thi công 47 mố, trong thiết kế 105 mố). Thi công các hạng mục theo thiết kế đã bổ sung.

Chủ đầu tư đã nhiều lần yêu cầu đơn vị xây lắp khắc phục 3 “tồn tại, khiếm khuyết” của dự án, nhưng nhà thầu từ chối, đùn đẩy trách nhiệm.

Đáng nói là, dù đã lên phương án khắc phục, nhưng chủ đầu tư chưa khẳng định, khi nào dự án sẽ đi vào hoạt động và khắc phục xong đường ống sẽ không còn bị vỡ.

Nhà thầu nói gì?

Theo đại diện Công ty TNHH xây dựng và thương mại Kỳ Nguyên (Công ty Kỳ Nguyên), trên cơ sở báo cáo của các đơn vị chức năng, cũng như thông tin từ chuyên gia tư vấn là giáo sư, tiến sĩ Dương Thanh Lượng (chuyên gia đầu ngành lĩnh vực liên quan đến tiểu dự án), việc thi công không đúng với hồ sơ thiết kế (như trên) và kể cả hồ sơ thiết kế có một số hạn chế... không phải là nguyên nhân dẫn đến vỡ tuyến ống khi thử áp.

Dự án gần 72 tỷ đồng, 13 lần vỡ, rò rỉ đường ống: Chưa ‘chốt’ ngày vận hành - 2

Tiểu dự án ở thôn Tiến Cương

“Việc đơn vị tư vấn thiết kế chọn ống uPVC (áp dụng theo QCVN04-05:2012/BNNPTNT) tại dự án là sai. Vì quy chuẩn này chỉ áp dụng tính toán kết cấu đối với các công trình có nền bê tông cốt thép. Do tính toán sai này, dẫn đến việc chọn đường ống chịu áp lực thấp, nên đã xảy ra vỡ đường ống không thể khắc phục được”, đại diện Công ty Kỳ Nguyên cho hay.

Đại diện nhà thầu cho rằng, đơn vị thi công không hề đùn đẩy trách nhiệm.

“Nếu thi công sai (làm 47 mố, thiết kế 105 mố) chúng tôi khắc phục rất dễ và thực tế công ty đã làm chuyện này. Chỉ sợ bản thiết kế dự án làm không đúng, dẫn đến tính toán sai toàn bộ hệ thống của dự án. Đây là nguyên dẫn đến dẫn đến vỡ đường ống và không thể có hướng khắc phục”, đại diện Công ty Kỳ Nguyên cho biết thêm.

Như VTC News đã đưa tin, Tiểu dự án tưới tiêu ở thôn Tiến Cường có tổng mức đầu tư gần 72 tỷ đồng, bằng vốn vay chủ yếu từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một phần vốn đối ứng của tỉnh Đắk Lắk. Chủ đầu tư dự án là Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk. Công trình được khởi công ngày 14/10/2019, dự kiến đến ngày 30/6/2020 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do liên tục gặp sự cố vỡ, rò rỉ đường ống.

Nhà thầu thi công dự án (Liên danh Phát triển nông thôn - Kỳ Nguyên - Bình Nguyên, gồm Tổng công ty Xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên và Công ty TNHH Kỹ nghệ Bình Nguyên). Đơn vị tư vấn thiết kế: Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Cenco (Công ty Cenco, trụ sở ở Hà Nội); đơn vị thẩm tra là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại NEWSTECH.

Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Đắk Lắk do Sở Xây dựng chủ trì, đã có báo cáo kết luận để xác định nguyên nhân, kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến tiểu dự án.

“Nguyên nhân dẫn đến vỡ đường ống và rò rỉ nước tại khớp nối của của tiểu dự án (giai đoạn vận hành thử và thử áp) là do những tính toán, thiếu sót của thiết kế, cộng thêm việc triển khai thi công không đúng theo hồ sơ thiết kế. Trường hợp triển khai đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, công trình cũng không thể đưa vào vận hành, khai thác đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng”, kết luận của Đoàn kiểm tra UBND tỉnh Đắk Lắk nêu.

Liên quan đến dự án trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan khắc phục các tồn tại và sớm đưa công trình đi vào sử dụng trước ngày 30/6 này. Trong khi đó, ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk khẳng định, rất khó để đưa dự án này vào hoạt động đúng tiến độ như ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

VŨ LONG