Đừng la hét với con trẻ

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 21:14, 13/06/2022

Nhiều ông bố, bà mẹ dù đã ý thức không nên quát tháo, la hét khi dạy con nhưng vẫn không kiềm chế được bản thân. Sự tức giận khiến cha mẹ dễ có những lời nói và hành động thiếu kiểm soát làm tổn thương trẻ.

Bạo lực không chỉ là những trận đòn roi, nhiều cha mẹ đang “tra tấn” con mình bằng cả sự bực dọc, la hét và chỉ trích. Những tổn thương về mặt tinh thần cũng khiến trẻ đau đớn, ám ảnh không thua gì vết thương ngoài da.

Không ít cha mẹ hối hận vô cùng vì đã la hét, quát tháo con, thế nhưng họ vẫn không thể khắc phục được sự nóng nảy của bản thân và tiếp tục phạm lỗi.

pjmxuv8e3kgu9sw8cvwfwm.jpg
Sự la hét, quát tháo khi dạy con sẽ khiến trẻ dễ tổn thương về mặt tâm lý.

Bạn có bị tổn thương khi ai đó la mắng mình? Dĩ nhiên là có! Vậy thì tại sao lại làm điều đó với con mình? Mục tiêu của chúng ta là cha mẹ nên dạy con trên tinh thần xây dựng giúp con tốt hơn chứ không phải để con ngày càng tiêu cực, phê phán trách móc chúng để chúng mặc cảm với chính mình.

"Khi chúng ta la mắng con, chúng ta đang liều lĩnh phá hủy niềm tin của trẻ vào giá trị bản thân chúng”, Tiến sĩ LaRowe – tác giả sách dạy con, chuyên nghiên cứu về trẻ em, nói.

Hãy xem lại mình, nếu sếp trách cứ la hét bạn, bạn vui vẻ chứ? Bạn sẽ thấy bị xúc phạm nặng nề! Bạn cũng thường không có cơ hội giải thích quá trình cho sếp vì cơn tức giận của ông/cô ta. Và con bạn với chính bạn cũng như vậy. Bạn nên dạy con cách thay đổi, cách chấp nhận lỗi làm sao để trẻ không mặc cảm và tự ti vào chính mình.

Hãy thử áp dụng những “chìa khóa vàng” sau để không nổi nóng với con, kiềm chế bản thân và từ đó có cách xử lý mềm mỏng phù hợp:

Hít thở và “Time-Out”

Hãy hít sâu vào, thở ra và lặp lại. Bạn có thể sẽ mất vài phút để “làm nguội” cơn giận của mình nhưng điều này cực kỳ cần thiết. Các chuyên gia cho rằng cha mẹ nên dành thời gian “Time-Out” – tức dành thời gian cần thiết để suy nghĩ, hành động của mình. Nếu bạn tức giận và cư xử ngay, bạn chỉ trút hết mọi thứ lên con mình và không giải quyết được gì. Trước khi xử lý trường hợp của con, hãy thở sâu và nghĩ kỹ xem mình sẽ nói gì với con một cách thật bình tĩnh.

mother-burnout-today-180424-tease-02.jpg
Hãy nhanh chóng dẹp cơn bùng nổ bằng cách cho mình thời gian và hít thở.

Chẳng hạn, khi bạn nói với con: “Mau nhặt đồ chơi cất đi và lên giường ngủ”, thế nhưng 5 phút sau khi bạn kiểm tra, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, đồ chơi vứt lăn lóc. Bạn sẽ thấy máu của mình bắt đầu sôi lên, bạn sắp mất kiểm soát với bạn nhỏ kia. Hãy bình tĩnh, quay người lại, nhắm mắt và hút thở. Hãy dành một lúc để tập trung lại cảm xúc của mình và trao đổi cùng con.

Kiên quyết và mềm mỏng

Thay vì la hét con, hãy nói chuyện với con một cách mềm mỏng nhưng dứt khoát và đưa ra hướng dẫn để con điều chỉnh hành vi của mình. Điều ảnh hưởng nhất đến con thực sự lại là nghiêm khắc nhưng nhẹ nhàng. Khi bạn nói với con bằng giọng nhẹ nhàng, bình tĩnh nhưng kiên quyết, trẻ buộc sẽ phải lắng nghe bạn. Không chỉ thế, con bạn có thể nắm bắt hướng dẫn của bạn nhanh hơn, bạn cũng không phải khan cổ họng vì la hét, giải thích cho con hiểu.

Giải thích cảm xúc

Trước khi bạn mất kiểm soát vì tức giận, hãy hỏi đâu là nguyên nhân khiến trẻ hành động như vậy. Một trong những lý do lớn nhất trẻ cư xử không tốt đó là bởi trẻ chưa học được cách thể hiện cảm xúc của mình. Cha mẹ nên dạy con cái làm thể nào đển thể hiện bản thân một cách hiệu quả bằng cách xác định rõ cảm xúc của mình.

Chẳng hạn như con bạn đang cố sức giành lại đồ chơi từ bạn bé bằng cách đẩy ngã bạn, đừng vội mắng con, thay vào đó hãy giải thích cho cả con và bạn hiểu. Nói với cả con và bạn rằng giật đồ chơi của bạn là xấu nhưng con không nên đẩy ngã bạn, con nên nói với bạn: “Bạn làm vậy mình sẽ lấy lại đấy! Con đừng đẩy bạn té nhé!”.

istockphoto-1221858695-612x612.jpg
Chọn cách giải thích, phân tích hành vi giúp con nhận lỗi thay vì nổi nóng và la hét trẻ.

Những luật lệ rõ ràng

Hãy đặt ra những luật lệ rõ ràng và kiên quyết áp dụng chúng. Khi bạn làm được điều này, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh hành vi của trẻ hơn so với việc chỉ la hét và dọa dẫm đơn thuần.

Chẳng hạn, khi con bạn mải mê xem tivi dù mẹ đã yêu cầu tắt đi và đứng dậy, bạn la hét nhưng 5 phút sau con vẫn ngồi lì đấy. Bạn bực tức thất vọng tự la hét và tự nghe. Bạn có thể tránh điều này bằng cách đặt ra những quy định buộc trẻ thông qua. Ban đầu sẽ hơi khó khăn nhưng bạn kiên trì, trẻ sẽ theo những luật lệ rõ ràng từ cha mẹ.

Khen ngợi hành vi tốt

Trẻ em thường thích được cha mẹ chú ý. Cha mẹ thường thể hiện sự quan tâm với con mình bằng cách khen ngợi những hành vi tốt và trừng phạt những hành vi xấu ở trẻ. Vì vậy, nhiều trẻ tranh thủ cả những hành vi xấu để được cha mẹ chú ý hơn. Trẻ có thể la hét, ném đồ đạc để được cha mẹ chạy lại quan tâm mình.

Nếu bạn la hét với con, bạn sẽ cho chúng thấy sự chú ý mà chúng muốn đã có hiệu quả. Trẻ sẽ tiếp tục có những hành xử xấu khác tương tự. Thay vào đó, hãy phớt lờ những chú ý với hành vi xấu của trẻ, không la hét mà thay bằng giải thích, khen ngợi những hành vi tốt để làm tăng sự động viên nơi trẻ.

1-1594608937836277718523.jpg
Việc khen ngợi khi trẻ có hành vi tốt sẽ khuyến khích trẻ rất nhiều.

Chúng ta không hoàn hảo

Không quan trọng chuyện chúng ta cố gắng bao nhiêu, đôi khi bất kỳ ai cũng có thể nổi nóng và la hét. Điều đó cũng không có gì quá nguy hiểm nếu chúng ta phát hiện và điều chỉnh mình kịp thời. Con bạn vẫn có những trò khiến bạn nổi nóng mỗi ngày và bạn đang cố gắng để kiểm soát mình theo các bước. Bạn cố gắng duy trì sự bình tĩnh nhưng một chút rủi ro nho nào đó từ con gây ra cũng khiến bạn khó kiểm soát. Bạn lên giọng, to tiếng và khó trở lại bình tĩnh.

Các chuyên gia cho rằng, không ai hoàn hảo, dù cố gắng bạn vẫn khó tránh những lúc không kiểm soát được bản thân, tuy nhiên bạn cần nhớ một điều quan trọng: Hãy giải thích với con vì sao bạn lớn tiếng với chúng và bạn không muốn vậy, bạn sẽ bình tĩnh hơn khi trò chuyện với chúng nếu chúng biết lắng nghe và bạn mong muốn lần sau con sẽ hợp tác như thế! Cách trò chuyện này giúp con không la hét trở lại với bạn và bạn cũng cân bằng hơn với chính mình sau khi nổi nóng với con.

Thủy Nguyên