Singapore trở thành quốc gia nói tiếng Anh như thế nào?

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:21, 12/06/2022

Không phải tự nhiên mà Singapore - quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á với các ngôn ngữ chính là tiếng Quan Thoại, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil - giờ đây được biết đến là một trong những quốc gia có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo nhất thế giới.

Singapore từng là thuộc địa của Vương quốc Anh suốt thế kỷ XIX và XX, thế nhưng, không có nhiều người ngoài tầng lớp được gọi là “tinh hoa” thời bấy giờ nói được tiếng Anh. Đây cũng là quốc gia đa dạng được cấu thành từ ba nhóm dân tộc chính, bao gồm: người Hoa, người Ấn Độ và người Mã Lai.

martinabaysands
Singapore là quốc gia có khả năng sử dụng tiếng Anh cao nhất thế giới. Ảnh: martinabaysands

Vậy, làm thế nào mà một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, nơi mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, lại trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của doanh nhân và du học sinh từ khắp nơi trên thế giới đến để sinh sống, làm việc và học tập?

Theo Bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ lớn nhất thế giới EF (EF English Proficiency Index) năm 2021 thì khả năng sử dụng tiếng Anh của người dân đảo quốc sư tử được đánh giá rất cao trong danh sách, chỉ xếp sau Đan Mạch, Áo và Hà Lan.

Sự phát triển vượt bậc của Singapore ngày nay không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Lý Quang Diệu, vị thủ tướng đầu tiên, người đã lãnh đạo Singapore trong suốt hơn 30 năm (từ 1959 - 1990) với câu phát biểu nổi tiếng: "Chìa khóa giúp cho Singapore không bị tụt hậu so với thế giới chính là tiếng Anh".

Từ rất sớm, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã nhận ra rằng, phổ cập khả năng sử dụng tiếng Anh sẽ là chìa khóa quan trọng để vực dậy nền kinh tế Singapore cũng như phát triển khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu.

Ngay sau đó, kế hoạch đầy táo bạo của ông đã được triển khai bằng cách đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ dùng để giảng dạy trong toàn bộ hệ thống trường học ở Singapore, trong khi ngôn ngữ của ba nhóm dân tộc chính, bao gồm: tiếng Quan Thoại, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil chỉ được dạy trong trường học như là ngôn ngữ phụ. Vào những năm 1960, chính phủ của Thủ tướng Lý Quang Diệu bắt buộc tiếng Anh là ngoại ngữ duy nhất được đưa vào giảng dạy trong tất cả các trường tiểu học và trung học trên cả nước.

Tiếng Anh được Singapore đưa vào làm ngôn ngữ giảng dạy trong trường học từ rất sớm. Ảnh:
Tiếng Anh được Singapore đưa vào làm ngôn ngữ giảng dạy trong trường học từ rất sớm. Ảnh: Today Online

Năm 1987, Singapore trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy cho hầu hết các môn học ở trường phổ thông, bao gồm các môn Toán, Khoa học và Lịch sử. Trước đó, quốc gia này cũng đã chuyển sang phương pháp Giảng dạy ngôn ngữ theo định hướng giao tiếp (CLT), trong đó tập trung vào việc tạo ra các ngữ cảnh mô phỏng tình huống thực tế để đưa vào trong lớp học. Nhờ vậy, học sinh có thể được thực hành sử dụng ngôn ngữ một cách thực tế thay vì tập trung vào các quy tắc ngữ pháp trừu tượng và các bài tập từ vựng theo cách thuộc lòng.

Không chỉ dừng lại ở đó, các cuộc cải cách chương trình giáo dục của Singapore được thực hiện vào các năm 1991, 2001 và 2010 đã quyết tâm duy trì việc thúc đẩy phương pháp CLT, đồng thời bổ sung thêm các phương pháp học tiếng Anh thực dụng khác.

Năm 2011, Thủ tướng Lý Quang Diệu thành lập Học viện Anh ngữ Singapore (English Language Institute of Singapore) với nhiệm vụ tạo ra “sự xuất sắc” trong công tác giảng dạy tiếng Anh. Học viện đã thúc đẩy Phương pháp Tiếp cận Toàn trường để Giao tiếp Hiệu quả, theo đó tất cả các nhà lãnh đạo và giáo viên của trường cam kết phát triển các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh của học sinh. Ở đây, các nhà quản lý giáo dục và giáo viên được trang bị đầy đủ những kỹ năng, kiến thức để khi quay trở lại lớp học thì có thể giúp đỡ học sinh của mình phát triển các kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp ở mức tốt nhất.

Học sinh bậc phổ thông ở Singapore được học các môn học thông qua ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Anh. Ảnh:
Học sinh bậc phổ thông ở Singapore được học các môn học thông qua ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Anh. Ảnh: QZ

Theo đó, giáo viên khoa học được đào tạo để xây dựng nền tảng kiến thức cho học sinh bằng kỹ năng viết luận, giáo viên toán thì phát triển kỹ năng phân tích và lập luận toán học của học sinh thông qua các cuộc thảo luận trong lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Phương pháp tiếp cận này mang đến cho học sinh cơ hội phát triển các kỹ năng tiếng Anh của mình một cách tự nhiên thông qua việc học các môn học trong lớp - từ ngữ văn đến toán và khoa học.

Và kế hoạch của Thủ tướng Lý Quang Diệu đã thành công. Mô hình “Đông-Tây kết hợp trong giáo dục” độc đáo này đã góp phần tạo nên một Singapore như là một trung tâm tài chính thương mại toàn cầu nhờ phương tiện giao tiếp chính là tiếng Anh, trong khi vẫn đề cao ngôn ngữ gốc của các cộng đồng dân tộc bản địa. Bên cạnh đó, Singapore còn là điểm đến hàng đầu cho sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên đến từ các nước Đông Nam Á để theo học tiếng Anh và các chương trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Anh ở quốc gia này.

“Không có nhiều quốc gia trên thế giới có một nhà lãnh đạo kiên trì và hết lòng ủng hộ giáo dục ngôn ngữ, xem đó là chìa khóa quan trọng cho sự phát triển cả về kinh tế lẫn bản sắc của quốc gia mình như Thủ tướng Lý Quang Diệu”, Tiến sĩ Minh Tran, từng là lãnh đạo cấp cao của tổ chức giáo dục toàn cầu Education First (EF) nhận xét.

Tiếng Anh hiện diện hầu như mọi nơi trên đảo quốc sư tử. Ảnh:
Tiếng Anh hiện diện hầu như mọi nơi trên đảo quốc sư tử, bên cạnh tiếng Quan Thoại, Mã Lai và Tamil . Ảnh: BBC
(Theo Pie News)

Nguyễn Thuận