Vì sao châu Âu mua hàng hóa này của Nga với số lượng kỷ lục?

Đối ngoại - Ngày đăng : 17:17, 10/06/2022

Theo Kommersant, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt với Nga, châu Âu đã mua một lượng kỷ lục palladium của nước này.

Cụ thể, châu Âu đã mua một số lượng kỷ lục palladi của Nga trong tháng 3 trị giá 407 triệu euro. Khối lượng chính thuộc về Đức với 297 triệu USD.

Kommersant lý giải nguyên nhân là do các lệnh trừng phạt và các vấn đề hậu cần do chúng gây ra đối với việc vận chuyển hàng hóa.

Ấn bản của Nga cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) đã mua 1/4 số palladi do công ty Norilsk Nickel của Nga khai thác vào tháng 3, nhưng công ty từ chối bình luận về vấn đề này.

Vì sao châu Âu mua hàng hóa này của Nga với số lượng kỷ lục?
Châu Âu mua kỷ lục một hàng hóa của Nga. (Ảnh: Pixabay)

Theo các chuyên gia, nhìn chung, châu Âu vẫn chưa thể từ bỏ kim loại này, vì Nga chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường khi quốc gia này chiếm tới 40% tổng nguồn cung kim loại.

Được biết, hầu hết nhu cầu về palladi đến từ ngành công nghiệp ô tô gần đây đang bị thiếu hụt chất bán dẫn. Nhu cầu palladi toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 3% lên 10,3 triệu ounce vào năm 2022, nhờ sự phục hồi một phần trong lĩnh vực ô tô.

Vào cuối tháng 5, Chủ tịch Ủy ban Xây dựng Hiến pháp của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Andrey Klishas đã đề xuất xuất khẩu niken, bạch kim và palladium để thanh toán bằng đồng ruble. Ông Klishas lưu ý rằng, những kim loại này là thứ mà “phương Tây thực sự cần và không có gì để thay thế”.

Kinh tế châu Âu dự báo khó khăn

Financial Times (FT) cho biết, các nền kinh tế châu Âu đang gặp “vận đen” trong những tháng tới. Ấn phẩm lưu ý rằng, châu Âu năm nay sẽ phải đối mặt với một mối đe dọa lớn về suy thoái. Tác giả bài viết kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu ngừng hỗ trợ tiền tệ cho nền kinh tế khu vực đồng euro và tăng lãi suất.

Trước đó, lạm phát ở châu Âu đã tăng lên 8,1% vào tháng 5. Theo nhà báo này, thay vì tiết kiệm, các nước EU lại có ý định chi tiêu. Để làm được điều này, họ sử dụng quỹ 800 tỉ euro.

Đồng thời, theo FT, GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ tăng 0,3% trong quý cuối cùng của năm ngoái và tăng 0,2% trong quý đầu tiên của năm 2022.

Giới chuyên gia nhận định, nhu cầu dự kiến ​​sẽ tăng lên trong những quý tới do việc dỡ bỏ nhiều hạn chế về Covid-19, nhưng sẽ bị kìm hãm bởi áp lực chi tiêu hàng ngày đối với thu nhập của người tiêu dùng do giá năng lượng cao hơn.

Tác giả viết: “Sự thật phũ phàng là các nước châu Âu nên tiêu ít tiền hơn, vì họ là nước nhập khẩu ròng năng lượng trong khi giá dầu và khí đốt tăng đã khiến mọi người trở nên nghèo hơn”.

“Tình hình kinh tế thật khủng khiếp. Những tháng tới, các nền kinh tế châu Âu sẽ khốn đốn. Thu nhập sẽ giảm, suy thoái có khả năng xảy ra và lãi suất sẽ phải tăng qua đó gây thêm áp lực cho các hộ gia đình”, FT nhấn mạnh.

Thanh Bình (lược dịch)