Siêu rocket phương Tây đối đầu dàn hỏa lực "chiến thần" của Nga ở Donbass

Đối ngoại - Ngày đăng : 13:53, 08/06/2022

Chiến sự Nga - Ukraine nóng lên mỗi ngày khi 2 bên đều triển khai những vũ khí có thể tạo thế áp đảo trên chiến trường: Hỏa lực phóng loạt.
Siêu rocket phương Tây đối đầu dàn hỏa lực chiến thần của Nga ở Donbass - 1

Một hệ thống rocket phóng loạt của Mỹ (Ảnh: AFP).

Mỹ và Anh trong tuần qua đã đồng ý gửi cho Ukraine một vài hệ thống tên lửa tầm trung, cụ thể là các bệ phóng rocket phóng loạt, có khả năng triển khai tên lửa uy lực. Động thái của Mỹ và Anh diễn ra trong bối cảnh Nga nhiều lần cảnh báo về hậu quả khi phương Tây chuyển cho Ukraine các hệ thống vũ khí có khả năng làm "thay đổi cuộc chơi".

Tuy nhiên, Nga cũng sở hữu các hệ thống rocket phóng loạt (MLRS) tương tự, thậm chí với số lượng lớn hơn hẳn Ukraine. Câu hỏi đặt ra là vì sao Nga lại bày tỏ quan ngại tới việc Ukraine sắp nhận được vài hệ thống MLRS?

Kể từ Thế chiến I, khi pháo kích gây ra hơn 60% thương vong ở mặt trận phía tây, pháo binh đã chiếm ưu thế trên chiến trường. Trong nhiều thập niên, Liên Xô và sau đó là Nga dựa trên học thuyết về lực lượng mặt đất của họ xoay quanh việc triển khai các loại pháo và hệ thống rocket phủ kín chiến trường bằng hỏa lực mạnh mẽ. Các vũ khí khác có nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ pháo binh.

Vì vậy, theo Asia Times, các hệ thống pháo, rocket hiện vẫn được xem là dàn vũ khí "chiến thần" của Nga. Thực tế đã cho thấy, với số lượng hỏa lực áp đảo, Nga đã đạt được đà tiến tại Đông Ukraine trong giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự.

Khả năng bắn trúng mục tiêu của các hệ thống pháo không chỉ có sức công phá đáng kể mà nó cũng tác động sâu sắc đến tinh thần binh sĩ đối thủ như một hình thức "tâm lý chiến", theo các chuyên gia quân sự.

Cho đến nay, Nga không chỉ có ưu thế trước Ukraine về số lượng hỏa lực, họ cũng vượt trội so với Kiev về tầm bắn của vũ khí. Đây là thông số có ý nghĩa lớn với pháo binh vì mối đe dọa lớn nhất với lực lượng này là các loại pháo khác được sử dụng trong vai trò "pháo phản công".

Vì vậy, trong các cuộc đối đầu bằng pháo, các binh sĩ điều khiển thường di chuyển rất nhanh sau khi hoàn thành tấn công mục tiêu. Họ hiểu rằng, radar đối thủ có thể bắt được tín hiệu của họ và họ đối diện với nguy cơ bị phản công. Nếu hỏa lực của đối thủ có tầm tấn công lớn hơn, điều đó có nghĩa là sẽ chỉ có một bên tấn công được bên còn lại bằng pháo.

Trong thời gian qua, Nga đã đăng tải các video cho thấy, các hệ thống MLRS của họ gây ra thiệt hại lớn cho mục tiêu của Ukraine.

Khoảnh khắc siêu pháo của Nga phóng ra "bão lửa" ở Ukraine

Vũ khí uy lực

Ukraine trong những tuần qua liên tục kêu gọi phương Tây chuyển các hệ thống MLRS có tầm bắn xa hơn cho họ, với hy vọng rằng các hỏa lực này có thể nhanh chóng chặn đà tiến của Nga ở những điểm nóng. Thời gian đang có lợi cho Nga khi họ gần như kiểm soát hoàn toàn Donbass. Trong khi đó, Ukraine với hệ thống hỏa lực không đủ mạnh và có tầm ngắn hơn có thể sẽ gặp thiệt hại lớn nếu quyết định phản công.

Do đó, việc Mỹ tuyên bố cấp cho Ukraine các hệ thống uy lực HIMARS, trong khi Anh nói rằng họ sẽ gửi cho Kiev các MLRS M270 được xem là mối đe dọa cho sự áp đảo Nga.

Dù Ukraine thừa nhận rằng số lượng MLRS mà Anh và Mỹ hứa chuyển là rất nhỏ, nhưng sự hiện diện của những vũ khí này ở các khu vực quan trọng có thể ảnh hưởng tới chiến thuật và đà tiến của Nga. HIMARS hay M270 có thể đưa hỏa lực sâu về phía sau chiến tuyến của Nga nếu so với các hệ thống pháo cũ kỹ mà Ukraine đang sử dụng.

Mỹ thận trọng khi khẳng định sẽ không cấp tên lửa và đạn pháo tầm xa (khoảng 300km) cho Ukraine, nhưng với các rocket M30 và M31 mà Kiev nhiều khả năng nhận được, nó cũng có thể đủ để gây ra thiệt hại cho Nga với tầm bắn 70km.

Gần đây, Mỹ và đồng minh cũng chuyển cho Ukraine các hệ thống phụ trợ quan trọng như radar phản pháo - thiết bị có thể giúp Kiev định vị vị trí của hỏa lực Nga với tốc độ nhanh và sự chính xác cao. Điều này làm gia tăng mối đe dọa cho Nga trên chiến trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những dự đoán trên chỉ là lý thuyết. Ukraine cần vài tuần để quân nhân của họ được huấn luyện sử dụng thành thạo các hệ thống MLRS mới và tích lũy kinh nghiệm để có chiến thuật triển khai hợp lý.

Ngoài ra, MLRS dường như là chưa đủ để Ukraine lật ngược thế cờ trước Nga. Asia Times cho rằng, Kiev cần phải có thêm hàng loạt vũ khí khác như xe tăng, máy bay không người lái, tên lửa để tạo được thế cân bằng trước Nga - một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

Đức Hoàng