Có nên đinh hướng cho con chọn nghề theo sở thích?

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 17:17, 25/05/2022

Việc chọn nghề tương lai là một trong những quyết định quan trọng. Chọn nghề theo sở thích hay phù hợp năng lực bản thân là điều các bậc cha mẹ cần giúp con phân tích, tìm hiểu kĩ.

Con chọn hay cha mẹ chọn?

Nhiều cha mẹ chia sẻ từng rất đau đầu khi đối diện với lựa chọn nghề nghiệp tương lai của con. Cuộc chiến “con chọn hay cha mẹ chọn” diễn ra căng thẳng trong không ít gia đình. Chị Thu Thủy (Q. Tân Bình, TP. HCM) chia sẻ đã định hướng cho con theo ngành Dược thế nhưng Minh Anh, con gái chị nhất quyết phản đối.

“Suốt 3 năm qua tưởng sẽ thay đổi được con nhưng cháu vẫn kiên quyết theo ngành Công nghệ thông tin. Cha mẹ giải thích thế nào cũng không nghe. Chỉ sợ con đi sai đường vì nghề này con gái mấy ai theo, sau này thấy không hợp lại uổng phí mất mấy năm”.

Chị Thủy cho rằng con gái học Dược phù hợp hơn và trong nhà cũng có người làm lĩnh vực này. Nhưng sau nhiều lần “đấu trí”, vợ chồng chị đành chịu thua, chấp nhận lựa chọn của con bởi sợ áp lực lên con lúc đang cần tập trung thời gian và sức lực để ôn thi.

why-do-teens-fight-with-parents.jpeg
Cha mẹ cần tránh tạo áp lực căng thẳng, bắt con phải theo ý mình.

Khi chọn ngành để theo học, hầu như rất nhiều bạn trẻ chọn theo sở thích. Có những bạn xác định rõ mình muốn gì ngay khi bước vào bậc học phổ thông, nhưng cũng có những bạn mãi đến năm cuối cấp mới định hình cho mình hướng đi. Nhiều bạn lại chọn ngành sao cho giống bạn bè. Nhiều bậc cha mẹ lo lắng điều này nên ra sức ngăn cản, càng khiến con cảm thấy bị áp đặt, không được tôn trọng quyền lựa chọn.

Giúp con phân biệt khả năng và sở thích

Sở thích và khả năng là hai yếu tố quan trọng cần đặt lên cán cân khi giúp con định hướng chọn ngành nghề. Cha mẹ cần là người định hướng, phân tích cho con hiểu, tránh áp đặt lựa chọn lên con. Nếu một người đơn giản chỉ chọn theo sở thích bản thân, năng lực  hoàn toàn không đáp ứng được, thành công là điều rất khó.

Ngược lại, nếu chỉ chọn ngành nghề phù hợp với năng lực nhưng bản thân  không yêu thích thì việc gắn bó lâu dài cũng rất khó. Vì vậy, cha mẹ nên là người sát cánh cùng con tìm hiểu rõ ràng hai yếu tố trên.

relationship-between-parents-and-teenager.jpg
Những định hướng nghề nghiệp từ sớm sẽ giúp trẻ hiểu hơn và có quyết định đúng cho tương lai.

Ở độ tuổi này, suy nghĩ của con vẫn chưa thấu đáo. Những sở thích có thể thay đổi theo thời gian, nhất là khi các bạn chưa nhiều trải nghiệm và mức độ hiểu biết về ngành nghề mình dự kiến theo đuổi còn hạn chế.

Chính vì vậy, nếu muốn giúp con chọn theo sở thích của mình, cha mẹ nên có cho con tìm hiểu, tham khảo những người đi trước về những thuận lợi, khó khăn của ngành nghề con yêu thích để xem xét bản thân có phù hợp không trước khi đưa ra quyết định. Yếu tố “thích”và “hợp” với một ngành nghề là hoàn toàn khác nhau.

Nhiều bạn chỉ đặt mục tiêu phải đậu Đại học, sau đó lại chán nản vì không phù hợp. Lại cũng có bạn vì chọn nghề không quan tâm đến điều kiện sức khỏe bản thân, sau này cũng phải bỏ dở công việc mình yêu thích giữa chừng.

Đồng hành cùng con

Không ai đồng hành cùng con tốt hơn cha mẹ. Hãy giúp con khám phá năng lực cũng như sở thích của bản thân mình thông qua những câu hỏi và gợi ý về công việc yêu thích, những lĩnh vực nghề nghiệp có thể làm, ngành học nào hấp dẫn mình và vì sao?

istock-938980604.jpg
Cha mẹ chỉ nên giữ vai trò là người đồng hành, chia sẻ cùng con thay vì quyết định thay con.

Giúp con nhận diện tính cách của mình, sở thích, kỹ năng và giá trị của bản thân. Khi trẻ hiểu rõ về tính cách của mình và đặc trưng nghề nghiệp tương lai, trẻ sẽ biết bản thân phù hợp với ngành nghề nào, thế mạnh bản thân là gì? Khi xác định được những công việc mình yêu thích, trẻ cùng cha mẹ sẽ đưa ra được câu trả lời về nghề thích hợp.

Bên cạnh đó, cha mẹ đừng quên tham khảo những người xung quanh đã trải qua nghề nghiệp trong tương lai mà con mong muốn. Chính họ sẽ chia sẻ giúp con có cái nhìn cụ thể về nghề nghiệp với những khó khăn, thuận lợi để từ đó có thể soi chiếu vào bản thân.

Cha mẹ nên tôn trọng lựa chọn của con và chỉ nên đóng vai trò là người đồng hành, cùng con định hướng để tìm ra lựa chọn tốt nhất, tránh thái độ áp đặt dồn ép áp lực lên vai trẻ. Dù bất cứ lựa chọn nào được đưa ra, hãy cho trẻ thấy cha mẹ luôn là người bạn vững tin, sát cánh ở bên trẻ.

Thủy Nguyên