Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm rõ giá dịch vụ khám chữa bệnh

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:55, 25/05/2022

Giá dịch vụ khám chữa bệnh liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy việc quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.

Chiều nay (25/5), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội tờ trình Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Y tế, ngày 23/11/2009, Quốc hội đã thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh. Ngay sau khi Luật được ban hành, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh ra đời đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết dự án luật thay đổi từ cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sang cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các yếu tố phát sinh như thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế, trang thiết bị y tế và các hàng hóa khác, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do các cơ sở và người hành nghề đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cung cấp và các chi phí khác...

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm rõ giá dịch vụ khám chữa bệnh - 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Quốc Chính).

Ông Long cho biết, dự thảo quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sĩ, y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; điều dưỡng; hộ sinh; kỹ thuật y; dinh dưỡng; cấp cứu viên ngoại viện. Các đối tượng là lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ.

Theo Bộ trưởng Y tế, dự án luật bổ sung 3 chức danh là y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; dinh dưỡng và cấp cứu viên ngoại viện. Việc bổ sung các chức danh xuất phát từ việc thực hiện đúng nguyên lý người trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy phép hành nghề. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế việc ghép hai chức danh dinh dưỡng và cấp cứu viên ngoại viện trong chức danh kỹ thuật y là không thực sự phù hợp với bản chất công việc của các chức danh này. Ban soạn thảo cũng đã bổ sung đánh giá tác động đối với các nhóm chức danh nêu trên.

Bộ trưởng Y tế cho biết việc quản lý người hành nghề trong dự án luật, sẽ thay thế bằng quy định chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề. Trên cơ sở chức danh nghề nghiệp được quy định trong Luật, Chính phủ sẽ quy định văn bằng chuyên môn tương ứng với từng chức danh. Bên cạnh đó, bắt buộc phải đăng ký hành nghề trên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Theo nội dung dự án luật, sẽ không cấp mới giấy phép hành nghề cho đối tượng là y sĩ từ ngày 1/1/2025 nhưng vẫn cho phép y sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề theo luật năm 2009 tiếp tục hành nghề trọn đời; đồng thời lực lượng vũ trang tiếp tục được tuyển dụng, sử dụng y sĩ để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang và của người dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ông Long cho hay, bên cạnh việc tiếp tục duy trì hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân như hiện nay, dự thảo luật đã bổ sung quy định chia hệ thống khám bệnh, chữa bệnh này thành 3 cấp chăm sóc.

Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú tổng quát; đào tạo thực hành tổng quát; cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú chuyên sâu; đào tạo thực hành chuyên sâu.

Nêu báo cáo thẩm tra về Dự án Luật khám chữa bệnh, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - đề cập tới nhiều nội dung, trong đó có lưu ý về nguồn tài chính cho khám bệnh, chữa bệnh và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm rõ giá dịch vụ khám chữa bệnh - 2

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).

Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định cụ thể hơn về tài chính y tế, đặc biệt là về cơ chế xã hội hóa nhằm khắc phục những bất cập hiện nay trong quản lý bệnh viện và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan thẩm tra thấy rằng đây là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.

"Nhiều ý kiến trong Ủy ban thống nhất với quy định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Giá, nhưng cần bổ sung quy định nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ y tế khối tư nhân. Tuy nhiên, một số ý kiến khác trong Ủy ban thấy rằng, cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân để đảm bảo quyền của người bệnh" - bà Thúy Anh thông tin.

Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành, đảm bảo tính phù hợp, toàn diện và khả thi.

Châu Như Quỳnh