Vấn đề trọng tâm là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Xã hội - Ngày đăng : 13:39, 25/05/2022

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, "cần giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ", làm sao đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp...
Trọng tâm ngay trước mắt: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thảo luận tại tổ Quốc hội sáng 25/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% trong cả nhiệm kỳ. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế năm nay phải đạt ở mức như Quốc hội đề xuất, cộng với phần gói kích thích kinh tế (ít nhất 2%).

Như vậy, mục tiêu tăng trưởng của cả năm sẽ là 8,5%, đây là thách thức rất lớn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu hiến kế giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt là thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công. Đến nay tiến độ giải ngân còn chậm. "Vấn đề mà Quốc hội, Chính phủ quan tâm hiện nay là việc chi ngân sách rất khó khăn. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp..."

  • Quốc hội sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù vùng, có tính liên kết, lan toả cao hơn

  • Chính phủ xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển KTXH

Chủ tịch Quốc hội cho rằng "cần giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ, nếu không bàn thì họp xong vẫn tắc, băn khoăn nhất là như vậy, chứ không phải không có nguồn lực".

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị Chính phủ cần quan tâm, sớm triển khai thực hiện cho tốt gói hỗ trợ, để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Bên cạnh đó, về giải ngân đầu tư công chậm, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để đưa ra những giải pháp tạo chuyển biến tích cực.

"Một vấn đề là các thủ tục triển khai các dự án theo Luật Đấu thầu còn nhiều rắc rối nên kiến nghị Quốc hội sớm sửa luật này để khắc phục thủ tục rườm ra để tiến độ nhanh, sớm triển khai đem lại hiểu quả tốt hơn", đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề xuất.

Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư giao thông cho ĐBSCL và đã có những chuyển biến rõ nét, tạo tiền đề cho khu vực này phát triển. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Bé, nhu cầu giao thông vẫn rất cần thiết, không phải chỉ giao thông đường bộ mà còn là giao thông đường thủy, khi lợi thế ở đây là đường thủy nhưng hiện nay còn phát triển rất ít các bến cảng, cảng biển...

Cũng tại phiên thảo luận tổ sáng nay, 25/5, đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các đại biểu Quốc hội khẳng định, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại những lại chuyển biến rất tích cực, góp phần duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%, từng bước bảo đảm quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, thể hiện tính đúng đắn về định hướng, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng; tác động tích cực đến quá trình cơ cấu lại, phát triển của hệ thống tín dụng.

Nhiều đại biểu đề nghị nên kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm nợ xấu đến hết ngày 31/12/2023, vì việc dừng áp dụng Nghị quyết 42 trong khi chưa luật hóa, sẽ làm mất đi công cụ cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ xấu, tạo áp lực, thách thức lớn đối với tổ chức tín dụng, tạo hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế vĩ mô.

Đối với việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội nêu nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian. Do đó, Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các nước có luật để xử lý nợ xấu lúc khủng hoảng, Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV về bản chất cũng là một luật như vậy, khác hoàn toàn với cơ chế thông thường, với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan.

Hải Liên